Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người xây nền bóng đá nữ

Khánh Chi| 15/03/2017 06:16

(HNM) - Đã có một thời ông mang tiếng “gàn dở” bởi... cố tình làm những việc chưa có tiền lệ. Nhưng bằng quyết tâm và tình yêu với trái bóng tròn, ông đã làm nên những điều đáng gọi là kỳ tích. Góp phần không nhỏ xây nền bóng đá nữ qua việc phát hiện, tuyển chọn nhiều cầu thủ cho đội tuyển Hà Nội, đội tuyển quốc gia,


Nhiệt huyết bền bỉ

Sân vận động thôn Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín) đơn sơ như bao sân vận động khác ở vùng ngoại thành. Không được đầu tư nhiều, sân vẫn là nền đất mộc mạc suốt hàng chục năm qua. Điều khác biệt duy nhất ở chỗ, sân chẳng mấy khi vắng bóng người chơi. Quanh năm, suốt tháng luôn có bóng dáng những nữ cầu thủ say mê tập luyện với người thầy nhiệt huyết.

Hành trang của ông Kiểm trước khi ra sân tập bóng.



Cũng như bao ngày, khi trời đã quá trưa ông Kiểm lại kiểm tra "đồ nghề" để chuẩn bị cho buổi luyện tập. Đấy là một cuốn sổ ghi tên cầu thủ, những chiếc cờ đánh dấu trên sân tập chiến thuật, còi... và quan trọng nhất là những trái bóng. Khá lỉnh kỉnh, ông sắp xếp tất cả gọn gàng trong một chiếc hòm tôn. 14h30 hằng ngày, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, ghi đông lúc lỉu túi bóng, ông ra sân ngồi chờ học trò. Không như những lớp học bóng đá chuyên nghiệp chuẩn giờ, chuẩn sĩ số, lớp học của ông khá đặc biệt. Đăm chiêu nhìn về các ngả đường, ông Kiểm tâm sự: “Học sinh của tôi đến từ nhiều trường học trên địa bàn huyện Thường Tín, Phú Xuyên và ở nhiều độ tuổi khác nhau. Được nghỉ học lúc nào các cháu đến lúc đó. Vì thế, sĩ số không ổn định, ngày nhiều, ngày ít, nhưng hôm nào tôi cũng ra đây đợi, trừ ngày mưa”.

Tranh thủ ít phút nghỉ giải lao, tôi bắt chuyện với cầu thủ Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 12, Trường THPT Đồng Quan (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên). Vừa lau những giọt mồ hôi nhễ nhại, em vừa vui vẻ nói về sở trường của mình: “Em yêu thích bóng đá từ khi học lớp 5. Thấy em đam mê nên bố mẹ cũng đồng ý và xin ông Kiểm cho theo học với mục đích để luyện rèn sức khỏe. Từ đó, cứ những lúc rảnh em lại đến sân tập và được ông chỉ dạy tận tình, tỉ mỉ.

Hỏi chuyện mới hay, ông không chỉ đưa, đón một mình Phương Thảo, mà còn nhiều cầu thủ nhí khác cũng được ông giúp đỡ. Thậm chí, ông còn bỏ tiền túi của mình để mua xe đạp tặng 4 cháu có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn “để các cháu kịp đến sân luyện tập sau khi tan học ở trường”. Với niềm hăng say, ông không quản ngại khó khăn để rèn luyện cho học trò. Hơn 30 năm gắn mình với trái bóng, ông đã đào tạo được khoảng 300 lượt cầu thủ, trong đó rất nhiều cầu thủ đã được tuyển chọn vào đội tuyển bóng đá nữ U14, U23 và đội tuyển quốc gia. Bền bỉ theo tháng ngày, bao lớp cầu thủ nữ đã dạn dày, trưởng thành từ đội bóng đá xã Nghiêm Xuyên. Đã có rất nhiều cái tên được xướng trên đài vinh quang, làm rạng danh cho vùng quê nghèo như: Đỗ Thị Thu Trang, Dương Khánh Ly, Nguyễn Thị Thành, Phạm Hải Yến, Nguyễn Thị Nga…

