Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường Sa - Tiếng gọi quê hương

Quỳnh Dương| 03/06/2018 07:18

LTS: Con tàu KN 491 rẽ sóng rời cảng Cam Ranh, đưa đoàn kiều bào đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 trong một ngày nắng vàng rực rỡ của tháng tư. Biển hôm ấy dịu êm, màu trời xanh mát. Gương mặt của các thành viên trong đoàn đong đầy cảm xúc. Với những người con xa quê, họ luôn mong ngóng, khát khao được đặt chân lên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc, được chạm tay vào cột mốc biên cương giữa trùng khơi. Với tất cả mọi người, Trường Sa đã là máu thịt, là tiếng gọi thiêng liêng của quê hương nơi đầu sóng, ngọn gió…

Các kiều bào và Đoàn công tác số 10 chụp ảnh tại cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây.


Bài 1: Hải trình đong đầy cảm xúc

Trường Sa - nơi quanh năm chỉ có nắng, gió và những con sóng bạc đầu, một nụ cười lính đảo hay tiếng trẻ ê a đọc vần cũng đủ khiến người ta vỡ òa trong cảm xúc. Bởi thế, sau chuyến thăm Trường Sa, những hình ảnh về hải trình ăm ắp tình người ấy đã trở thành kỷ niệm không bao giờ phai trong ký ức các kiều bào.

Giấc mơ Trường Sa

Năm 2014, sau chuyến thăm Trường Sa, nhà báo Nguyễn Huy Thắng, một kiều bào Đức đã thực hiện loạt phóng sự mang tên "Trường Sa nơi ước đến". Những cảm xúc vỡ òa khi đặt chân lên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc mà ông thể hiện trong các tác phẩm đã để lại ấn tượng đặc biệt vì nói lên tiếng lòng của nhiều bà con kiều bào đang sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới.

Vì thế, dù có thể phải đối mặt với những cơn say sóng đến mềm người, phải cùng nhau chia sẻ khoảng không nhỏ bé trên những chiếc giường 3 tầng ở trên tàu, nhưng cứ vào tháng 4 hằng năm, người Việt xa xứ lại luôn sẵn sàng gác lại công việc bộn bề, vượt qua hàng ngàn hải lý để đến với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta nơi đầu sóng, ngọn gió. Thậm chí, tuổi tác cũng không còn là rào cản ngăn trở quyết tâm đến với biển đảo quê hương.

Ông Bùi Công Tuyến, năm nay đã 78 tuổi, là người cao tuổi nhất trong Đoàn công tác số 10 vừa ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. Ông Tuyến sinh ra và lớn lên ở Lào nhưng chưa bao giờ quên dòng máu Việt trong tim. Vì vậy, dù tuổi cao, sức khỏe không thật tốt, nhưng ông Tuyến vẫn cố gắng có mặt trên hầu hết các đảo trong hải trình.

Có đặt chân lên vùng biển đảo xa xôi, khắc nghiệt này, mới cảm nhận hết nghị lực kiên cường, ý chí quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ để gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng. Nhiều giọt nước mắt đã rơi khi thấy những người lính tuổi đời chỉ mười tám đôi mươi, dưới nắng nóng vẫn chắc tay súng, đứng gác mặc cho làn da sạm đen vì cái mặn mòi của biển cả. Đâu chỉ có nắng và gió, ở vùng biển này hằng năm còn phải chịu nhiều cơn bão lớn đổ bộ.

Gần đây nhất là trận càn quét của cơn bão số 16 vào cuối tháng 12 năm 2017. Trước sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 14 kèm mưa lớn, hàng loạt cây xanh đã bị quật đổ, gần 80 tấm pin năng lượng mặt trời bị gió cuốn mất khiến hệ thống đèn chiếu sáng tại các đảo bị hư hỏng nặng.

Vậy mà chỉ sau 4 tháng, khi Đoàn công tác số 10 tới thăm, vườn rau đã tươi tốt, mầm xanh đã bắt đầu nhú lên trên những cành cây bị gió giật gãy. Nhà cửa, đường ngõ sạch sẽ, gọn gàng như chưa từng có bão đi qua. Tất cả là nhờ ý chí và sự nỗ lực vượt bậc của quân và dân trên các đảo.

