Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề "làm xiếc" trên cây ở TP Hồ Chí Minh

Bài, ảnh Nguyên Lê| 07/02/2018 06:33

(HNM) - Để thành phố có nhiều mảng xanh, đem lại không khí trong lành cho người dân, những công nhân công ty cây xanh của TP Hồ Chí Minh đã thầm lặng hàng ngày vất vả chăm sóc, cắt tỉa giúp cây phát triển tốt, bảo đảm an toàn cho người dân.

"Thợ leo" trên phố

"Thợ leo" - một khái niệm có lẽ xa lạ với nhiều người nhưng đây chính là tên gọi rất đúng đối với những công nhân của Xí nghiệp Cây xanh 1 (thuộc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP Hồ Chí Minh).

Nghề “thợ leo” đòi hỏi phải có tố chất riêng và luôn “chung thủy” với nghề.


Có mặt trong một buổi "tác nghiệp" của công nhân Xí nghiệp Cây xanh 1 tại Công viên Lê Văn Tám (quận 3) vào thời điểm gần trưa những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự vất vả của cái nghề "thợ leo". Ông Bùi Văn Thành, Phó Giám đốc Xí nghiệp Cây xanh 1 cho biết, 55 "thợ leo" của xí nghiệp phải bao quát trên 45.000 cây xanh trên khắp các quận của thành phố. Những cây có cành khô, mục, bị sâu hoặc những tán nặng, vươn dài, mất cân đối phải được cưa bỏ. Việc này vừa bảo đảm an toàn, tránh cành cây rơi xuống đường gây nguy hiểm cho người dân, vừa bảo đảm cây sinh trưởng tốt, tạo mỹ quan cho thành phố.

Theo ông Bùi Văn Thành, nghề "thợ leo" không có trường lớp nào đào tạo nên người làm nghề phải có năng khiếu, sự cẩn thận và sức khỏe. "Có những cây cao tới 50m, nếu không có kỹ năng, sự khéo léo, sức khỏe và lòng can đảm thì không thể "treo" mình trên đó để thực hiện nhiệm vụ", ông Thành cho hay. Công việc này mang tính đặc thù, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao.

Để cưa cành nhánh một cây xanh, người "thợ leo" phải sử dụng ít nhất 4 loại dây gồm: Dây mồi, dây treo, dây ngọn và dây an toàn. Dây mồi nhỏ và nhẹ nên dễ quăng lên cây, có tác dụng sẽ kéo dây treo, dây ngọn và dây an toàn lên theo. Dây treo dùng để treo vào cành cần cắt bỏ để đưa xuống đất. Dây an toàn có tác dụng bảo đảm an toàn cho người "thợ leo". Đối với những nhánh cây nhỏ, vươn ra xa không thể tiếp cận, "thợ leo" phải sử dụng dây ngọn để móc vào nhánh mà kéo xuống.

Theo quan sát, đầu tiên, người "thợ leo" phải đưa dây mồi lên chạc cây cần xử lý. Đây là một trong những công đoạn khó nhất của quy trình xử lý một cây xanh. Trước đây, những công nhân phải buộc gút một đầu của đoạn dây để tạo thành một khối trọng lượng giúp tạo lực để quăng dây lên. Sau này có kinh nghiệm, những công nhân đã "sáng tạo" ra phương pháp là buộc sợi dây vào cổ chai bằng nhựa đựng cát. Nhờ đó mà việc quăng dây mồi lên cây dễ dàng hơn. Đưa dây lên cây cao đã khó, để đưa đầu dây xuống càng khó hơn, người thợ phải biết cách tạo "sóng dây" như hình con rắn bò mới đưa được đầu dây mồi xuống. Từ đầu dây mồi này, những sợi dây khác lần lượt được đưa lên cây để "thợ leo" tiến hành công đoạn cắt tỉa. Sau khi lên được cây, việc đưa máy cưa lên và đưa cành cây (có khi rất nặng) sau khi cưa hạ xuống đất đòi hỏi phải có "nghề" mới làm được.

Chứng kiến toàn bộ hoạt động xử lý chặt hạ một cành to của cây xanh cao hơn 30m, chúng tôi không khỏi rùng mình. Người đảm nhiệm việc này là anh Dương Thông (5 năm trong nghề). Từ những động tác nhịp nhàng, điêu luyện, sợi dây mồi cũng được đưa lên chạc cây cao gần 20m. Sau khi đưa lần lượt các dây khác lên cây, anh Thông leo thoăn thoắt lên một nhánh cao khoảng 25m mới có thể tiếp cận được vị trí cần cưa hạ. Những động tác của anh như chuyền từ cành này qua cành khác, cố định vị trí, tư thế cầm cưa và cưa hạ cành cây, sau đó đưa cành cây xuống đất thật sự khéo léo và chuyên nghiệp.

