Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Giữ yên giấc ngủ các liệt sĩ

Vũ Dung - Thanh Thủy| 16/07/2017 06:27

LTS: Làm quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ là một nghề đặc biệt bởi tính đặc thù cũng như có nhiều thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh tham gia. Nhiều người trong số họ, dù cuộc sống còn khó khăn, song không vì thế mà nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề giảm sút...


Bài đầu: Giữ yên giấc ngủ các liệt sĩ

Tìm gặp những người coi sóc nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ không khó bởi dường như lúc nào họ cũng có mặt nơi đây với cùng một dáng vẻ tận tâm, chu đáo. Ẩn sâu trong bóng dáng trầm mặc ấy là biết bao chuyện đời, chuyện nghề của những người đã nhận về mình trọng trách giữ yên giấc ngủ cho các liệt sĩ quê nhà.


Ông Nguyễn Khánh Toàn, quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Phú Xuyên.


Vì nhớ thương đồng đội

Chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn, quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Phú Xuyên (Tiểu khu Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên) vào một buổi chiều muộn khi ông đang lúi húi dọn dẹp quanh những ngôi mộ vừa được chỉnh trang, tôn tạo. Ông Toàn cho biết: “Thợ làm đến đâu, mình lau chùi luôn đến đó, vừa đẹp đẽ, phong quang, vừa đỡ bị xi, vữa khô bám, tạo vết trên bia, mộ” - chi tiết nhỏ ấy thôi đã cho thấy sự tận tâm, chu toàn của người đã có hơn 30 năm gắn bó với nơi yên nghỉ của liệt sĩ quê nhà.

Sinh ra trong một gia đình cách mạng có mẹ và em trai là liệt sĩ (đều chưa tìm thấy mộ), tiếp nối truyền thống, năm 32 tuổi, ông Toàn tình nguyện nhập ngũ. Chiến đấu ở chiến trường miền Nam ác liệt, chứng kiến bao tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, nỗi đau thương, mất mát của những gia đình có người thân ngã xuống, ông càng thấm thía cái giá của hòa bình, nghĩa cử cao đẹp của những người đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Xuất ngũ về nhận công tác tại địa phương, một vài năm sau, ông xung phong coi sóc nghĩa trang liệt sĩ thay người tiền nhiệm đã già yếu. Từ đó đến nay, hơn 30 năm, ông xem nghĩa trang liệt sĩ là nhà, ngày coi sóc dọn dẹp, đêm ngủ lại cho nơi đây bớt hiu quạnh.

Một ngày của ông Toàn bắt đầu từ sáng sớm với việc quét dọn khu nghĩa trang rộng hơn 1ha, có 200 phần mộ. Ông Toàn tâm sự: “Mình túc tắc làm, mỗi buổi một ít. Mỏi thì chuyển sang nhổ cỏ, xới gốc, tưới cây... Làm đâu xong đó, hôm sau chuyển nơi khác”. Cứ thế, công việc của ông “cuốn chiếu” cho đến lúc nghĩa trang phong quang, sạch đẹp mới thôi. Thế nhưng cũng có khi “thời gian biểu” của ông bị đảo lộn bởi mưa nắng, bão bùng hoặc chẳng may phần mộ nào đó bị hư hại. Ông Toàn kể: "Mới tháng trước thôi, có trận mưa, gió dữ dội khiến bát hương, lọ hoa của liệt sĩ đổ vỡ. Tôi phải dọn dẹp rồi sắm lại đồ thờ. Cũng có người bảo tôi “vẽ” chuyện. Mộ đã mở lối cỏ để thắp hương cần gì bát hương nhưng tôi nghĩ khác. Các anh nằm xuống chẳng đòi hỏi gì, nay đến chốn giữ chân nhang cũng không nốt thì tôi chẳng đành lòng”.