Thế nên khi đến Trường Sa, chỉ cần nhìn thấy một chồi lá, chạm tay vào một mảnh san hô nhỏ cũng khiến bất kỳ ai dâng trào cảm xúc. Trong 7 năm liền Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đưa đoàn kiều bào ra Trường Sa, rất nhiều tác phẩm thơ ca đã ra đời ngay khi hải trình còn chưa kết thúc. Những bài hát như “Hoàng Sa, Trường Sa ơi chúng con đã về đây” của nhà báo Huy Thắng, hoặc bài "Đảo xa" với những ca từ rất sâu lắng của anh Thanh Hải, kiều bào tại Ba Lan, đều được sáng tác trong chuyến thăm Trường Sa năm 2014.

Trong hải trình của Đoàn công tác số 10 năm 2018 cũng vậy. Bài thơ “Việt Nam an bình, công lớn của Trường Sa” của GS Bùi Minh Phong, kiều bào tại Hungary, hay “Giấc mơ Trường Sa” của Hoàng Nữ Anh Thư, sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc cũng ra đời trong hoàn cảnh đó.

Gắn kết những trái tim

Không chỉ khơi nguồn cảm hứng sáng tác, Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã thực sự là nơi thổi bùng ngọn lửa yêu nước và nơi gắn kết những trái tim vì biển đảo. Có trực tiếp được tới những đảo chìm, đảo nổi, nếm vị mặn chát của nước biển, trực tiếp chứng kiến những khó khăn vất vả của các chiến sĩ hải quân mới thấm thía giá trị của hòa bình.

Đặc biệt, những câu chuyện cảm động về các anh hùng, liệt sĩ ngã xuống để bảo vệ vùng biển máu thịt của đất nước đã tiếp thêm niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương cho các kiều bào. Với họ, tấm gương 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu rạng sáng ngày 14-3-1988 ở Gạc Ma, những chiến sĩ ở nhà giàn nằm xuống đáy biển sâu trong lúc chống chọi với bão tố với tinh thần “Còn đảo, còn Nhà giàn, còn Tổ quốc” đã biến thành những viên gạch hồng xây nên tượng đài bất khuất của Việt Nam trên Biển Đông.

Đúng như Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái đã nói giữa tiếng nấc nghẹn ngào của các đại biểu tại Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa tổ chức ngày 23-4 tại vùng biển Gạc Ma: "Máu của các anh đã hòa cùng biển sâu, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Chính sự hy sinh của các anh đã đem lại niềm hạnh phúc cho dân tộc, làm cho đất nước ta được nở hoa độc lập, kết trái tự do. Các anh chết cho Tổ quốc sống mãi!".

Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng đoàn công tác số 10 cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, sau 7 năm tổ chức các đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, đã quyên góp đạt được khoảng 15 tỷ đồng. Điều này xuất phát từ mong muốn của kiều bào khắp nơi được góp sức mình trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo và hỗ trợ cải thiện cuộc sống của các chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Trong đó, có những món quà đáng chú ý như: Xuồng chủ quyền do kiều bào Đức ủng hộ cho đảo Song Tử Tây, hệ thống pin năng lượng mặt trời, các máy lọc nước biển thành nước ngọt của Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam do các kiều bào tại Hàn Quốc sáng lập... Những đóng góp đó không chỉ là tấm lòng của bà con với cán bộ, chiến sĩ mà còn thể hiện tinh thần, trách nhiệm của mỗi người con đất Việt đối với Tổ quốc, với biển đảo quê hương.

Có thể thấy, sau mỗi chuyến đi, những cái tên như Cô Lin, Đá Thị, Tốc Tan, Đá Đông, Sơn Ca, Sinh Tồn… đã trở nên rất đỗi thân thương và khắc sâu trong trái tim mỗi kiều bào. Chỉ cần nghe một chút giai điệu bài hát về biển đảo là mọi cung bậc cảm xúc trong hải trình lại ùa về. Vì thế, nỗ lực góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương là một cách thiết thực nhất để những người con đất Việt xa quê hòa chung nhịp đập vì Trường Sa thân yêu.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa - Tiếng gọi quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.