Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người chắp cánh ước mơ cho trẻ thiệt thòi

Lâm Vũ| 21/05/2017 06:42

(HNM) - Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới vừa tôn vinh 121 nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2016. Việt Nam vinh dự có đại diện duy nhất góp mặt, đó là chị Phạm Thị Ngân, Giám đốc doanh nghiệp Tòhe.


Chị Phạm Thị Ngân, Giám đốc doanh nghiệp Tòhe.


Câu chuyện về Tòhe

Tốt nghiệp Khoa tiếng Trung, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, chị Phạm Thị Ngân từng là người sáng lập và làm Giám đốc Công ty Truyền thông Nguyencomm trong 10 năm (2002-2012). Công ty chuyên thực hiện các dự án của những tổ chức lớn, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB). Chị Ngân chia sẻ, việc ra đời Công ty Tòhe xuất phát từ những chuyến đi tình nguyện và dạy vẽ cho trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội của chị và những người bạn. Qua những giờ phút cùng vui chơi và làm bạn với các em nhỏ chị nhận thấy rằng, trong mỗi em đều ẩn giấu một tài năng đang chờ được khám phá, những khuyết tật hay khó khăn thường ngày không thể ảnh hưởng đến sự hồn nhiên, trí tưởng tượng tuyệt vời và tình yêu cuộc sống của các em. "Điều tôi băn khoăn là, các hoạt động dạy vẽ cho trẻ em vùng sâu, vùng xa mà chúng tôi tham gia, thường sử dụng nguồn vốn từ các dự án của các tổ chức phi Chính phủ. Khi hết tiền, dự án sẽ dừng lại và như vậy các em chỉ có một số buổi vui chơi nên ít có cơ hội được thể hiện sự sáng tạo của mình" - chị Ngân cho biết.

Và rồi, năm 2006, khi vợ chồng chị Ngân có dịp sang thăm Bảo tàng Nghệ thuật ở Barcelona (Tây Ban Nha), chị đọc được câu nói của họa sĩ lừng danh thế giới Pablo Picasso: "Tôi mất 4 năm để vẽ như Raphael, nhưng dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ". Đặc biệt hơn, khi chứng kiến các em say sưa vẽ với trí tưởng tượng phong phú, dù bị khuyết tật hay mồ côi, dù không thể nói, không thể nghe hay thiếu chân, tay, chị bỗng chạnh lòng và đặt câu hỏi: Phải chăng chính mình là "người thiệt thòi" so với các em? Bởi dù có cuộc sống đầy đủ nhưng nét mặt luôn buồn lo, toan tính. Làm gì để giữ cái đẹp của các em và giúp đỡ trẻ thiệt thòi, câu trả lời của chị là sự ra đời của Công ty Tòhe...

Là một dự án xã hội do chị Ngân và chồng, họa sĩ Nguyễn Đình Nguyên đồng sáng lập vào năm 2007, nhưng đến năm 2009, dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Công ty Tòhe mới chính thức đi vào hoạt động. Công ty sử dụng tranh vẽ của trẻ em để in lên những sản phẩm thời trang và đồ trang trí gia đình như quần áo, khăn mũ, túi ví, sổ tay, đồ dùng cho nhà bếp... Để có được những bức vẽ "100% hồn nhiên", Tòhe đã kết hợp với các tổ chức tình nguyện khác tổ chức những lớp học hướng dẫn vẽ tranh, xé giấy, nặn... cho trẻ em tại nhiều trung tâm bảo trợ trẻ khuyết tật, mồ côi ở Hà Nội như: Trung tâm Phúc Tuệ, Trung tâm Sao Mai, Trung tâm Thụy An... Sau mỗi buổi học, tranh vẽ của các em được các nhà thiết kế thời trang và đồ họa chọn lọc, sử dụng in lên các sản phẩm. Một nửa kinh phí thu được từ các hoạt động của công ty sẽ được trích vào Quỹ Tòhe để hỗ trợ trực tiếp cho các em có nhiều tranh vẽ được sử dụng, góp một phần kinh phí để trung tâm khuyết tật trang trải thêm cho cuộc sống của các em hoặc tài trợ các chương trình có mục đích bảo vệ, chăm sóc và giúp đỡ trẻ em thiệt thòi trên cả nước.

