Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cõng" điện lên non cao Điện Biên

Thanh Hải| 30/03/2018 06:19

(HNM) - Câu nói


Thiếu cái ốc vít là chậm tiến độ cả tuần!

Nếu như ở dưới xuôi, việc cấp điện, sửa chữa, khắc phục những sự cố sẽ nhanh chóng vì quãng đường di chuyển thuận tiện, nhưng ở vùng cao, để làm được điều đó không hề đơn giản. Tại địa bàn huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), Giám đốc Điện lực Điện Biên Đông Hoàng Xuân Sơn cho biết, toàn huyện có 13 xã và 1 thị trấn, với 246 bản và tổ dân phố, trong đó có 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Diện tích tự nhiên của huyện là gần 121 nghìn héc ta với độ cao trung bình 900-1.000m. Địa hình ở đây hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều khe suối, vực sâu, đồi núi chiếm 90% diện tích đất tự nhiên còn đất nông nghiệp chỉ chiếm 10%.

Kiểm tra lưới điện tại Trạm 110kV Tuần Giáo.Ảnh: Ngọc Hà


"Núi cao, vực sâu là vậy nhưng chúng tôi cũng chỉ có 31 người để bảo đảm cung cấp điện ổn định cho người dân. Mỗi khi vào bản làm việc, đường sá đi lại khó khăn nên mọi thiết bị, vật tư phải chuẩn bị kỹ lưỡng, bởi chỉ thiếu một con ốc việc đóng điện cũng có thể chậm lại cả tuần. Mình đã hứa với bà con thời gian đóng điện rồi mà không thực hiện đúng, bà con sẽ không vui, bản thân cũng áy náy vì không giữ đúng lời hứa, không hoàn thành nhiệm vụ" - ông Sơn chia sẻ.

Các công trình điện ở miền núi, vùng cao cần vốn đầu tư lớn bởi địa hình phức tạp, trong khi đó dân cư lại thưa thớt. Có thôn, bản được đầu tư công trình điện lên đến chục tỷ đồng, nhưng số tiền sử dụng điện mỗi tháng chỉ vài trăm nghìn đồng. "Từ trung tâm huyện đi về thị trấn xa nhất cũng khoảng 80km, nhưng để đi đến từng thôn, bản thu tiền sử dụng điện của người dân cũng thêm độ 50km nữa. Hằng tháng, anh em Điện lực Điện Biên Đông đều phải thực thi nhiệm vụ ấy. Ở vùng cao, bà con sử dụng điện rất ít. Tổng số tiền điện một tháng của một xã cũng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Thậm chí, có hộ gia đình 3 tháng mới dùng hết 1 số điện" - ông Sơn lấy ví dụ thêm.

Còn theo anh Nguyễn Việt Cường, Trạm trưởng Trạm 110kV Tuần Giáo thì cả thị trấn này, cao điểm cũng chỉ dùng tới 1.200kW/h, nhưng kéo dài không được lâu. Trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng 13.000-14.000 đồng/tháng tiền điện. Nếu hộ nào có tháng tăng vọt lên hơn 20.000 đồng là bà con có ý kiến ngay, đề nghị ngành phải kiểm tra công tơ.

"Khó khăn nhất vẫn là khi anh em đi làm nhiệm vụ kéo đường dây. Việc ngủ lại bản, ở nhờ nhà dân đã là chuyện bình thường. Nhưng, vì mục tiêu đưa dòng điện quốc gia về cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới nên không một ai nề hà. Vào mùa mưa bão, khi gặp sự cố mất điện, bất kể ngày cũng như đêm, anh em đều phải lên đường xử lý. Vượt suối, leo đèo, trên lưng còn phải cõng trang thiết bị nặng cả chục kilôgam, nhưng bù lại mỗi khi nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui của các em nhỏ lúc có điện về giúp chúng tôi có thêm động lực để lên đường" - anh Cường chia sẻ.

100% xã đã có điện lưới quốc gia

Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên Trần Huy Hoàng giãi bày: "Những khó khăn cụ thể của ngành ở huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo cũng là điều mà ngành Điện ở vùng cao gặp phải. Nhưng, chúng tôi luôn nỗ lực hết sức mình để giữ điện sáng cho các bản làng". Trong đó phải kể đến năm 2017, Công ty Điện lực Điện Biên đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra, với sản lượng điện thương phẩm đạt 217,38 triệu kWh, tăng trưởng 6,33% so với năm 2016 và đạt 101,11% kế hoạch giao. Tổn thất điện năng đạt 8,49%, thấp hơn kế hoạch được giao 0,01%. Đến nay, trên toàn tỉnh có 10/10 huyện, thị xã, 130/130 xã, phường, thị trấn và 109.740/125.801 số hộ (đạt 87,23%) có điện lưới quốc gia.

Công tác đầu tư cấp điện đã, đang được Điện lực Điện Biên đẩy mạnh. Trong giai đoạn năm 2011-2016, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) luôn bám sát quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Điện Biên được Bộ Công Thương phê duyệt, đã triển khai nhiều công trình điện trên địa bàn tỉnh như Dự án DEP - vay vốn Ngân hàng Thế giới (55 tỷ đồng), Dự án ADB - vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (521 tỷ đồng), các dự án chống quá tải lưới điện 110kV và lưới điện trung áp dùng vốn ngành Điện (khoảng 300 tỷ đồng)... Các dự án này hoàn thành đi vào vận hành đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị xã hội, đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và điện khí hóa nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên.

Theo ông Lò Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên, thời gian tới EVNNPC tiếp tục đầu tư, cải tạo lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 (đã được Bộ Công Thương phê duyệt) và nhu cầu thực tế tại địa phương. Trong đó sẽ báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo đầu tư đường dây và TBA 220kV Điện Biên theo quy hoạch; đầu tư đường dây 110kV Điện Biên - Mường Chà - Trạm 500kV Lai Châu. Giai đoạn 1 thực hiện đầu tư đường dây 110kV Điện Biên - Mường Chà, hoàn thành giai đoạn 2019-2020 với tổng mức đầu tư là 305 tỷ đồng để khép vòng cấp nguồn điện thứ 2 cho TP Điện Biên Phủ và cấp điện ổn định cho huyện Mường Chà. Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục đầu tư đường dây 110kV Mường Chà - Trạm 500kV Lai Châu với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng khi nhu cầu về điện của khu vực huyện Mường Nhé tăng cao. Bên cạnh đó, đầu tư nâng công suất Trạm biếp áp 110kV Điện Biên và xây dựng mới, cải tạo lưới điện trung, hạ áp trên địa bàn với tổng nguồn vốn đầu tư trong năm 2018 dự kiến 135 tỷ đồng để cấp điện ổn định cho TP Điện Biên Phủ và tỉnh Điện Biên...

Những bước đi vững chắc, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành Điện đã, đang góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển, tăng trưởng kinh tế bền vững của một tỉnh vùng cao của Tổ quốc có bề dày lịch sử như Điện Biên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cõng" điện lên non cao Điện Biên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.