Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Vượt muôn trùng khó

Mai Hoa| 25/02/2018 08:08

(HNM) - Thủ thư, hay cán bộ thông tin thư viện, không nằm trong số nghề

Một góc phòng đọc Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội.


Những con số biết nói

Kinh phí cho hoạt động thư viện còn nhiều hạn chế là một trong những thách thức hàng đầu đối với nghề thủ thư. Nhiều thư viện cấp tỉnh chỉ được bố trí ngân sách hạn hẹp, dưới 2 tỷ đồng/năm, như các tỉnh: Cao Bằng, Bạc Liêu, Hà Nam, Hà Giang... Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà phân tích: "Chỉ có chừng đó kinh phí mà phải chi trả cả tiền lương, điện, nước, hoạt động thư viện - quả thực là quá khó để hoạt động hiệu quả. Kinh phí ít, dẫn đến việc phát triển nguồn lực thông tin trong hệ thống thư viện công cộng rất khó khăn, tốc độ phát triển vốn tài liệu trong các thư viện rất chậm".

Một khó khăn nữa chính là chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác thư viện. Với các thư viện công cộng, thư viện cơ sở, đa phần cán bộ thư viện làm thiện nguyện hoặc kiêm nhiệm, chế độ bồi dưỡng rất ít, thậm chí không có. Đối với thư viện trường học, tình hình cũng không khả quan hơn. Do quy định cán bộ thư viện chỉ cần trình độ trung cấp, nên dù có bằng cao học, hoặc đại học, họ vẫn chỉ được hưởng lương trung cấp.

Chế độ phụ cấp độc hại (hệ số 0,2) áp dụng đối với những người trực tiếp làm công việc kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ, tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của thư viện... dù được ban hành từ lâu, nhưng không phải địa phương nào, đơn vị nào cũng cho cán bộ thư viện hưởng. Chưa kể, nhiều cấp lãnh đạo sẵn sàng cắt giảm ngân sách cho hoạt động thư viện. Nhiều nhà trường, giáo viên không quan tâm đọc sách...

Theo kết quả khảo sát bước đầu ở 42 trường học tại các thành phố, vùng nông thôn và miền núi của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) mới đây, trong số 208 người thuộc diện khảo sát, điều tra (bao gồm 185 học sinh và 23 giáo viên), số người ít khi đọc còn chiếm tỷ lệ cao, đến 50%. Số người đọc hằng ngày chỉ đạt tỷ lệ 7%, trong khi đó, người không đọc chiếm tới 16%.

Khảo sát trên cũng cho thấy, khối lượng công việc của nhân viên làm việc trong thư viện trường học rất nhiều. Cụ thể, mỗi người phải đảm nhận việc chọn tài liệu, đặt và nhận tài liệu với các nhà cung cấp; nhận báo - tạp chí hằng ngày, vào sổ quản lý báo - tạp chí, đóng dấu, sắp xếp lên kệ; lọc sách... Cùng với đó là các nhiệm vụ khác, như: Xử lý kỹ thuật (đóng dấu cho tài liệu, in và dán sổ đăng ký cá biệt), xử lý hình thức và nội dung tài liệu (phân loại, biên mục cho tài liệu trên máy vi tính hoặc ghi vào sổ), sắp xếp tài liệu hằng ngày, vệ sinh kho sách, phục vụ giáo viên, học sinh đọc tại chỗ, mượn về nhà, quản lý thẻ...

Một nhân viên thư viện nếu hoàn thành khối lượng công việc trên đã là nhiều, nhưng ở nhiều nơi, họ còn phải kiêm nhiệm thêm một số công việc khác...

Khơi dậy lòng yêu nghề

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều cán bộ thông tin thư viện vẫn bền bỉ, gắn bó với nghề, góp phần vào nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc thông qua những giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện đơn vị. Hiệu trưởng Trường THCS Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) Nguyễn Thị Diệp chia sẻ: "Ở trường chúng tôi, mỗi tháng 1 lần, cán bộ thư viện giới thiệu sách mới theo từng chủ đề riêng. Trên bảng tại thư viện, có danh mục giới thiệu sách mới để học sinh tìm đọc nếu có nhu cầu. Mỗi khi học sinh mượn sách, cán bộ thư viện cũng tranh thủ giới thiệu các cuốn sách khác có cùng chủ đề có trong thư viện. Bên cạnh đó, cán bộ thư viện cũng sắp xếp, trang trí lại thư viện, tạo sự thân thiện với bạn đọc. Là một người làm quản lý giáo dục, tôi thấy quan trọng nhất là phải biết khơi dậy lòng yêu nghề của cán bộ thư viện, động viên họ yên tâm công tác, bám lớp bám trường, dành nhiệt tâm cho công tác thư viện".

Những cán bộ làm công tác thông tin thư viện ở Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có nhiều sáng kiến hay, độc đáo để có thể phục vụ độc giả tốt nhất, thu hút học sinh, sinh viên đến với sách. Phó Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ: Để phục vụ bạn đọc tốt nhất, chúng tôi nghiên cứu phân loại đối tượng bạn đọc. Nhu cầu bạn đọc của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đa số là thông tin chuyên ngành sâu, nhiều bạn đọc từng học nước ngoài về. Các thầy, cô giáo có nhiều "kênh" lấy tài liệu riêng, chính vì vậy, cán bộ thư viện phải quy hoạch cơ sở dữ liệu bạn đọc một cách khoa học. Ví như với sinh viên học ngành Hóa, phần mềm sẽ tự động báo tài liệu cần thiết cho sinh viên đó, bao gồm tên, mã ký hiệu sách mới, nội dung tóm tắt của cuốn sách thuộc lĩnh vực đó. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức kho tài liệu theo phương thức mở, tập hợp sách của nhiều tác giả cùng nói về một vấn đề để hỗ trợ bạn đọc...

Hiện nay, Thư viện Tạ Quang Bửu đã tăng cường quy mô, áp dụng công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến RFID cho toàn bộ tài liệu trong thư viện, kết hợp việc trang bị các hệ thống mượn trả sách tự động, cho phép bạn đọc có thể tự chọn sách, tự thao tác mượn, trả. Cùng với đó là việc phát triển các dịch vụ không bị giới hạn về không gian, thời gian. Thư viện đã thiết lập hệ thống thông tin số, áp dụng giải pháp giúp bạn đọc có thể truy cập các cơ sở dữ liệu từ bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào khi có nhu cầu.

Kinh nghiệm được đúc rút từ thực tế hoạt động của Thư viện Tạ Quang Bửu thực sự hữu ích đối với các thư viện khác trong việc phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Vượt muôn trùng khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.