Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mái nhà sáng tạo

Yên Nga| 18/06/2017 07:14

(HNM) - Gần 40 năm qua, nhà sáng tác là địa chỉ thân thuộc đối với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, là

Các tác giả tham gia trại sáng tác Đại Lải trao đổi nghiệp vụ.


“Bà đỡ” cho tác phẩm

Đầu tháng 6-2017, trong những ngày hè gay gắt nhất nhưng bước vào khuôn viên xanh tươi cây lá của Nhà sáng tác Đại Lải (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), ai cũng thấy nhẹ nhõm, thư thái. Nhà sáng tác nằm trên triền đồi rộng chừng 3 héc ta, mặt trước hướng ra hồ Đại Lải, như một khu nghỉ dưỡng. Ở đây có hơn 30 phòng ở được bố trí hài hòa với cảnh quan, không quá tách biệt với khu sinh hoạt chung gồm hội trường, nhà ăn…

Đại Lải là nhà sáng tác được thành lập sớm nhất so với 5 nhà sáng tác khác thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học, nghệ thuật, gồm Tam Đảo, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Đà Nẵng. Sắp tới, nhà sáng tác Cần Thơ đi vào hoạt động, tạo nên hệ thống nhà sáng tác phủ khắp ba miền. Nhà viết kịch Chu Thơm nhận xét: “Nhà sáng tác nào cũng đẹp, được xây dựng ở nơi vắng vẻ, do vậy giới văn nghệ sĩ rất thích, bởi như thế thì mới tập trung sáng tạo nghệ thuật được”.

NSƯT Trần Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật cho biết: Ngoài công việc sáng tác, văn nghệ sĩ cũng phải lo "cơm, áo, gạo, tiền". Nhà văn bươn bả làm báo, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, có người làm công tác quản lý, kinh doanh... Bởi vậy, việc sáng tác nhiều khi không thể liền mạch. Bộ VH-TT&DL thành lập Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học, nghệ thuật và xây dựng mô hình nhà sáng tác để giúp văn nghệ sĩ thoát khỏi cảnh bộn bề thường nhật, chuyên tâm sáng tạo. Mỗi trại sáng tác được mở với sự tham gia của 15 văn nghệ sĩ, giúp họ có khoảng nửa tháng “nằm lỳ” tại đây để “nhào nặn” tác phẩm. Trại sáng tác văn xuôi, trường ca, tiểu thuyết thì phải bố trí quãng thời gian tập trung lên đến hai, ba tháng, nhưng cũng có trại sáng tác chỉ diễn ra trong vài ngày, như đối với âm nhạc, nhiếp ảnh…

Nhà sáng tác Đại Lải có cả thảy 15 cán bộ, nhân viên thuộc các bộ phận hành chính, buồng, bếp, bảo vệ. Họ chịu trách nhiệm đón tiếp, chăm lo về vật chất và tinh thần cho văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác. Việc khá nặng, bởi riêng chuyện ăn uống một ngày ba bữa cũng đã là "thử thách". Có người ăn mặn, có người ăn nhạt. Người yêu cầu được ăn sớm, người luôn ở trong “mạch” văn nên không ăn đúng giờ…

Rồi là chuyện ở, tuy Ban Quản lý sắp xếp mỗi phòng hai người để tiện “ngó nhau" khi nhỡ ai đó ốm đau nhưng có tác giả nhất định "phải ở riêng thì mới sáng tác được". Nhiều nghệ sĩ lớn tuổi, mang theo cả túi thuốc đủ loại, cần được nhắc dùng đúng giờ… “Phương châm của chúng tôi là trong hoàn cảnh nào cũng phải phục vụ chu đáo, tận tình, cố gắng chiều theo sở thích, thói quen của văn nghệ sĩ”, Giám đốc Nhà sáng tác Đại Lải Phan Thanh Bình cho biết.

Đối với nhân viên ở các nhà sáng tác, buồn nhất là lúc trại sáng tác kết thúc. Khi đó, họ thường lên thư viện - nơi có những giá sách chất đầy tác phẩm của tác giả gửi tặng, hàng tập lưu bút của văn nghệ sĩ trước khi rời trại. Ở đó, họ tìm thấy niềm vui khi đọc những dòng chữ như “Những người phục vụ rất thân thiện, vui vẻ”, “Cảnh quan đẹp, yên tĩnh, điều kiện sáng tác tốt”, “Đầu bếp của nhà sáng tác rất tuyệt!”… hay thấy hình ảnh mình ở đâu đó trong những cuốn sách, bức tranh, ảnh.

