Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho biên cương thêm xanh

Hiền Phương| 25/05/2018 06:17

(HNM) - “Tiếp bước cha anh, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” là tâm nguyện phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng...


Leo non, lội ruộng cùng dân


Lối đi duy nhất dẫn vào bản người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là con đường rừng dưới chân đèo Cù Nhăng. Những dốc đá dựng đứng, những đoạn đường chỉ vừa một người đi có lẽ không phải là trở ngại duy nhất đối với Bộ đội Biên phòng trên hành trình đưa người Rục từ hang đá về với cuộc sống cộng đồng mà khó hơn là thay đổi thói quen sản xuất, sinh hoạt cũ của đồng bào.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân biên giới. Ảnh: Nguyễn Bích


Đồng bào Rục nơi miền Tây Quảng Bình vốn không quen canh tác lúa nước, sống chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp của Nhà nước, sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng và số lượng ít ỏi ngô, sắn thu hoạch trên nương nên hầu như nhà nào cũng thiếu ăn. Thấu hiểu khó khăn đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) xác định, hướng dẫn đồng bào trồng lúa nước là con đường ngắn nhất giúp thoát đói nghèo. Vậy là ngoài thời gian làm nhiệm vụ chuyên môn, bộ đội đã trở thành nông dân thực thụ, vừa lội ruộng cùng dân bản Mò O Ồ Ồ hướng dẫn bà con cách cày, bừa, cấy, gặt vừa hỗ trợ về giống lúa nước. Sau nhiều năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với dân, đến nay, Bộ đội Biên phòng Cà Xèng đã thành công khi diện tích cấy lúa nước của đồng bào đã tăng lên được 10ha, năng suất đạt 3,5 đến 4,5 tấn/ha. Đơn vị còn vận động các cơ quan, doanh nghiệp tặng máy tuốt lúa, máy phay, máy cày phục vụ sản xuất, trị giá 88 triệu đồng. Thượng úy Bùi Văn Hải, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cà Xèng chia sẻ: “Để đồng bào Rục biết trồng cây lúa nước không dễ, bởi ban đầu dân bản không nghe, chỉ khi thấy bộ đội cấy lúa thu thóc, gạo, đồng bào mới tin và làm theo. Nay mọi nhà có gạo ăn, không còn cảnh đói, chúng tôi mừng lắm”.

Gần dân và thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân, nên mỗi cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng vẫn chọn cho mình cách làm phù hợp nhất để giúp bà con. Thiếu úy Vàng Lao Lừ, Đồn Biên phòng Mường Lạn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) đã nghĩ như vậy và xung phong lên bản Co Muông, một trong những bản khó khăn của xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La để vừa làm công tác an ninh, vừa làm giáo viên dạy chữ cho bà con dân tộc Mông. “Các học viên hầu hết là lao động chính trong gia đình, ban ngày bận làm nương nên học về đêm là chính. Lớp học phải tận dụng nguồn điện từ dòng nước lúc được, lúc mất nên học viên thường phải mang theo đèn pin để chiếu sáng.” - Thiếu úy Vàng Lao Lừ chia sẻ.

Với sự tận tâm của người thầy giáo mang quân hàm xanh, sự cố gắng của học trò, lớp xóa mù chữ hiện đang ở giai đoạn 2 của chương trình mà học viên đã biết đọc, biết viết và làm được những phép toán đơn giản. Từ 22 học viên ban đầu, nay lớp học đã có 38 học viên. Trong các buổi học, Thiếu úy Vàng Lao Lừ còn kết hợp tuyên truyền pháp luật, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi… cho học viên. Anh Giàng A Co học viên của lớp chia sẻ: “Tôi năm nay đã 38 tuổi nhưng không biết chữ. Được thầy Lừ động viên và dạy học nên tôi đã biết đọc, biết viết và biết cả cách áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho gia đình. Dân bản chúng tôi rất biết ơn thầy giáo Lừ”.

Điểm tựa của lòng dân

Với Trung úy Giàng A Tủa, Trinh sát viên của Đội Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), bước chân vào lực lượng Biên phòng anh đã xác định cho mình quyết tâm vừa giúp đỡ đồng bào có được cuộc sống mới tốt đẹp hơn, vừa phải bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, trong 6 năm tham gia điều tra, đấu tranh án ma túy, anh đã phá thành công hàng chục chuyên án lớn tại các địa bàn biên giới tỉnh Điện Biên, trong đó có những đường dây ma túy xuyên quốc gia. Riêng năm 2017, Trung úy Giàng A Tủa tham gia 6 chuyên án lớn và 4 kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ 13 đối tượng, thu giữ 44,5 bánh hêrôin, gần 240.000 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng và 119 viên đạn thể thao, hơn 37 triệu kíp Lào cùng nhiều tang vật liên quan như ô tô, xe máy, điện thoại di động. Để phá án, nhiều lần anh phải vào “hang cọp”. Mỗi lần nhập vai điều tra, anh xác định sẽ có hàng trăm tình huống có thể xảy ra ảnh hưởng đến việc phá án, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, anh luôn chuẩn bị sẵn những hướng xử lý phù hợp.

“Sinh ra ở vùng cao biên giới, thấy cuộc sống của đồng bào vốn đã nghèo lại bị ma túy làm cho khốn cùng nên mình muốn góp sức mang lại cuộc sống ấm no, bình yên cho đồng bào.” - Trung úy Giàng A Tủa bày tỏ.

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Danh Vượng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vì thế việc xây dựng “thế trận lòng dân” có ý nghĩa rất quan trọng. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, bám dân, bám địa bàn, tham mưu và trực tiếp tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội nơi biên giới.

Thiếu tướng Nguyễn Danh Vượng kể, nhiều chương trình giúp dân đã được thực hiện hiệu quả như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “bò giống cho đồng bào nghèo nơi biên giới”, xây dựng nhà tình nghĩa, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, “nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin”, “cứng hóa nền nhà”… Đặc biệt, với chương trình “nâng bước em tới trường”, Bộ đội Biên phòng đã nhận đỡ đầu, giúp đỡ gần 3.000 học sinh khu vực biên giới, hải đảo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục đi học. Nhiều chiến sĩ biên phòng còn là chiến sĩ văn hóa, là thầy thuốc, ngày đêm mang ánh sáng văn hóa đến với những thôn, bản xa xôi, hẻo lánh nơi biên giới…

Trong hành trình chăm lo cho dân, bám địa bàn, những nghĩa cử, hành động đẹp của các chiến sĩ quân hàm xanh vẫn đang lan tỏa khắp mọi nẻo đường biên giới, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân. Các anh chính là những sứ giả của bình yên, no ấm và là điểm tựa để biên cương thêm xanh…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cho biên cương thêm xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.