Theo những anh em "thợ leo", ngày trước tuy thiếu phương tiện nhưng công việc dễ hơn bây giờ bởi đường phố ít xe cộ, ít dây điện và dây viễn thông trên đường nên việc leo cây và cưa hạ cành đem xuống dễ dàng và an toàn hơn. Còn hiện nay, xe cộ rất đông đúc, "mạng nhện" cáp điện bủa vây khắp nơi nên để xử lý một cây xanh rất vất vả, trong khi đó phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho chính người công nhân cũng như người tham gia giao thông bên dưới.

Nghề "cha truyền con nối"

Ông Hứa Văn Sắc, Tổ trưởng tổ 4 đã có 31 năm làm nghề "thợ leo". Ông là thế hệ thứ hai (nối nghiệp cha) của gia đình có 3 thế hệ làm nghề đặc biệt này. Hiện con trai ông cũng nối nghiệp cha, trở thành công nhân của Xí nghiệp Cây xanh 1. Ông Hứa Văn Sắc kể: Hồi trước việc chặt tỉa cây xanh kỳ công hơn rất nhiều. Dây được sử dụng là loại dây cỡ to nhưng lực chịu tải thấp, khi bị thấm nước, dây bị nở ra và không an toàn. Việc đưa dây lên cây cũng khó khăn hơn. Cưa cũng nặng và không sắc bén như bây giờ. Chính vì vậy, những người làm nghề này phải có can đảm, gan dạ và dẻo dai, đặc biệt là phải có độ "lì".

Khi được hỏi "Nghề này cực khổ và nguy hiểm vậy, tại sao ông lại hướng con mình theo nghề?" - ông Hứa Văn Sắc bảo: "Thường nghề chọn người mới tồn tại lâu được. Nghề đã chọn nó rồi, mình không can thiệp được". Khi nói về đứa con theo nghề mà ông gắn bó gần như trọn cuộc đời, ánh mắt của ông hiện lên niềm tự hào ẩn trên khuôn mặt gầy gò, đen sạm, có chút lạnh lùng.

Theo ông Bùi Văn Thành, khó khăn nhất của nghề này là thiếu phương tiện, đặc biệt là xe thang. Nếu trang bị đầy đủ xe thang thì công việc của anh em sẽ đỡ vất vả hơn nhiều, đồng thời cũng bảo đảm an toàn hơn khi xử lý những cây xanh cao to. Khi chúng tôi đề cập đến thu nhập, mọi người đều cho biết cuộc sống ổn định, mặc dù theo thông tin từ một lãnh đạo đơn vị, lương anh em công nhân cũng chỉ khoảng chục triệu đồng một tháng.

Nghề vất vả là vậy, lương cũng không được cao, nhưng hầu như ai cũng gắn bó bền chặt với nghề. Bản thân ông Bùi Văn Thành cũng xuất thân từ "thợ leo" và có thâm niên trên 35 năm trong nghề. Ông chia sẻ, ai đã chọn nghề này là phải xác định gắn bó cả đời. Người làm nghề này phải có tố chất riêng, không phải ai cũng có thể làm được, trong đó đặc biệt là tình yêu thành phố. Chính vì vậy, theo ông Thành, "tài sản" quý nhất của đơn vị chính là con người. "Rất khó tìm được người để đảm đương công việc này. Những anh em của chúng tôi là nguồn nhân lực không thể thay thế", ông Bùi Văn Thành nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng mong muốn sẽ có những thiết bị hiện đại hỗ trợ để tăng độ an toàn đồng thời nâng hiệu quả công việc.

Đây thực sự là mong muốn chính đáng. Tại nhiều thành phố trên thế giới, trong đó có Hà Nội (từ năm 2016) đã sử dụng xe nâng tự hành cắt tỉa cây xanh hiện đại. Được biết, loại xe nâng hiện đại này không chỉ giải phóng đáng kể sức lao động, bảo đảm an toàn cho con người mà còn giảm đáng kể chi phí. Có lẽ, đây cũng là mong muốn của tất cả những người "thợ leo" ở các đô thị nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề "làm xiếc" trên cây ở TP Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.