“Không quá khi nói rằng các nhà sáng tác chính là bà đỡ cho tác phẩm của chúng tôi”, nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhận xét.

Bệ phóng sáng tạo

Mỗi năm, tại Việt Nam có từ 60 đến 80 trại sáng tác được tổ chức, dành cho văn nghệ sĩ thuộc đủ loại hình nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh, múa, văn học dân gian, kiến trúc… Chỉ tính trong năm 2015 và 2016, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học, nghệ thuật đã tổ chức 130 trại sáng tác, đón hơn 2.000 lượt văn nghệ sĩ. Từ những trại sáng tác này đã có gần 6.000 tác phẩm ra đời, bổ sung cho kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhiều tác phẩm đã được trao giải thưởng văn học nghệ thuật, như “Những mặt người thấp thoáng” (Xuân Đức), “Giai nhân và anh hùng”, “Tiếng thơ trong thành phố” (Chu Thơm)…

Nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Lân, Hoàng Long, Ngô Quốc Tính, Đặng Hữu Phúc, Vũ Thiết… ra đời ở trại sáng tác, thường xuyên được biểu diễn trong các chương trình trên phạm vi cả nước.

Ý nghĩa là vậy, thiết thực là thế nhưng trong thời gian qua, ở đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng trại sáng tác chỉ dành cho những văn nghệ sĩ già đến để nghỉ dưỡng, tán gẫu… Tuy nhiên, chính những nghệ sĩ, tác giả tham gia trại sáng tác đã có ý kiến phản biện, khẳng định sự cần thiết của mô hình hỗ trợ sáng tác và ý thức trách nhiệm của đa số văn nghệ sĩ. “Để tham gia trại sáng tác, mỗi văn nghệ sĩ phải trình đề cương sáng tác cho các hội nghề nghiệp thẩm định, xét duyệt. Bước vào nhà sáng tác là xác định phải lao động khổ sai đấy!” - nhà viết kịch Lê Quý Hiền nói.

Những ngày ở trại sáng tác, văn nghệ sĩ không chỉ ngồi yên viết, vẽ mà còn tham gia những cuộc trao đổi nghiệp vụ giữa các thành viên. Ở nhà sáng tác Đại Lải, mọi người đều nhớ câu chuyện về một tác giả kỳ cựu - người đã tự ái bỏ về giữa chừng vì kịch bản sân khấu 70 trang của mình bị các thành viên trẻ hơn “chê xối xả". Thế rồi, vài ngày sau, ông quay trở lại, tiếp thu ý kiến của đồng nghiệp và rút gọn tác phẩm còn 40 trang. Sau này, chính kịch bản ấy được dựng, đem lại nhiều giải thưởng cho ông. “Chúng tôi khuyến khích các trại sáng tác chọn cả người lớn tuổi và người trẻ để tạo sự va đập đa chiều giúp cho tác phẩm tốt lên”, NSƯT Trần Mạnh Cường chia sẻ. 

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học, nghệ thuật Huỳnh Văn Ngàn cho biết, ngoài việc từng bước nâng cao chất lượng cơ sở vật chất để phục vụ tốt hơn cho văn nghệ sĩ, trung tâm còn thường xuyên phối hợp với các hội văn học nghệ thuật tổ chức những trại sáng tác chuyên đề vốn đang thiếu tác phẩm như văn nghệ dân gian, thiếu nhi…

Báo cáo tổng kết hiệu quả sáng tác tại các nhà sáng tác trong 5 năm qua của Bộ VH-TT&DL cho thấy, mỗi trại sáng tác có từ 3 đến 5 tác phẩm được in ấn, dàn dựng, biểu diễn, trưng bày; hơn 1/3 trong tổng số tác phẩm đó đã gây tiếng vang trong đời sống văn học, nghệ thuật. Bộ VH-TT&DL, các hội văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương, giới văn nghệ sĩ và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đang chuẩn bị tổ chức chương trình công bố các tác phẩm và công trình văn học, nghệ thuật ra đời từ các trại sáng tác trong 5 năm qua - diễn ra vào tháng 12 tới. “Đó sẽ là ngày hội của người sáng tác và cả những người đứng sau thành công của họ” - ông Huỳnh Văn Ngàn khẳng định.

Với ý tưởng nói trên, đóng góp thầm lặng của những cán bộ, nhân viên các nhà sáng tác sắp được tôn vinh xứng đáng. Nhưng, điều ý nghĩa hơn cả đối với họ là sau sự kiện đó sẽ có thêm nhiều văn nghệ sĩ đến trại sáng tác, mang lại cho đời những tác phẩm hay, đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mái nhà sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.