Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm tự hào Chuyên Mỹ

Phạm Thị Dần| 15/06/2018 06:27

(HNM) - Khắp nơi trên đất nước ta, mỗi tên đất, tên làng, mỗi căn hầm… đều có thể từng là cơ sở, căn cứ cách mạng...

Căn hầm bí mật tại đây đã từng chở che, nuôi giấu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và một số lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ta trong những ngày kháng chiến… Để ghi dấu niềm tự hào này, người dân Chuyên Mỹ mong muốn sẽ sớm xây dựng tại đây một khu di tích lịch sử kháng chiến.

Cây lộc vừng và căn hầm lịch sử


Tính theo đường chim bay, xã Chuyên Mỹ chỉ cách khu du kích của tỉnh Hà Đông xưa có 3km. Tất cả mọi công văn, chỉ thị chiến đấu của tỉnh Hà Đông đều qua hòm thư bí mật được đặt ở khu vực 2 cây lộc vừng cứu quốc tại xã Chuyên Mỹ.

Địa điểm liên lạc khu vực 2 cây lộc vừng cứu quốc tại xã Chuyên Mỹ.


Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chia sẻ: “Tôi thường được liên lạc đưa từ Khu Cháy sang Phú Xuyên, nhưng nghỉ lại dưới hầm bí mật tại ngôi mộ Tổ ở Chuyên Mỹ. Đến cây lộc vừng, chúng tôi trao đổi mật khẩu và người liên lạc đưa tôi về hầm bí mật. Nhiều lần đi cùng tôi có cả các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Minh Châu và nhiều đồng chí khác nữa”.

Không chỉ là nơi chở che đồng chí Đỗ Mười, mảnh đất này, căn hầm được đặt trong lòng ngôi mộ Tổ của dòng họ Nguyễn Văn ấy cũng là cơ sở tin cậy nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao khác của nước ta nhằm xây dựng phong trào cách mạng cho cán bộ và nhân dân Chuyên Mỹ nói riêng, Huyện ủy Phú Xuyên nói chung cho đến ngày Phú Xuyên hoàn toàn giải phóng - ngày 30-7-1954.

Kỷ niệm 102 năm Ngày sinh nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, 64 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn huyện Phú Xuyên, chúng tôi cùng với đồng chí Phạm Văn Đại - Phó Chủ tịch xã Chuyên Mỹ và đồng chí Lâm Hữu Quyền, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Chuyên Mỹ đến thăm khu chứng tích lịch sử trên để cùng nhớ lại những năm chống Pháp oanh liệt gắn liền với nhiều kỷ niệm với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Tên cây, vùng đất đã gắn liền với tên đồng, tên đất, với cuộc kháng chiến chống Pháp anh dũng, trường kỳ và đầy gian khổ, ghi dấu bao sự kiện trọng đại của toàn Đảng, toàn dân Khu Cháy, Tỉnh ủy Hà Đông cùng Đảng bộ xã Chuyên Mỹ, Huyện ủy Phú Xuyên bám đất, bám làng đấu tranh bảo vệ khu du kích, bảo vệ quê hương cho đến ngày toàn thắng “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”...

Những trang sử hào hùng của địa phương còn ghi rõ: Sau thất bại nặng nề tại Việt Bắc, từ ngày 20-4-1950 giặc Pháp chia thành nhiều đợt tiến đánh Phú Xuyên. Xã Chuyên Mỹ lúc này có vị trí chiến lược thuộc vành đai bảo vệ Khu Cháy - an toàn khu của quân ta. Cơ quan lãnh đạo của tỉnh Hà Đông, của huyện Phú Xuyên và cán bộ nhiều xã xung quanh đều lấy Chuyên Mỹ làm điểm tập kết, điểm đi về qua lại Khu Cháy. Chuyên Mỹ trở thành đường dây liên lạc quan trọng của cuộc kháng chiến chống Pháp ở huyện Phú Xuyên với vùng tự do. Trong khi giặc càn quét săn lùng cán bộ kháng chiến, uy hiếp cách mạng thì đường dây liên lạc giữa Huyện ủy Phú Xuyên, xã Chuyên Mỹ với cấp trên luôn được giữ vững. Từ đó địa điểm liên lạc được mang tên Khu 2 cây lộc vừng cứu quốc.

