Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháng bảy, những điều còn mãi (Tiếp theo và hết)

Nhóm phóng viên| 24/07/2017 06:20

(HNM) - Hôm tới Thành cổ Quảng Trị trời mưa như trút. Mới sáng sớm mà nhà đón tiếp đã rộn rã tiếng người. Những đoàn khách đầu tiên đã bắt đầu nghi thức dâng hương và tham quan bảo tàng.


Hôm tới Thành cổ Quảng Trị trời mưa như trút. Mới sáng sớm mà nhà đón tiếp đã rộn rã tiếng người. Những đoàn khách đầu tiên đã bắt đầu nghi thức dâng hương và tham quan bảo tàng. Chúng tôi xem phim về chiến trường Quảng Trị mùa hè năm 1972 với điểm nhấn là 81 ngày đêm bộ đội ta bảo vệ Thành cổ. Máu và hoa, lời ca giữa tiếng súng từ quá khứ 45 năm trước vọng về.

Dâng hương tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: Phan Anh


Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị qua bao nhiêu năm mà vẫn vậy, khiêm nhường và cũ kỹ, như thể ở nơi lịch sử kể câu chuyện oai hùng xen lẫn đau thương thì mọi sự hào nhoáng đều không thể tồn tại. Cửa chính dẫn khách đến với bức phù điêu khổ lớn trên có ghi số hiệu những đơn vị đã tham gia bảo vệ Thành cổ. Gian khánh tiết chật cứng bởi đoàn khách hơn năm chục người, đa số là cựu chiến binh vừa từ Hải Lăng (Quảng Trị) trở về sau khi làm lễ khánh thành nhà truyền thống của các cựu chiến binh có mặt tại Quảng Trị trong “mùa hè đỏ lửa” năm xưa. Ông Trần Quang Đức, người Hưng Nguyên - Nghệ An, người từng bị thương hai lần tại chiến trường Quảng Trị, lần đầu tiên vào ngày 28-6-1972, nói với chúng tôi: "Mỗi lần về lại đây là không thể cầm nước mắt. Sư đoàn 320 của chúng tôi chiến đấu ở Quảng Trị, có những lúc phải vượt sông Thạch Hãn. Đồng đội trong đơn vị tôi hy sinh nhiều lắm. Có những anh là con một, ra đi để lại mẹ già”. Người cựu chiến binh rơm rớm nước mắt, vừa nói vừa hướng ánh mắt về phía bức ảnh ghi lại cảnh Thành cổ Quảng Trị tan hoang vì bom đạn Mỹ.

Trong bảo tàng này, ảnh chiến tranh của nhà báo Đoàn Công Tính có sức hút đặc biệt. Trong hàng chục tấm ảnh của ông được phóng to, treo suốt từ tầng 1 lên tầng 2 có những bức được đánh giá rất cao, như tấm ảnh “Nụ cười thách thức bom đạn” ở vị trí trang trọng ngay lối vào gian khánh tiết. Nhìn những bức ảnh đã đi vào lịch sử ảnh báo chí Việt Nam, chúng tôi lại nhớ những lần gặp gỡ người phóng viên chiến trường may mắn có mặt tại Thành cổ trong “mùa hè cháy” năm nào. Ít nhất đã ba lần phóng viên Báo Hànộimới được gặp Đoàn Công Tính. Lần thứ nhất là tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, khi ông giới thiệu tập ảnh nhỏ gồm những bức về chiến trường Quảng Trị mà mình ưng ý nhất. Lần thứ hai cũng tại Hà Nội, vào tháng 7-2002 nhưng là một căn nhà nhỏ bên kia cầu Long Biên, nơi ông ở tạm trong những ngày ra Thủ đô “trình làng” cuốn sách ảnh phóng sự đồ sộ về chiến tranh Việt Nam có tựa đề “Khoảnh khắc”, với tấm ảnh “Chiếm căn cứ Đầu Mầu” được Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) trao Giải thưởng lớn kèm Huy chương vàng vào tháng 11-1972. Lần thứ ba là năm 2011, khi chúng tôi đi cùng ông và nhà văn nữ Mã Thiện Đồng đến nhà Anh hùng Lâm Sơn Náo - người đã cùng đồng đội đánh chìm tàu chiến Mỹ USNS Card trên sông Sài Gòn vào năm 1964 - để tìm hiểu về các cựu chiến binh tàu không số. Cả ba lần gặp, chưa khi nào Đoàn Công Tính ngừng nói về đất lửa Quảng Trị, về những bức ảnh ông đã chụp và cả những câu chuyện tưởng như “ngoài ảnh”. Ông nói về đồng đội, những đồng nghiệp không có cơ hội vượt sông Thạch Hãn để tiếp cận với hiện thực lịch sử “đời người mong có một lần”, về những người còn nằm lại đâu đó hay trong những ngôi mộ vô danh. Với Đoàn Công Tính, Thành cổ Quảng Trị là một câu chuyện lớn về ý chí quật cường, tinh thần lạc quan và tình đoàn kết giữa những người cùng lý tưởng. Đó có lẽ là điều mà ông đã nghĩ khi chụp “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị” - tựa đề mà Đoàn Công Tính đã chọn từ đầu cho chính bức ảnh giờ đang được treo ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị như đã nói ở trên.

