Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Những chuyến tàu nhân lên tình đoàn kết

Quỳnh Dương| 05/06/2018 06:39

(HNM) - Kể từ năm 2012 tới nay, đã có gần 400 lượt kiều bào ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Qua những chuyến đi, kiều bào hiểu thêm về đời sống quân và dân trên các đảo, tin tưởng vào ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

Kiều bào chia sẻ với những khó khăn của các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.


Những sứ giả về chủ quyền biển đảo

Trước thời điểm các chuyến đi dành cho kiều bào ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 được tổ chức từ năm 2012, đã có không ít thông tin sai trái về chủ quyền biển đảo của Việt Nam xuất hiện với mục đích gây hoang mang dư luận, làm suy giảm niềm tin của cộng đồng người Việt ở nước ngoài vào Đảng và Nhà nước. Để phản bác lại luận điệu này, năm 2014, lần đầu tiên Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đưa một số nhân vật chống đối ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, trong đó có David Nguyễn (hay còn gọi là Đức đầu bạc), con trai Đổng lý Văn phòng thời Việt Nam Cộng hòa, cựu Thiếu úy Thủy quân lục chiến của quân lực Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Lập hay một thân hữu của đảng Việt Tân Nguyễn Nguyệt Rạng... Dù nhận lời tham gia hải trình, song những người này lên tàu với một thái độ nghi ngờ và cảnh giác. Tuy nhiên, sau khi lần lượt thăm Song Tử Tây, Sơn Ca, Đá Lát, Trường Sa... được nhìn tận mắt, sờ tận tay những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương, họ, những người từng nuôi dưỡng sự thù địch với Tổ quốc càng trở nên trầm tư và dần thay đổi thái độ.

Tâm sự với những người bạn cùng phòng, ông David Nguyễn từng chia sẻ trước chuyến đi, ông tin rằng quần đảo Trường Sa đã bị bán và Ban Tổ chức sẽ đưa họ đến một nơi nào đó giả mạo địa danh này. Nhưng thật không ngờ, ông đã được đặt chân lên chính quần đảo thiêng liêng này chứ không phải đâu khác và ông biết rằng, những gì được truyền đạt trước đây về Trường Sa đều là thông tin bịa đặt của những người muốn bóp méo sự thật về Việt Nam. “Trước đây, tôi đã sai nhưng giờ tôi thay đổi. Tôi sẵn sàng đứng cùng hàng ngũ với các cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ biển trời quê hương tôi. Chính nghĩa lúc nào cũng là ngọn hải đăng soi đường”, ông David Nguyễn khẳng định.

Đến thời điểm này, sau 7 năm tổ chức đưa kiều bào ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, những luận điệu sai trái và thông tin xuyên tạc đã giảm đáng kể. Không chỉ những kiều bào yêu nước trở thành những sứ giả đắc lực tuyên truyền về Trường Sa mà ngay những người từng chống đối chế độ như ông David Nguyễn, bà Nguyệt Rạng... cũng đưa ra những thông tin khách quan, đúng sự thật về quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, sau những chuyến đi như thế, nhận thức của kiều bào đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đã thay đổi rõ rệt. Bà con ở nhiều nước đã thành lập các câu lạc bộ Trường Sa và hoạt động rất tích cực. Họ đã trở thành sứ giả tuyên truyền về chủ quyền biển đảo quê hương cho không chỉ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà cả bạn bè quốc tế. Rất nhiều kiều bào còn sưu tầm tư liệu cổ để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Từ các câu lạc bộ đó, các thành viên cũng kêu gọi những phong trào tiếp sức cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa trong công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Vững một niềm tin

Có lẽ ở bất cứ quốc gia nào, mẫu số chung với mọi người dân đều là lợi ích quốc gia và dân tộc. Việt Nam cũng vậy, lòng yêu nước đã là truyền thống quý báu từ ngàn đời nay. Vì thế, chủ quyền lãnh thổ luôn luôn chạm đến trái tim, tâm khảm của mọi người con đất Việt dù sống ở nơi đâu, ra đi ở bất kỳ hoàn cảnh nào và có thể còn những ý kiến khác biệt. Những năm qua, câu chuyện về quần đảo Trường Sa đã giúp kết nối kiều bào ta sống ở 109 quốc gia và lãnh thổ. Sinh sống, học tập và làm việc ở khắp các châu lục trên thế giới, nhưng họ đều có một nơi để hướng về, chung một ý chí, quyết tâm góp sức bảo vệ biển đảo thiêng liêng.

Có một điểm giống nhau trong các chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đó là, sau 10 ngày của hải trình, các thành viên trên tàu đều đã trở thành một gia đình. Ban ngày thăm các đảo, còn buổi tối, từng nhóm kiều bào các nước lại ngồi bàn luận với nhau phải làm gì để đưa thông tin đến với nhiều người hơn, làm thế nào để kết nối tạo nên khối sức mạnh đoàn kết góp phần giữ vững sự bình yên của biển đảo quê hương. Các kiều bào trong Đoàn công tác số 10 cũng vậy.

Ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Hà Thành tại Ba Lan chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động và tự hào vì các thế hệ người Việt đã dũng cảm đấu tranh và hy sinh anh dũng để giữ gìn từng tấc đất quê hương. Chúng tôi tin tưởng và nguyện sát cánh cùng các anh trong mọi tình huống để bảo vệ Tổ quốc thân yêu”.

Đêm chia tay Trường Sa, trên đảo, các chiến sĩ hát vang những giai điệu hào hùng của đất nước thay cho lời chào. Trên tàu, những người khách đến từ đất liền vỗ tay nghẹn ngào hát theo. Tiếng hát, tiếng sóng biển, tiếng hô vang “Trường Sa yêu kiều bào” và những lời đáp đong đầy nước mắt “kiều bào yêu Trường Sa” như hòa chung nhịp đập. Tình yêu biển đảo, tiếng gọi của Tổ quốc đã kết nối trái tim những người con mang trong mình dòng máu Việt, tạo thành nguồn sức mạnh vô song, một niềm tin son sắt nguyện bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Những chuyến tàu nhân lên tình đoàn kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.