Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọn vẹn niềm đam mê với vật

Minh Quang| 10/09/2017 07:53

(HNM) - Những ngày này, đô vật nữ nổi tiếng Nguyễn Thị Lụa vẫn đang phải chiến đấu với những chấn thương đã đeo đẳng cô trong nhiều năm. Cuộc chiến ấy còn dai dẳng...

Đô vật Nguyễn Thị Lụa.


Những cột mốc để đời

Cô bé Nguyễn Thị Lụa ngày nào đến với môn vật như lẽ tự nhiên. Đất Yên Nội nổi tiếng có nhiều người giỏi môn vật cùng một hội vật nức tiếng xứ Đoài, thu hút anh tài từ nhiều vùng. Ở đó, không chỉ cánh đàn ông mà phụ nữ, người già, lớp trẻ cũng mê vật. Phụ nữ mê vật đến độ cứ tới hội vật của làng là bỏ công, bỏ việc ra xem vật từ sáng đến tối, "bình bán" về đòn thế chẳng kém ai.

Mẹ của Trưởng bộ môn vật Quân đội Nguyễn Quang Long - cựu đô vật nổi tiếng ở Yên Nội - kể rằng, những năm tám mươi của thế kỷ trước, bà thường dắt các con đi xem vật ở các hội làng khác. Đến trưa, khi người ta đánh chén tưng bừng trong quán xá thì mẹ con bà ngồi gốc tre ăn cơm nắm. Ăn xong lại vào xem tiếp, đến tối mịt mới về. Chuyện như gia đình bà ở Yên Nội không hiếm. Lửa đam mê được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác nên trẻ em nơi đây, trong đó có Nguyễn Thị Lụa, đến với môn vật một cách tự nhiên.

Đất Yên Nội cũng nổi tiếng vì từng có cả huấn luyện viên (cựu đô vật nổi tiếng Nguyễn Đình Khinh) và ba đô vật là Phí Hữu Tình, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn Chi góp mặt trong đội tuyển vật Việt Nam tham dự Olympic 1980. Đó là lần tham dự đấu trường Olympic đầu tiên của vật Việt Nam. Trong lần đó, đội vật Việt Nam chỉ giành được một trận thắng, do công của Phí Hữu Tình - đô vật người Yên Nội. Niềm tự hào về môn vật của người Yên Nội dâng cao, tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ sau.

Nguyễn Thị Lụa đến với môn vật từ khi mới 6-7 tuổi. Đến khi ngành Thể thao Hà Tây (cũ) mở lớp vật tại Đồng Quang, Lụa ghi danh và nhanh chóng chứng tỏ được tố chất trời cho. Những buổi học đòn thế cơ bản với huấn luyện viên Nguyễn Đình Khinh, những trận đấu không có trọng tài trên triền đê đã thắp sáng ngọn lửa đam mê của cô gái trẻ. Có tài, lại đam mê, được gia đình tạo điều kiện, nên không bất ngờ khi Nguyễn Thị Lụa được chọn vào đội tuyển vật Hà Tây, rồi sau năm 2008 là đội Hà Nội.

Từ khi thể thao Hà Tây và Hà Nội về "một nhà", tài năng của Nguyễn Thị Lụa được đẩy lên một tầm mới. Cô được đầu tư nhiều hơn, được thọ giáo nhiều huấn luyện viên, chuyên gia giỏi. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vật Hà Nội Đới Đăng Hỷ nói rằng, Nguyễn Thị Lụa là trường hợp hiếm hoi trong làng vật Việt Nam có thể so đọ với nhiều đô vật ở châu lục nhờ sự thông minh, tốc độ ra đòn cực nhanh. Vì vậy, ngành Thể thao Hà Nội không tiếc tiền để đầu tư cho cô gái này.

Tại ASIAD năm 2010, Nguyễn Thị Lụa giành Huy chương bạc hạng 48kg nữ. Hai năm sau, Lụa làm rạng danh đất Yên Nội khi trở thành đô vật Việt Nam đầu tiên giành vé tham dự Olympic thông qua vòng đấu loại. Bốn năm sau, cô lại lập cột mốc khác khi lần thứ hai giành vé tham dự Olympic, điều chưa đô vật Việt Nam nào làm được. Trong khoảng thời gian 2010-2016, cô đã giành 1 Huy chương bạc, 1 Huy chương đồng ở Giải vô địch Vật Châu Á.