Con đường không trải hoa hồng

Cũng như nhiều doanh nghiệp xã hội khác ở Việt Nam, việc kinh doanh có lãi là một thử thách khắc nghiệt. Gần như không ai trong gia đình hay bạn bè hiểu và ủng hộ những quyết định có thể coi là "bất bình thường" của vợ chồng chị. "Nhiều người, kể cả người thân và bạn bè đều bảo vợ chồng tôi "bị điên" khi bán hết nhà, xe, đóng cửa một công ty đang làm ăn có lãi để đầu tư vào một dự án thua lỗ triền miên. Năm 2011, Công ty Tòhe lỗ nặng; năm 2012, lỗ hơn 1,5 tỷ đồng; năm 2013, giảm còn khoảng 500 triệu đồng; đến năm 2014 thì hòa vốn và từ năm 2015 mới bắt đầu có lãi" - chị Ngân nhớ lại. Tất cả sáng lập viên đồng thời là ban giám đốc của Tòhe làm việc không lương suốt gần chục năm và mỗi năm các thành viên đều bán đi nhiều tài sản cá nhân để đầu tư thêm vào công ty, nhằm duy trì hoạt động. Có những lúc họ phải đối mặt với nguy cơ phải tạm dừng các lớp học do không có kinh phí...

Với quyết tâm phải làm bằng được cái gì đó cho trẻ em thiệt thòi, dần dần, mọi khó khăn cũng qua. Cho đến hiện tại, Tòhe đã mở lớp học tại hơn 20 trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trường học dành cho trẻ em khuyết tật từ Bắc vào Nam, tạo cơ hội tham gia sân chơi định kỳ hằng tuần cho hơn 1.000 trẻ em thiệt thòi. Khoảng 1.000 bức tranh đã được khai thác sử dụng và khoảng 50.000 sản phẩm có in tranh của các em được bán ra thị trường. Ngoài thị trường trong nước với 5 cửa hàng tại Hội An và Hà Nội, sản phẩm của Tòhe cũng đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Châu Âu từ 2 năm nay, được khách hàng tại Đức, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) đón nhận. "Tòhe mua sắm thêm cơ sở vật chất ở nơi các em học tập và sinh sống, giúp các em phần nào cải thiện bữa ăn và điều kiện sống tốt hơn. Đặc biệt, từ năm 2015, chúng tôi đã trao học bổng cho các nghệ sĩ nhí tài năng có tranh vẽ được sử dụng, bước đầu mang lại thu nhập từ 500.000 đồng đến 11 triệu đồng/năm/em" - chị Ngân cho biết.

"Chúng tôi đang xây dựng một mô hình kinh doanh tạm gọi là "happy business", bởi ngay từ đầu việc kinh doanh của chúng tôi đã không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Trong thời gian tới, Tòhe mong muốn duy trì mô hình kinh doanh này, nhằm mang lại giá trị cho tất cả mọi người tham gia, một phần cho những thành viên làm việc tại công ty, một phần dành cho các em nhỏ thiệt thòi. Tôi sẽ theo đuổi nó đến cùng, bởi vì sau nhiều năm nỗ lực, mày mò để tạo ra hướng đi cho riêng mình, đến nay tôi thấy rõ đường đi. Tôi sẽ cố gắng hết mình để góp phần giúp đỡ cho trẻ em thiếu may mắn, vì hạnh phúc của các em và cũng vì niềm vui của chính tôi" - chị Ngân bộc bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người chắp cánh ước mơ cho trẻ thiệt thòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.