Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ mùa thu lịch sử 63 năm trước

Nguyễn Ngọc Tiến| 10/10/2017 06:08

(HNM) - Ngày thu 10-10-1954, là ngày không thể nào quên trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, đặc biệt là với người dân Hà Nội...

Nhân dân Hà Nội vui mừng đón chào đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu


Thủ đô sạch bóng ngoại xâm

Theo Hiệp định Genève, quân Pháp có 80 ngày để chuyển giao và chuẩn bị cho việc rút quân khỏi Hà Nội. Để không xảy ra tình trạng mất an ninh đồng thời giúp người dân thành phố ổn định cuộc sống và duy trì các hoạt động của một đô thị, ngày 17-9-1954 Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Ủy ban quân chính TP Hà Nội. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn Quân Tiên phong được cử làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố. Cùng với thành lập Ủy ban quân chính, Trung ương Đảng và Chính phủ đã giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội cho Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308).

Ngày 30-9-1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự. Tiếp đó, ngày 2-10-1954, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính với nguyên tắc là đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống thành phố. Theo các văn bản đã được ký kết thì từ ngày 2 đến 5-10-1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố, chuẩn bị tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng. 422 cán bộ, nhân viên đội hành chính và 158 công an có vũ trang của đội trật tự đã kiểm kê và giải quyết các công việc chuẩn bị nhận bàn giao từ phía Pháp và ngụy quyền.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, sáng ngày 8-10-1954, phía Pháp đã làm lễ hạ cờ còn phía ta thì Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Sư đoàn 308) dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ là đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Hà Nội. Tiểu đoàn chia thành 35 tổ vào tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng. Mỗi tổ có ít nhất 3 người, riêng hai tổ vào tiếp quản nhà máy nước và nhà máy điện, mỗi tổ 13 người. Một đoàn xe GMC và 3 xe bọc thép của quân Pháp chở quân ta đến Ban liên hiệp đình chiến đóng tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện trung ương Quân đội 108).

Tuy vậy, cũng có nhiều điều đáng lo. Tại Nhà máy nước Yên Phụ, địch đem một số bao bột trắng xếp quanh giếng lọc nước, cơ sở của ta là công nhân trong nhà máy nghi là thuốc độc đã bàn với bộ đội đấu tranh ngăn chặn, cuối cùng địch phải chuyển những bao bột trắng đi nơi khác. Tại bốt Hàng Vôi, bọn lính lê dương say rượu đòi tước súng của ta. Cán bộ Liên kiểm đến can thiệp, tình hình mới tạm ổn. Trong trại pháo binh Ngọc Hà, địch phá doanh trại, ta giải thích nên địch không phá nữa...

Từ 6h sáng ngày 9-10-1954, bộ đội ta theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội đô rồi tỏa đi các nơi. Các cán bộ Hà Nội cùng với bộ đội lần lượt tiếp quản tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội như: Sân bay Bạch Mai, Sân bay Gia Lâm, khu Đồn Thủy, khu vực thành, là những vị trí có tầm quan trọng đặc biệt. Ta tiếp thu 129 công sở, công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học..., trong đó có Phủ Toàn quyền, Phủ Thủ hiến Bắc Việt, Sở Mật thám Liên bang Đông Dương... Trong ngày này, quân đội Liên hiệp Pháp rút dần xuống Hải Phòng và 16h30, thì rút hết qua ngả cầu Long Biên. 16h30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát TP Hà Nội. Tâm trạng của cán bộ, bộ đội và người dân Hà Nội nhẹ nhõm và hân hoan vì tiếp quản thành phố gọn gàng và trật tự, không xảy ra điều đáng tiếc. Đêm đó Hà Nội dường như không ngủ, nhất là những gia đình có con em đi kháng chiến.


Nhân dân Hà Nội trong Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh tư liệu


Những địa điểm mang dấu chân lịch sử

Sáng 10-10-1954, thời khắc lịch sử đã đến. Người dân Hà Nội diện quần áo chỉnh tề mang cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ và hoa xếp thành đội ngũ tới những phố đã được thông báo là bộ đội sẽ hành quân qua. Đúng 8h sáng, bộ binh của Sư đoàn 308 tiến vào Hà Nội từ ba hướng: Bắc, Tây và Nam. Từ hướng Tây, các cán bộ, chiến sĩ trong quân phục chỉnh tề, trên ngực cài Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ đi giữa một rừng cờ hoa vẫy chào trong sự đón mừng nồng nhiệt của đồng bào. Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 Trần Đông dẫn đầu đội hình bộ binh tiến từ khu vực Mai Dịch, qua Ô Cầu Giấy, Kim Mã, Hàng Đẫy, Vườn hoa Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Cửa Bắc vào thành Hà Nội.

Từ phía Nam, một đội hình bộ binh khác gồm: Trung đoàn Tu Vũ và Đại đoàn Bộ do Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tu Vũ chỉ huy, từ Việt Nam học xá bộ đội tiến qua Bạch Mai, Phố Huế, ra Tràng Tiền rồi vòng về khu vực Đồn Thủy. Sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới với hơn 100 xe Môlôtôva sơn màu lá mạ mới tinh, trên cánh cửa in phù hiệu sao vàng trên nền đỏ, nối đuôi nhau tiến vào nội đô. Trên xe, các chiến sĩ ngồi ngay ngắn, súng dựng trên sàn, lưỡi lê tuốt trần sáng loáng. Dẫn đầu đội hình cơ giới là một đoàn xe commăngca mui trần. Trên xe đầu tiên, Tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố giơ tay chào đồng bào. Tiếp theo là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính, rồi đến xe của các cán bộ trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn gồm: Chính ủy Song Hào, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh. Sau đoàn Môlôtôva chở bộ binh là đội hình pháo binh.

Đoàn quân đi đến đâu, tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy. Đúng 15h, còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội cùng với sự tham gia của các đơn vị quân đội trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Chủ tịch Ủy ban quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng. Mở đầu lời kêu gọi, Bác viết: “8 năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”. Bác căn dặn: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ cố gắng quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ thì nhất định chúng ta vượt qua mọi khó khăn và đạt được mục đích chung làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, vui tươi và phồn thịnh”.

63 mùa thu đã qua nhưng ký ức về một mùa thu mà Thủ đô sạch bóng quân thù sẽ không thể nào quên đối với người dân Hà Nội. Một mùa thu đánh dấu sự thay đổi có tính bước ngoặt và mở ra thời kỳ mới trong tiến trình phát triển của mảnh đất thân yêu này...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ mùa thu lịch sử 63 năm trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.