Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những đường kim nối dài truyền thống làm đẹp

Quang Thái| 02/06/2017 06:14

(HNM) - Nhắc đến áo dài truyền thống, hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay làng nghề Trạch Xá, xã Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội. Đây là mảnh đất sản sinh ra nhiều thợ may vô cùng khéo léo, tạo nên những chiếc áo dài vừa kín đáo, vừa tôn vóc dáng thanh thoát của phụ nữ Việt.

Cần mẫn, miệt mài ngày đêm với từng đường kim mũi chỉ, các thế hệ may Trạch Xá không chỉ tạo dựng được “tiếng thơm” như ngày hôm nay, góp phần phát triển nghề quý của quê hương, mà qua đó còn nối dài mãi văn hóa truyền thống làm đẹp.

Anh Đỗ Văn Thường bên chiếc áo dài vừa được may.


Từ thuở ban đầu...


Đến làng nghề truyền thống may áo dài Trạch Xá, chúng tôi được người dân chỉ đường vào nhà ông Nguyễn Văn Nhiên, người có tuổi nghề cao nhất trong làng. Ở tuổi ngoài 80, mái tóc ông đã bạc, đôi mắt đã mờ, đôi tay không còn nhanh nhẹn và chính xác như xưa... Vài năm trở lại đây, ông không còn đủ sức để gắn bó với từng đường kim, mũi chỉ, nhưng nhiệt huyết và niềm yêu nghề thì chẳng hề nhạt phai theo năm tháng… Ông Nhiên kể: “Nghề may áo dài của làng đã có từ bao đời nay. Đặc thù của nghề là phải đi nhiều nên chỉ được truyền lại cho con trai. Ngay từ khi lên 6 tuổi, những đứa trẻ đã bắt đầu được gia đình dạy khâu, đến năm 10 tuổi đã thành thục nghề và vết chai trên ngón tay trỏ đã dày như cái mo nang bởi cầm kim nhiều”. Ngồi chuyện trò một lúc, ông dẫn chúng tôi sang nhà anh Đỗ Văn Thường - người nổi tiếng trong làng với những đường kim, mũi chỉ mê hoặc lòng người.

Đứng trước cửa nhà, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh người đàn ông với tư thế thẳng lưng, ngồi khoanh chân nghiêm chỉnh, mải miết lướt đường kim thoăn thoắt trên chiếc áo dài. Dường như với anh, vạn vật xung quanh đã không còn chuyển động. Chúng tôi chỉ dám khẽ cất tiếng gọi để anh không giật mình. Trong căn nhà ba gian treo hàng chục bộ áo dài được trang trí những họa tiết, hoa văn rất bắt mắt, chúng tôi cảm giác như lạc vào một cuộc triển lãm áo dài. Vừa dẫn chúng tôi đi ngắm từng tác phẩm, anh vừa kể lịch sử của làng may áo dài Trạch Xá và cái duyên bén nghề của anh.

Sinh năm 1967 trong một gia đình nghèo có 9 anh chị em, như bao đứa trẻ cùng trang lứa, tuổi thơ của anh Thường gắn liền với cái thước, chiếc kim và cuộn chỉ. Lên 6 tuổi, anh được cha rèn cho cách sử dụng kim khâu để sau mỗi buổi tan học về còn phụ giúp gia đình. Năm 17 tuổi, khi cầm trên tay kết quả trúng tuyển vào Đại học Ngoại Ngữ, trong lòng vui mừng khôn xiết, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh đành phải gác việc học qua một bên.

Tiếp bước gia đình, một kéo, một thước và cuộn chỉ, anh cùng cha bôn ba khắp các vùng miền trong nước, bắt đầu từ Thanh Hóa, Hải Phòng rồi đến Bắc Ninh… để tìm kế sinh nhai. Khi đó là thời bao cấp, chỉ những gia đình khá giả mới có điều kiện may áo dài, nên mỗi lần nhận được hàng, trong lòng hai cha con vừa mừng, vừa lo - mừng vì có việc làm, lo vì chẳng may sơ suất thì không biết lấy đâu tiền mà bù.

