Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩa tình Tây Ninh

Hà Hiền| 20/05/2018 07:05

(HNM) - Trong không gian ngan ngát trầm hương thành kính, mỗi thành viên của Đoàn công tác TP Hà Nội cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn hơn nghĩa tình của người Tây Ninh với cách mạng cũng như đóng góp của người có công khắp mọi miền đất nước.

Đoàn công tác TP Hà Nội thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.


Thẳm sâu niềm tri ân

Cái nắng gay gắt giữa tháng 5 của miền Đông Nam Bộ dịu xuống khi chiếc xe ô tô đưa Đoàn công tác của TP Hà Nội tới Đồi 82 rợp bóng cây xanh. Giữa đồi cây ngút ngàn đó là Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên - tựa như đóa sen khổng lồ - nơi an nghỉ của hơn 13.000 liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có hơn 300 liệt sĩ người Hà Nội đã rõ thông tin. Các mộ phần được đặt tạo thành hình tròn, quay vào nhau, tượng trưng cho tình đồng chí, đồng đội luôn kề vai, sát cánh. Có mộ rõ thông tin, danh tính, có mộ thì chưa, có mộ còn hài cốt, có mộ hài cốt đã được gia đình chuyển về quê nhà. Đa số hài cốt liệt sĩ người Hà Nội đã được gia đình, đồng đội và các cơ quan, đoàn thể đưa về quê hương. Dẫn đoàn tới viếng các mộ phần, anh Lê Bình Thanh, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh kể, liệt sĩ quy tập về Nghĩa trang Tân Biên hy sinh tại các chiến trường miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ hoặc làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Gần đây, năm nào các cơ quan chức năng cũng tìm kiếm và quy tập về nghĩa trang thêm khoảng 200 - 300 hài cốt liệt sĩ.

Ở Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên có một mộ tập thể của hơn 100 liệt sĩ do Đội K70, Cục Chính trị Quân khu 7 tìm thấy tại xã Veal Mlu, huyện Ponhea Kraek, tỉnh Tboung Khmum (Campuchia) từ ngày 22-2 đến 12-4-2017; mộ tập thể hơn 90 liệt sĩ của Trung đoàn 95, Sư đoàn 1, hy sinh trong trận chiến đêm mùng 7, rạng sáng 8-3-1969 tại suối Đá, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh)…, và đài tưởng niệm, bia khắc tên hơn 600 liệt sĩ là các nhà giáo rời bục giảng vào chiến trường chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bà Võ Thanh Thủy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Tây Ninh thường xuyên chỉnh trang các mộ phần, phân công người trông nom, chăm sóc nghĩa trang 24/24 giờ tất cả các ngày trong năm. Vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh và các ngành, đoàn thể, các trường học trên địa bàn đều đến dâng hương, thắp nến tri ân, qua đó giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ...

Nghĩa vụ thiêng liêng

Điều đặc biệt tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên là những người trông nom, chăm sóc nghĩa trang có tuổi đời khá trẻ. Tổ trưởng Tổ quản trang là anh Trần Mạnh Hào, 36 tuổi, nhưng đã có 15 năm gắn bó với công việc lặng thầm này. Anh Hào bộc bạch, sinh ra và lớn lên tại vùng đất cách mạng, cả bố và mẹ đều trong quân ngũ và tham gia chiến đấu, hơn ai hết, anh thấu hiểu sự mất mát, hy sinh của những người để lại xương máu ngoài chiến trường, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Bởi thế, anh đã bỏ qua những cơ hội việc làm mang lại thu nhập khá để gắn bó với công việc này.

Ngày ngày, anh Hào cùng 5 thành viên khác trong Tổ quản trang đến từng mộ liệt sĩ nhặt lá, nhổ cỏ; quét dọn, cắt tỉa, vun trồng cây xanh trên Đồi 82, giữ không gian thành kính, trang nghiêm cho nơi này. Mỗi khi có thân nhân liệt sĩ hay khách viếng thăm, các anh lại ân cần tiếp đón, giới thiệu, cung cấp những thông tin cần thiết. “Nghĩa trang Tân Biên quy tụ hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ chưa biết thông tin, trong khi gia đình, người thân các liệt sĩ ngày đêm tìm kiếm. Chứng kiến nhiều gia đình vượt hàng nghìn cây số về đây với hy vọng tìm thấy người thân, rồi ra về trong buồn bã, chúng tôi cũng thấy xót xa, áy náy. Vì vậy, công việc của chúng tôi nhỏ bé và bình thường lắm. Chỉ mong sao cơ quan chức năng sớm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập các liệt sĩ về với quê hương để góp phần giảm nỗi đau chiến tranh”, anh Trần Mạnh Hào chia sẻ như vậy khi được hỏi về công việc của mình.

Cũng làm công việc lặng thầm, nhiều năm qua, Đội K70, Cục Chính trị Quân khu 7; Đội K71, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh… đã nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên các chiến trường miền Đông Nam Bộ và Campuchia, để đưa các anh về với đồng đội, với đất mẹ. Nhiều lắm những câu chuyện cảm động, song với Đại tá Trần Văn Hợp, Đội trưởng Đội K70 và đồng đội, hành trình tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ tại xã Veal Mlu, huyện Ponhea Kraek, tỉnh Tboung Khmum (Campuchia) là hành trình không thể nào quên. Từ nguồn tin của người dân địa phương, Đội K70 tìm hiểu, thu thập, phân tích và khoanh vùng tìm kiếm. Sau gần 2 tháng triển khai, Đội K70 quy tập, cất bốc được 124 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có 113 bộ riêng, 11 bộ tập thể và nhiều di vật kèm theo. 6h ngày 26-7-2017, các liệt sĩ được trở về đất mẹ, an nghỉ cạnh đồng đội tại nghĩa trang này.

Tương tự, mỗi năm, Đội K71 tìm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ từ tỉnh Kampong Cham, Siem Reap, Battambang, Oddar Meanchey và Banteay Meanchey (Campuchia) đưa về các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành phố khác. “Việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng đó là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của chúng tôi trong thời bình. Hành trình đi tìm đồng đội của Đội K71 sẽ không dừng lại và mảnh đất Tây Ninh anh dũng, kiên cường tiếp tục sẽ đón các anh trở về”, Đại tá Lê Văn Mỹ, Đội K71 nói ngắn gọn về công việc của mình.

Những câu chuyện cảm động, những việc làm nghĩa nặng, tình sâu của người Tây Ninh với các Anh hùng liệt sĩ, người có công như đang ngấm vào mạch nguồn thành kính, tri ân của thế hệ hôm nay với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa tình Tây Ninh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.