Để bảo đảm an toàn cho căn hầm bí mật ở ngôi mộ Tổ của dòng họ Nguyễn Văn, xung quanh khu đất đó (gọi là đường Cổ Ngựa) được nhân dân đào nhiều hầm để ngụy trang, đánh lừa giặc. Căn hầm ở ngôi mộ Tổ trên được đào rất rộng, là nơi trú ẩn, hội họp của đồng chí Đỗ Mười với các đồng chí trong Huyện ủy Phú Xuyên và cán bộ xã Chuyên Mỹ. Để vào được căn hầm, đồng chí Đỗ Mười và cán bộ kháng chiến phải lặn sâu xuống nước rồi mới ngoi lên vào được cửa hầm… Tại đây có nhiều cuộc họp bí mật, triển khai chiến đấu, phát động quần chúng vùng dậy phá tề, mở khu du kích thành một vùng rộng lớn thuộc Nam Ứng Hòa - Trung Tây Phú Xuyên.

Suốt từ năm 1951-1954, khi có hòm thư bí mật chỉ đạo kháng chiến, có địa điểm họp bàn tác chiến tại Khu cây lộc vừng cứu quốc, cục diện đấu tranh ở Chuyên Mỹ và Phú Xuyên thay đổi rõ rệt. Giặc Pháp nuôi dã tâm: “Nếu không chiếm đóng được Chuyên Mỹ thì hủy diệt, biến Chuyên Mỹ thành vành đai trắng, cắt đứt liên lạc giữa vùng tạm chiếm với vùng tự do Khu Cháy”. Nhưng với lòng quyết tâm bám đất giữ làng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng được đưa ra từ địa điểm Khu 2 cây lộc vừng cứu quốc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Chuyên Mỹ, Phú Xuyên đã thực hiện đúng lời kêu gọi của Bác Hồ: “Kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh, vừa kháng chiến vừa kiến quốc”.

Mong sớm xây dựng khu di tích

Một trong những trận thắng lớn của du kích Chuyên Mỹ, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười và một số cán bộ lãnh đạo của Huyện ủy, Huyện đội Phú Xuyên vẫn là niềm tự hào cho đến tận hôm nay. Đó là ngày 7-9-1953, du kích Chuyên Mỹ đã tiêu diệt một đại đội địch, thu nhiều vũ khí, giết được hai tên sĩ quan Pháp. Hiện nay trong Bảo tàng Khu Cháy vẫn có một la bàn ghi địa điểm 2 cây lộc vừng cứu quốc...

Khi tôi cùng lãnh đạo xã Chuyên Mỹ lên mừng sinh nhật nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đồng chí bùi ngùi tâm sự: “Năm 1996, tôi về thăm Phú Xuyên và có trồng cây đa lưu niệm ở sân Huyện ủy Phú Xuyên. Vì thời gian gấp gáp tôi chưa về thăm được Chuyên Mỹ - nơi đã che chở tôi trong những năm chống Pháp hào hùng, gian khổ. Chưa về thăm được Chuyên Mỹ tôi vẫn thấy áy náy trong lòng”.

Ngày 26-11-2015, UBND TP Hà Nội ra quyết định công nhận Khu 2 cây lộc vừng cứu quốc và ngôi mộ Tổ dòng họ Nguyễn Văn là địa điểm lưu niệm sự kiện lịch sử cách mạng kháng chiến. Vì thế, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân xã Chuyên Mỹ cũng như toàn Đảng, toàn dân huyện Phú Xuyên mong muốn thành phố quy hoạch nơi đây thành công trình kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. UBND huyện Phú Xuyên, UBND xã Chuyên Mỹ đã lập kế hoạch, trình UBND huyện đề nghị quy hoạch xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trên tổng diện tích đất xây dựng là 8.000m2...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm tự hào Chuyên Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.