Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thầm lặng chiến sĩ công binh

Hiền Phương| 26/04/2017 06:21

(HNM) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng đâu đó ở mỗi tấc đất, lòng sông, ao, hồ trên địa bàn Thủ đô vẫn còn sót lại bom, mìn, vật liệu nổ đe dọa cuộc sống của người dân. Vì vậy, những chiến sĩ công binh thuộc Tiểu đoàn Công binh 544 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) vẫn ngày ngày âm thầm


Đối mặt với tử thần

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ nổ tại cơ sở thu mua sắt vụn ở Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) vào cuối tháng 3-2016 khiến 5 người chết, 10 người bị thương và hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Hay vào ngày 8-10-2012 tại thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) đã xảy ra vụ nổ bom bi làm một công nhân chết tại chỗ, hai công nhân bị thương… Những vụ việc trên cho thấy nỗi lo về bom, mìn sót lại sau chiến tranh vẫn luôn thường trực.

Bộ đội công binh di dời bom tới nơi an toàn.



Là lực lượng chủ công trong rà phá, xử lý bom, mìn, vật nổ trên địa bàn Thủ đô, thời gian qua, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh 544, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã không ngừng rèn luyện nâng cao kỹ năng nhằm sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, hạn chế mức thấp nhất tai nạn do bom, mìn gây ra... Bất kể ngày, đêm hay mưa, nắng, hễ nhận được tin phát hiện có bom, mìn là chiến sĩ và chỉ huy đơn vị cùng cán bộ Phòng Công binh của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lập tức lên đường, bởi chậm trễ sẽ dễ xảy ra tai nạn mà như Thượng tá Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng phòng Công binh, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã khẳng định: “Tai nạn do bom, mìn luôn để lại hậu quả nặng nề”.

Sau hàng chục năm bị vùi lấp trong lòng đất, các loại bom mìn, vật nổ thường bị biến dạng, rất khó phân biệt vị trí ngòi nổ, kíp nổ, do vậy sự nguy hiểm của chúng càng cao. Do vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải hết sức cẩn trọng trong từng công đoạn. Hơn 30 năm gắn bó với nhiệm vụ rà phá bom mìn, Thượng tá Lê Quốc Vượt, trợ lý phòng Công binh, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết: Bên cạnh trang bị dò tìm, xử lý hiện đại, bộ đội công binh phải bảo đảm sức khỏe, rèn tính kiên trì, tinh thần vững vàng và khả năng chịu áp lực cao. Để đưa được một quả bom hay vật nổ bất kỳ đến nơi an toàn không phải cứ dùng cuốc, xẻng đào bới là được mà còn phải đề phòng những vật thể bên cạnh bởi chúng rất có thể là những cái bẫy gây phát nổ nếu vô tình chạm vào. Có những quả đạn khi được bắn ra khỏi nòng phải bay đủ độ xa, xoay đủ số vòng mới phát nổ. Nếu không được trang bị kiến thức, người nào nhặt lên, sơ ý cầm quay thì sẽ xảy ra hậu quả đáng tiếc...

Thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý bom mìn, vật liệu nổ, trong giai đoạn 2010-2016, Tiểu đoàn Công binh 544 đã thu hồi và xử lý hơn 3.000 loại bom mìn, vật liệu nổ ngoài luồng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân; tiêu hủy hàng trăm kilôgam thuốc nổ và tang vật vụ án do tòa án, công an bàn giao. Riêng trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, đơn vị đã thu hồi và xử lý an toàn 3 quả bom phá, 1 quả đạn pháo, 8 quả lựu đạn. Đặc biệt, năm 2012, bộ đội công binh Thủ đô đã hoàn thành dự án “Điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc” tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội.

Những bước chân không mỏi

Trên bãi tập của Tiểu đoàn Công binh 544 vào buổi chiều đầu hè, mặc nắng, mặc gió và cả những giọt mồ hôi rơi liên tục, những chiến sĩ công binh vẫn miệt mài, cẩn thận “soi” từng centimét đất để dò tìm bom, mìn, vật nổ. Đại úy Nguyễn Hữu Cường, Đại đội trưởng Đại đội 2 Công binh vật cản, Tiểu đoàn Công binh 544 cho biết: “Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể để sót bom, mìn, vì vậy, phương châm huấn luyện của chúng tôi là luôn phải cẩn thận, tỉ mỉ, bảo đảm an toàn cao”. Binh nhất Nguyễn Văn Thịnh, Tiểu đội 4, Trung đội 5, Đại đội 2 cho biết: “Ngày đầu huấn luyện các nội dung chuyên ngành, tôi gặp không ít khó khăn, nhất là cách sử dụng trang bị kỹ thuật trong bố trí và khắc phục vật cản. Được cán bộ đơn vị hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác, tôi dần làm quen và nắm được nội dung. Ngày nghỉ, giờ nghỉ, tôi và đồng đội đều tranh thủ ôn luyện thêm để thực hành cho thuần thục”.

Rà phá bom, mìn, vật liệu nổ là công việc nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người. Vì vậy, trong chương trình huấn luyện, chỉ huy Tiểu đoàn Công binh 544 thường chú trọng huấn luyện chuyên sâu, bám sát thực tế để giúp mỗi chiến sĩ hiểu và nắm chắc nguyên lý, tính năng, cấu tạo của từng loại bom, mìn. Trung tá Lê Xuân Hạnh, Chính trị viên Tiểu đoàn Công binh 544 chia sẻ: Yêu cầu đơn vị đặt ra là mỗi cán bộ chiến sĩ tham gia rà phá bom, mìn phải thành thạo về kỹ thuật và các thiết bị dò mìn, nắm chắc tính năng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các loại bom, mìn. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên quan tâm, chia sẻ, động viên, xây dựng bản lĩnh chính trị, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao cho cán bộ, chiến sĩ.

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến việc tìm kiếm dấu vết bom, mìn ngày càng khó khăn hơn và nếu có sự cố xảy ra thì mức độ ảnh hưởng cũng lớn hơn. Do vậy, mỗi lần nhận được nhiệm vụ thu gom bom mìn, vật nổ trong dân hay khi thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật liệu nổ, các chiến sĩ công binh đều được quán triệt và xây dựng kế hoạch rất cụ thể, chi tiết. “Bom đạn sót lại sau chiến tranh rất phức tạp, có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Thế nhưng, vì sự bình yên của nhân dân chúng tôi quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao” - Đại úy Đỗ Văn Điền, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh 544 khẳng định. Với quyết tâm cao của toàn đơn vị, những năm qua, Tiểu đoàn Công binh 544 chưa lần nào để xảy ra sơ suất trong thực hiện nhiệm vụ. Không những thế, đơn vị còn được cấp giấy phép hành nghề dò, tìm, xử lý bom mìn, vật nổ trong các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để Tiểu đoàn kết hợp giữa huấn luyện lý thuyết với thực hành tại thực địa và có điều kiện bổ sung thêm trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Giai đoạn 2010-2016, đơn vị đã dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ tại hơn 50 dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận bảo đảm tuyệt đối, an toàn, được đánh giá cao.

Trên những công trình phòng thủ của Thủ đô, trong những cuộc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hay tại những công trường dò tìm vật nổ… đều in dấu chân chiến sĩ công binh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các anh vẫn luôn khắc ghi lời Bác dạy “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” để làm “nhịp cầu nối những bờ vui”. Sự dũng cảm, không quản hy sinh của các chiến sĩ công binh Thủ đô thật đáng trân trọng biết bao!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầm lặng chiến sĩ công binh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.