Cũng với suy nghĩ “chẳng đành lòng”, nhiều năm nay, ông Nguyễn Khánh Toàn duy trì nếp thắp hương toàn bộ các phần mộ, tuần tự vào các ngày đầu tuần, mùng một, ngày rằm và các dịp lễ, Tết. Không đủ tiền trang trải, ông cất công xin hương từ khắp các chùa trong vùng. “Ý nguyện không để liệt sĩ lạnh lẽo của tôi được các nhà chùa đồng cảm. Mỗi khi tiện việc, nhà chùa lại cho người chở hương đến ủng hộ. Nhờ vậy, việc hương khói được duy trì như tôi mong mỏi” - ông Toàn cười hạnh phúc.

"Đến khi đồng đội đón tôi về..."

Ông Toàn nguyện: “Còn sức, tôi còn làm. Làm cho đến khi đồng đội đón tôi về”. Dường như đó không chỉ là tâm niệm của cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn mà còn là của nhiều quản trang chúng tôi gặp. Dù cuộc sống riêng còn nhiều vất vả, thu nhập bấp bênh, không ít người tuổi đã cao, lại mang thương tật, bệnh trọng…, nhưng các quản trang vẫn tâm huyết với công việc nghĩa tình, nhiều năm không ngơi nghỉ. Đó là thương binh Phạm Văn Ba với đôi chân tập tễnh nặng nhọc, ngày, đêm không mấy khi rời Khu tưởng niệm liệt sĩ của huyện Thanh Oai. Thương binh Hoàng Ngọc Bàng (Kim Nỗ, Đông Anh) với mức hỗ trợ tượng trưng chỉ 200 nghìn đồng một tháng, song vẫn vui vẻ, nhiệt huyết với công việc được giao. Hơn 20 năm cần mẫn với nghề quản trang, hiện giờ dù đau ốm, ông Bàng vẫn không nguôi lo lắng cho nơi yên nghỉ của liệt sĩ.

Không chỉ chu toàn công việc tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, nhiều người còn đau đáu với những đồng đội chưa được đoàn tụ cùng gia đình, nên mỗi khi có điều kiện lại bỏ công, bỏ của thực hiện các chuyến đi tìm, đưa đồng đội trở về. Lại có người, dù tuổi cao, vết thương cũ tái phát, vẫn ngày ngày cần mẫn ghi chép thông tin liệt sĩ qua đài, rồi biên thư báo tin cho gia đình liệt sĩ... Bằng cách này hay cách khác, những bộ đội Cụ Hồ năm xưa vẫn nỗ lực thực hiện tâm nguyện làm sao ngày càng có nhiều đồng đội được trở về quê hương, nằm trong vòng tay yêu thương của gia đình, chòm xóm. Điều này giống với những gì quản trang Nghĩa trang liệt sĩ xã Nhị Khê (Thường Tín) Phạm Song Toàn - người đã thực hiện hàng chục chuyến đi, đưa hơn 30 hài cốt liệt sĩ về với quê hương; truyền tải hàng nghìn thông tin liệt sĩ khác cho thân nhân liệt sĩ chia sẻ: “Được trở về quê nhà, sống trong hòa bình là hạnh phúc lớn lao, là niềm may mắn nên chúng tôi nguyện làm điều gì đó để tri ân đồng đội, giúp thân nhân đồng chí của mình vơi bớt nỗi đau”.

Vào thời điểm cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với hàng vạn việc làm, hành động nghĩa tình tri ân, những người làm công tác quản trang cũng không khỏi bồi hồi, càng nhủ lòng phải nỗ lực hơn với phần việc mình đang đảm nhận. Đây cũng là dịp các quản trang có cơ hội đón tiếp nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ, lắng nghe những câu chuyện xúc động về người đã khuất hay gặp lại những người đã cùng vào sinh, ra tử với mình suốt một thời “mưa bom, bão đạn”. Quản trang Phạm Văn Ba bùi ngùi... Tôi chỉ mong có cách nào lưu lại các câu chuyện về những người đã hy sinh để thân nhân, bạn bè hay các thế hệ sau biết được những người yên nghỉ nơi đây đã sống, chiến đấu và dâng hiến đời mình cho lý tưởng cao đẹp như thế nào.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Giữ yên giấc ngủ các liệt sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.