Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩa tình với vùng cao

Thanh Hải| 04/08/2017 06:17

(HNM) - Chỉ có 2 ngày cuối tuần để đến với đồng bào vùng cao Hà Giang, nhưng chuyến đi của những

Niềm vui ngày khánh thành điểm trường thôn Làng Má, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang.


Những tấm lòng nhân ái

Kể về quyết định của những ngày đầu đến với Hà Giang, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ: "Nơi đây có rất nhiều anh em, đồng chí, đồng đội của chúng tôi nằm lại tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Lớp chúng tôi ra trường và nhập ngũ, khi trở về chỉ còn lại 13, 14 người. Trong khoảng 2.000 liệt sĩ chưa được quy tập, nằm lại nơi biên giới, có nhiều người là bạn bè của tôi. Đó cũng là lý do ban đầu tôi đến với Vị Xuyên và rồi gắn bó với Hà Giang, mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc".

Từ Hà Nội để đến với Hà Giang trải qua quãng đường khá dài, với hơn 300km, nhiều đoạn đồi núi quanh co, khúc khuỷu. Do vậy, ngay từ sáng sớm ngày cuối tuần, tận dụng thời gian nghỉ khám, chữa bệnh, Đoàn công tác của Bệnh viện Tim Hà Nội đã khởi hành đến với bà con vùng cao. Trên xe, chỉ về hướng chị Phan Thúy và Nguyễn Thu Trang, cán bộ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Tim Hà Nội, bạn Nguyễn Văn Minh công tác cùng đơn vị chia sẻ: "Hai chị ấy vừa kết thúc chuyến công tác khám chữa bệnh cho bà con dân tộc vùng giáp biên với nước bạn Lào tại Quảng Bình, về đến Hà Nội lúc 12h đêm qua, nay lại bắt nhịp với chương trình này luôn". Rồi Minh kể, với Hà Giang, Bệnh viện Tim Hà Nội là đơn vị nghĩa tình với sự hợp tác bền chặt. Bệnh viện Đa khoa Hà Giang đã được Bệnh viện Tim Hà Nội chọn là điểm vệ tinh. "Do vậy, thời gian qua, chúng tôi đã hợp tác trong công tác đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật. Thêm nữa là hỗ trợ người dân thăm, khám bệnh. Bệnh viện luôn sẵn sàng giúp đỡ những ca khó mà Bệnh viện Đa khoa Hà Giang chuyển lên, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào tới chữa và điều trị" - anh Minh cho biết thêm.

"Đến với Làng Má cũng là cái duyên khác. Trong một dịp hợp tác giữa hai đơn vị, phía Bệnh viện Đa khoa Hà Giang có trao đổi về sự khó khăn trong dạy và học tại xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên). Lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội đã giao cho Phòng Công tác xã hội tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế và cuối cùng, chúng tôi đã quyết định xây dựng điểm trường cho thôn Làng Má với sự hỗ trợ, đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân khác. Tất cả chỉ trong vòng 5 tháng là hoàn thành" - Minh chia sẻ.

Làng Má, nằm cách TP Hà Giang khoảng 20km, để đến đây, ngoài đường đèo dốc quanh co còn phải vượt qua 2 con suối. Những ngày qua, mưa lớn ở thượng nguồn, suối chảy xiết, dâng cao đã làm gãy cây cầu bắc qua. Gần xế chiều, đoàn xe chở thiết bị phải chôn chân bên bờ suối. Mọi đồ đạc như ti vi, bàn, ghế, sách vở học tập, đồ chơi... phải tăng bo vượt suối và đi bộ gần 2km để đến với điểm trường. Nhưng, với sự nỗ lực của tất cả thành viên trong đoàn và tập thể giáo viên, bà con dân tộc trong thôn, mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Các đồ dùng, thiết bị đều sẵn sàng cho buổi khánh thành và đón các em tới trường.

Nhân lên những niềm vui

Đó là những ánh mắt, nụ cười của cô và trò điểm trường thôn Làng Má trong ngày khánh thành. Cô Lương Thị Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, không mừng sao được vì ngôi trường mới khang trang như là mơ với bà con dân tộc nơi đây. Trước đây, cũng ngôi trường này, nhưng chỉ là 2 dãy lớp học nhỏ dột nát. Nhà trường không thể tổ chức bữa ăn trưa cho các cháu nên đến trưa hơn 100 cháu tiểu học và mầm non trong thôn lại phải theo gia đình về nhà, chiều lại được đưa đến, rất vất vả. "Nhưng giờ khác rồi" - Đôi mắt ánh lên những niềm vui, cô Hoàn nói - "Hai dãy nhà dột nát được tu sửa, tiếp đó là 2 lớp học mới khang trang, mỗi lớp rộng hơn 70m2, với đầy đủ tiện nghi, đồ dùng dạy học, có cả ti vi, máy vi tính. Sân trường cũng được đầu tư các thiết bị vui chơi bổ ích. Năm học mới này, bà con có thể yên tâm gửi con em mình tới trường ăn học cả ngày".

Ngang câu chuyện, anh Nguyễn Văn Tấn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạo Đức cho biết thêm, cả thôn có gần 140 hộ dân, trông chờ vào làm nông nên đời sống bà con còn nghèo. "Tôi làm việc ở đây đã 20 năm rồi, lãnh đạo xã luôn hướng tới nâng cao chất lượng cho đời sống người dân, đặc biệt là công tác dạy và học. Nhưng hiềm một nỗi, là xã nghèo, 100% là bà con dân tộc Mông và Tày, không có nghề phụ, mưa bão lại gây nhiều thiệt hại nên "lực bất tòng tâm". Giờ một ngôi trường mới khang trang, với đầy đủ tiện nghi quả như là mơ với chúng tôi. Chắc chắn công trình này sẽ đem lại nhiều lợi ích, là nơi học tập, vui chơi sinh hoạt bổ ích cho các em" - anh Tấn phấn khởi.

Đánh giá về sự kiện này, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, đó là tình cảm đặc biệt của những người "chiến sĩ áo trắng" Thủ đô. Sự hợp tác giữa hai bệnh viện đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Bệnh viện Tim Hà Nội đã chọn Hà Giang là điểm vệ tinh, giúp Hà Giang đào tạo công tác cán bộ y tế cho tỉnh, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo tiếp cận kiến thức mới và tạo mọi điều kiện khi người dân Hà Giang có vấn đề về sức khỏe. Đây là tình cảm rất quý, đáng trân trọng. Trong dịp này, Bệnh viện Tim Hà Nội đã trao tặng bộ máy tạo nhịp tim tạm thời và hỗ trợ chuyên ngành tim mạch theo đề án bệnh viện vệ tinh, đó là việc làm rất thiết thực, mang lại nhiều lợi ích trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hy vọng, tình cảm này sẽ được nhân rộng và ngày một đơm hoa, kết trái...

Chia tay Hà Giang khi cái nắng đã quá đỉnh đầu. Bữa cơm vội nhưng đượm tình thân thiết. Nắm chặt tay từng người, cô giáo Lương Thị Hoàn cứ nói mãi: "Người Hà Giang rất mến khách, nhà tôi ở ngay rìa quốc lộ, mọi người tới mảnh đất này nhớ ghé qua nhé. Chúng tôi luôn sẵn lòng đón chào các bạn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa tình với vùng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.