Bão số 2 vào Việt Nam thật không tốt chút nào, nhưng sự chậm trễ mà nó gây ra lại mang đến cho đoàn chúng tôi một may mắn trên hành trình về với mười nữ anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc. Một thoáng chậm lại giúp các phóng viên gặp được bà Nguyễn Thị Lân, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 557 thuộc Đội 55 Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Hà Tĩnh, người hiện sống ở phường Bến Thủy - TP Vinh, đang cùng các cựu thanh niên xung phong nữ tỉnh Nghệ An đến đây để thăm viếng đồng đội.

Gặp được bà Nguyễn Thị Lân là một sự may mắn bởi khi đó, trong Đoàn cựu thanh niên xung phong chỉ có duy nhất người đại đội trưởng năm nào là không mặc đồng phục. Một nữ thanh niên xung phong khác, bà Hồ Thị Hồng Xuân trả lời phỏng vấn, rồi chỉ ra phía bà Lân và nói rằng “các anh chị hãy hỏi đại đội trưởng, chị ấy ở khá gần nơi này khi mười cô gái hy sinh”.

Bà Nguyễn Thị Lân vóc dáng nhỏ nhắn, không nghe kể thì khó hình dung đó là một đại đội trưởng hoạt động trên những cung đường trọng điểm thường xuyên bị bom đạn cày xới. Ngày mười cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, đại đội của bà Lân đảm nhận cung đường từ Bắc Đồng Lộc trở ra cầu đôi Thượng Lộc, chỉ cách khoảng 3 cây số nên gần như biết ngay khi vụ trúng bom xảy ra. “Ở đoạn đường này, từ tháng 4 đến tháng 7 địch đánh phá ác liệt nhất. Khi đó Đội 55 điều đơn vị của mười cô gái về tiếp quản đoạn từ Bắc Đồng Lộc về đây (nơi họ đã hy sinh - phóng viên). Trưa ngày 24-7-1968, khi nghe tin bom rơi trúng hầm đồng đội, tôi có huy động đại đội đi tìm xác cùng anh chị em các đơn vị khác. Lúc đó chỉ tìm được xác của 9 người, còn chị Hồ Thị Cúc bị bom hất ra xa nên sau này mới tìm được”.

Những người chúng tôi gặp đều đã có mặt tại Hà Tĩnh trong những ngày cuối tháng 7-1968, biết rõ về sự hy sinh của mười cô gái. Bởi thế, tháng bảy nào họ cũng cùng nhau tìm về Ngã ba Đồng Lộc để gặp lại đồng đội. Người đã ra đi, người còn ở lại nhưng như chưa hề chia xa. Như bà Trần Thị Hường, trước đây là Đại đội phó C 2894 thuộc Tổng đội 289 Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An nói trước khi chia tay: “Tôi đi năm 1972, không ác liệt như thời điểm mười cô gái hy sinh. Nghĩ về họ, cả những người nằm lại đây hay Truông Bồn đều rất cảm động. Mỗi lần đến đây như thể về nhà vậy”.

Trong đoàn chúng tôi, nhiều người đã về vùng đất lịch sử này nhiều lần, cũng có người mới đến lần đầu. Nhưng với ai cũng vậy, mỗi lần đến là một lần thêm hiểu sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ vì cuộc sống bình yên hôm nay và nguyện nỗ lực không ngừng để giữ vững giá trị hòa bình.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới đã có được những ngày không thể nào quên như thế!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng bảy, những điều còn mãi (Tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.