Còn ở khu vực Đông Nam Á, Nguyễn Thị Lụa là vô đối. Dù vậy, cô không có duyên với SEA Games khi mới chỉ có một lần giành Huy chương vàng (năm 2013). Năm 2009, cô đã đến Lào tham dự SEA Games 25 với hy vọng giành Huy chương vàng đầu đời. Nhưng năm đó, cô gái tuổi 18 đã khóc nấc vì hạng cân của cô không có đô vật nào đăng ký tham dự do biết rằng sẽ thất bại nếu gặp Nguyễn Thị Lụa. Đến SEA Games 2011, hạng 48kg nữ môn vật không có trong chương trình thi đấu. Phải đến năm 2013, cô mới thỏa ước nguyện khi đăng quang ở SEA Games 27 tại Myanmar. Trong hai kỳ SEA Games gần đây nhất, môn vật cũng bị loại khỏi chương trình thi đấu.

Nỗi đau lặn vào trong

Sự nghiệp của Nguyễn Thị Lụa không chỉ được ghi nhận bằng những tấm huy chương mà còn ở cung cách ứng xử. Ít người biết rằng, Nguyễn Thị Lụa đã chủ động chia tay hạng 48kg sở trường để chuyến lên hạng cân 51kg rồi 53kg nhằm dành đất diễn cho đàn em Vũ Thị Hằng. Chuyển lên hạng cân trên cũng đồng nghĩa phải thay đổi phương pháp tập luyện, chế độ dinh dưỡng…

Nhưng Lụa nhận phần khó về mình, và vẫn thành công. Như chính ông Đới Đăng Hỷ nhận xét, nếu Nguyễn Thị Lụa không chuyển lên hạng 53kg thì vật Việt Nam có thể chỉ giành 1 vé tham dự Olympic 2016 ở hạng 48kg.

Phía sau ánh hào quang của Nguyễn Thị Lụa là nỗi đau chấn thương mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Quãng thời gian dài tập luyện và thi đấu đã mang đi nhiều thứ của cô. Vài năm gần đây, Lụa thường xuyên tập luyện và thi đấu trong tình trạng một bên vai bị lỏng bao khớp nên cánh tay bên đó hầu như chỉ có thể vung lên chứ không thể ra đòn. Vì thế, nhiều khi cô coi như chấp đối thủ một cánh tay. Và chính cái uy cùng sự thông minh, nhanh nhẹn đã giúp Lụa vượt qua đối thủ.

Đầu năm nay, Nguyễn Thị Lụa đã trải qua ca mổ dây chằng đầu gối và rồi lại bị căn bệnh thoái hóa sụn gối hành hạ. Nhưng cô nén đau thay vì kêu ca hay nằng nặc đòi chữa trị chấn thương để quyết tâm thực hiện mục tiêu lần thứ hai giành vé tham dự Olympic.

Còn một chuyện khác mà Nguyễn Thị Lụa ít kể, đó là việc cô từng bị gãy 4 chiếc răng trong khi tập luyện. Đây cũng là một ca chấn thương hy hữu trong làng vật Việt Nam. Thương cô học trò luôn cầu tiến, giàu nghị lực, các huấn luyện viên ở Câu lạc bộ Vật Hà Nội phải tìm kinh phí để cô thay răng với chất liệu tốt nhất, bởi họ biết rằng, răng có tốt và đắt đến mấy cũng không bù đắp được những mất mát mà cô phải gánh chịu để mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam.

Đến giờ, dù vẫn đang chữa trị chấn thương, nhưng nữ đô vật giàu thành tích và đầy nghị lực này vẫn ấp ủ ước mơ sớm được chữa khỏi bệnh để có thể cống hiến cho thể thao Hà Nội vào cuối năm 2018, khi Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc được tổ chức ngay tại Thủ đô.

Cô gái Yên Nội nói: "Đã một lần theo vật thì mãi mãi theo vật. Biết rằng đời vận động viên thể thao đỉnh cao thật khó nói trước, nhưng tôi thấy rằng mình may mắn vì còn được theo đuổi đam mê".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọn vẹn niềm đam mê với vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.