Những điều trăn trở

Nhớ lại những ngày đội bóng còn sơ khai, ông Kiểm hào hứng: “Tuổi trẻ của tôi gian truân lắm, nhưng có lẽ vì qua nhiều thử thách nên mới có được như ngày hôm nay. Cũng như bao thanh niên ngày ấy, tôi vào quân ngũ rồi ra chiến trường. Năm 1972, tôi bị thương nên trở về địa phương”. Về quê, ông sống bằng đủ mọi nghề, từ bơm xe đạp đến đi buôn quần áo, bánh kẹo… Và, trong những ngày lăn lộn ấy, vô tình một bài báo đã “găm” vào trí nhớ của ông. Bài báo ấy ám ảnh ông, bởi đó là một thông tin rất lạ về đội bóng đá nữ của Na Uy đã đoạt chức vô địch. Ông thầm nghĩ: Sao Việt Nam lại không có bóng đá nữ?...

Rồi ý tưởng về đội bóng đá nữ đã thành hiện thực. Năm 1993, một số di tích của xã Nghiêm Xuyên được cấp thẩm quyền công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Để tạo phong trào cho địa phương, cán bộ văn hóa xã ngày ấy nói chuyện với ông Kiểm (lúc đó là Phó ban Thể thao xã Nghiêm Xuyên): “Xem có hoạt động gì mới, hay, lạ cho bà con tham gia?”. Suy đi tính lại, ông vẫn không nghĩ ra được "kế" gì mới và bài báo về đội tuyển bóng đá nữ Na Uy đã châm “ngòi nổ” trong ông. Tuy nhiên, ý tưởng này của ông bị đả phá kịch liệt bởi tư tưởng: “Phụ nữ phải hiền thục, đoan trang, nhã nhặn… Ai lại mặc quần đùi chạy trước mắt thiên hạ?” hay “chẳng ở đâu có con gái đá bóng cả”… Nhưng rồi cuối cùng, cái “sự lạ” ấy cũng vẫn được chấp nhận “xem thế nào”. Được sự đồng ý của các bậc cao niên trong làng, ông Kiểm lên kế hoạch tuyển cầu thủ. Chọn đi, chọn lại, ông tuyển được 60 cháu gái đủ các độ tuổi chia thành hai đội mang tên Tuổi Trẻ và Thanh Xuân. Có cầu thủ, ông nghĩ tiếp đến chuyện may quần áo, may cờ cho đội tuyển. Nhưng không có tiền, thóc gạo còn chẳng có lấy đâu ra kinh phí may quần áo? Ông lại mày mò, tự thiết kế áo, tự “in” thủ công bằng sơn, rồi tự luyện tập cho cầu thủ. Sau 15 ngày, hai đội tuyển đã có ngay buổi giao hữu. Trận ấy, cả làng như vỡ tung khi sân vận động có đến 4 nghìn người ở khắp nơi đến cổ vũ. Sau trận hòa 1-1 đó, trong xóm, ngoài làng đều hả hê với trận đấu có một không hai này.

Sau trận bóng đá nữ “lịch sử” của Nghiêm Xuyên, Sở Thể dục - Thể thao Hà Tây (cũ) về tận địa phương, nhận toàn bộ cầu thủ của hai đội tuyển Thanh Xuân và Tuổi Trẻ lên làm nòng cốt cho đội bóng đá nữ của tỉnh. Từ ngày đó, Sở Thể dục - Thể thao Hà Tây thường xuyên “đặt hàng” ông đào tạo các cầu thủ nữ cho đội tuyển. Đến nay, ông vẫn nhận lời dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ của một số trường học ở huyện Thường Tín và Phú Xuyên. Ngoài ra, ông còn đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện viên cho đội tuyển bóng đá nữ Thường Tín, đồng thời phát hiện, "cung cấp" cầu thủ cho đội tuyển bóng đá nữ Hà Nội và đội tuyển quốc gia.

Chia tay ông vào buổi chiều muộn, ông man mác buồn: “Tôi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, không biết còn gắn bó với sân bãi được bao lâu. Giá như các trường học quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục thể chất thì không chỉ bóng đá, mà còn nhiều bộ môn khác cũng sẽ phát hiện được nhân tài, từ đó có điều kiện “ươm mầm”, nuôi dưỡng hiệu quả những nhân tố tốt”. Có lẽ, đây không chỉ là điều trăn trở của riêng ông…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người xây nền bóng đá nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.