Suốt 8 năm ròng rã luyện nghề, thấy không thể mãi “nay đây, mai đó” như vậy, năm 1992, anh Thường quyết định ra Hà Nội lập nghiệp. Đặt chân lên đất Thủ đô với số tiền ít ỏi trong tay chỉ đủ thuê nhà, nhưng với tay nghề sẵn có, anh được nhận vào làm tại một cửa hàng bán áo dài trên phố Cầu Gỗ. Số tiền công kiếm được không nhiều, một phần anh dành dụm gửi về gia đình, một phần để trang trải cuộc sống. Đến năm 2005, sau hơn 13 năm làm thuê vất vả mà số tiền kiếm được cũng chẳng nhiều nhặn, nhận thấy kinh tế thị trường đang rộng mở, nhiều người ở quê không có việc, tận dụng mối quan hệ sẵn có với các chủ cửa hàng, anh Thường xin nhận hàng mang về quê làm. Số tiền tích cóp được sau ngần ấy năm lang bạt được anh dùng để đầu tư 4 máy may dây chuyền, tạo việc làm cho 20 lao động. Từ đó, nghề may áo dài đã mang lại cho gia đình anh một cuộc sống ổn định và tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sống cho nhiều người dân ở đất “may áo dài” Ứng Hòa.

Gìn giữ và phát triển

Trải qua thăng trầm của thời gian, nghề may áo dài Trạch Xá không tránh khỏi bị ảnh hưởng ít nhiều bởi xu hướng thời trang hiện đại. Sự ra đời của những chiếc áo dài cách tân đang dần chiếm lĩnh thị trường và làm “lu mờ” hình ảnh chiếc áo dài truyền thống. Những chiếc áo dài cách tân có thể sản xuất hàng loạt với nhiều kiểu cách, màu sắc đa dạng nên người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn so với áo dài truyền thống. Theo anh Thường, áo dài cách tân mỗi năm lại đổi mới theo thị hiếu của người dùng nên không giữ được vẹn nguyên giá trị văn hóa. Còn áo dài truyền thống chỉ có một kiểu duy nhất, tuy phần nào đó đang ít được ưa chuộng, nhưng giá trị văn hóa lại tồn tại mãi với thời gian. Chính điều này là nguồn mạch để người dân làng Trạch Xá bám trụ với cái nghề được ví như “Bắc nước chờ gạo người”.

Hiện nay, làng Trạch Xá có hơn 90% hộ dân sinh sống bằng nghề may áo dài. Thế nhưng, nghề chỉ nhiều việc vào những tháng đầu và cuối năm nên thu nhập của người dân cũng bấp bênh. Những tháng không có việc, dân làng thường đùa nhau: Sẽ bỏ cái nghề “Ăn cám trả vàng”... Nói vậy nhưng chẳng ai bỏ được vì đó là nghề quý của cha ông để lại, đã ăn sâu vào máu và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Anh Thường trải lòng: “Giờ lớp trẻ năng động, có nhiều cơ hội làm kinh tế hiệu quả hơn nên ít quan tâm đến nghề truyền thống. Điều tôi trăn trở nhất là nghề quý của cha ông sau này sợ không còn chỗ đứng, bởi với nghề này, người học cần tố chất tài hoa, đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì…”. Vì thế, anh Thường đang cố gắng giữ nghề bằng cách truyền lại cho các con và khuyến khích lớp trẻ trong làng theo học nghề.

Đỗ Minh Phát, một trong những cậu học trò của anh Thường chia sẻ: “Thầy dạy chúng em bằng sự tâm huyết, niềm đam mê với nghề truyền thống của cha ông. Mỗi người thợ may áo dài mang một sứ mệnh làm đẹp cho đời cũng như phát huy, lưu giữ giá trị tinh thần, nét đẹp văn hóa của người Việt”.

Những người thợ may làng Trạch Xá đã dùng tình yêu, sự nhiệt huyết thổi hồn vào mỗi chiếc áo để hễ nhắc tới áo dài, người đời sẽ nhớ ngay tới ngôi làng Trạch Xá. Dù áo dài Trạch Xá được người đời ví “may như dán hồ”, đường chỉ nổi “đều như trứng rận” và “10 mũi kim như 9”… nhưng không vì thế mà người thợ của làng thỏa mãn. Họ vẫn cần mẫn rèn luyện, nâng cao tay nghề để đem lại cho đời những chiếc áo dài có đường nét tinh xảo và hoàn hảo.

Câu nói “Chúng tôi chỉ bỏ nghề khi không cầm nổi kim” của ông Nhiên, niềm đam mê của anh Thường và sự nối tiếp của lớp trẻ làng Trạch Xá - những người vẫn còn trọn sự đắm đuối với từng đường kim, mũi chỉ - là cơ sở để chúng tôi tin nghề may áo dài nơi đây sẽ phát triển, trường tồn. Họ, các thế hệ may Trạch Xá - đã không chỉ tạo dựng được “tiếng thơm” như ngày hôm nay mà sẽ còn nối dài mãi văn hóa truyền thống làm đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những đường kim nối dài truyền thống làm đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.