Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người thầy “Ba sẵn sàng”

Thống Nhất| 15/10/2018 06:10

(HNM) - “Anh thương binh”, “Thầy giáo một tay”, “Em Ngọc”, “Anh ba sẵn sàng”... là những cái tên trìu mến mà người dân thường gọi ông Trịnh Ngọc Trình, Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, một trong mười cá nhân vừa được UBND TP Hà Nội vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018.


Từ “em Ngọc” đến người khởi xướng “Ba sẵn sàng”

Trong căn phòng làm việc của Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi tại số 4 phố Trịnh Hoài Đức (Hà Nội), thầy giáo Trịnh Ngọc Trình, 85 tuổi lần giở hàng trăm bức ảnh, tư liệu, hiện vật một thời. Đôi mắt nhà giáo cao niên như nhòa đi. Từng dòng ký ức lại ùa về...

Thầy giáo Trịnh Ngọc Trình vẫn miệt mài làm việc.


Năm 1945, khi mới 11 tuổi, cậu bé Trịnh Ngọc Trình là đội viên tại Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 34 (Ninh Bình). Trong một lần được giao nhiệm vụ chuyển công văn hỏa tốc, cậu bị địch phát hiện, bắn nát cánh tay trái. Dù bị thương, Trịnh Ngọc Trình vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và trở về căn cứ với cánh tay trái sắp đứt lìa. Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã mổ, cắt bỏ cánh tay cho cậu bé liên lạc gan dạ và cũng là người đã viết truyện

“Em Ngọc” - tác phẩm được đưa vào sách tiếng Việt cấp tiểu học trong giai đoạn 1954-1975. Qua “Em Ngọc”, học sinh cả nước biết đến tấm gương gan dạ, quả cảm của cậu bé Trịnh Ngọc Trình. Nhiều địa phương đã lấy tấm gương người thiếu niên thương binh qua truyện “Em Ngọc” để khích lệ ý chí kiên cường, phát động phong trào thanh niên tòng quân ra trận đánh giặc cứu nước.

Khi lớn lên, dù làm việc ở bất kỳ cương vị nào, thầy giáo Trịnh Ngọc Trình vẫn luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng đối mặt với khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ năm 1950 đến năm 1952, chàng thanh niên Trịnh Ngọc Trình được cử đi học, sau đó xung phong đi dạy ở một số tỉnh miền núi Tây Bắc. Dấu ấn trong cuộc đời thầy giáo Trịnh Ngọc Trình là khi làm Bí thư đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Là thương binh và từng trải qua nhiều gian khổ ở vùng núi, thầy giáo Trịnh Ngọc Trình luôn được sinh viên yêu mến, tín nhiệm.

Những năm 60 của thế kỷ trước, khi cả nước sục sôi phong trào chống Mỹ cứu nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ “Nam, Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, Bí thư đoàn Trịnh Ngọc Trình đã có sáng kiến phát động phong trào “Tam bất kỳ”, tiền thân của phong trào “Ba sẵn sàng”. Chính thức được phát động vào tối 30-4-1964 tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) với sự tham gia của hơn 7 nghìn sinh viên và 3 nghìn cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” đã lan tỏa suốt nhiều năm sau không chỉ ở Hà Nội, ở miền Bắc mà còn thu hút thanh niên cả nước đồng lòng quyết tâm sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng hy sinh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Đảng, nhân dân yêu cầu mà không đòi hỏi đãi ngộ...

Ký ức của một thời trai trẻ hiện về với khí thế sục sôi và ý chí quyết tâm không quản ngại gian khó khiến đôi vai người giáo già rung lên vì xúc động. Ông bảo: “Hào khí ấy vẫn theo tôi đến tận bây giờ, dù ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần thấy điều gì có lợi cho đồng bào, điều gì khiến cho đồng bào được no ấm, hạnh phúc, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ”.

Thầy giáo của bản làng

Năm 1990, khi đã ở tuổi sắp nghỉ hưu, thầy giáo Trịnh Ngọc Trình lại bắt đầu một sự nghiệp mới. Với uy tín, sự hiểu biết và nhiệt huyết trong công việc, ông được phân công làm Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDO). Với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, chính quyền, nhân dân và sự tài trợ của nhiều tổ chức quốc tế, trong những năm qua, HEDO đã thực hiện khoảng 200 chương trình, dự án tại 43 tỉnh, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Cái tên "thầy giáo HEDO của bản làng" bắt nguồn từ những ngày tháng ông gắn bó với cộng đồng dân tộc ở miền núi, mong muốn đem đến cho họ tri thức để nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Để hỗ trợ đồng bào, HEDO đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó phải kể đến các dự án về xóa đói giảm nghèo, như: Mời các nhà khoa học về hướng dẫn bà con cách chăn nuôi, trồng trọt; chăm lo sức khỏe cộng đồng bằng việc đào tạo hàng nghìn cô đỡ thôn bản, huấn luyện cho các bác sĩ về phòng chống HIV/AIDS, xây dựng trạm xá chữa bệnh phong... Trong số các hoạt động của HEDO, giáo dục luôn là mảng có số lượng dự án nhiều nhất. Học bổng "Em Ngọc" đã được HEDO triển khai ngay từ những ngày đầu thành lập để hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó ở các trường học vùng khó khăn.

Nhờ có HEDO, số trường nội trú, bán trú, trường mẫu giáo, xưởng nghề, trung tâm xóa mù chữ, trung tâm dạy nghề, phòng thí nghiệm... tại các tỉnh miền núi được xây dựng ngày càng nhiều, kịp thời hỗ trợ cho việc dạy, học của thầy, trò khu vực miền núi. Cũng nhằm nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, HEDO đã dành nhiều công sức và kinh phí để đưa học sinh miền núi về học chuyên ngoại ngữ tại Hà Nội; hỗ trợ sinh viên miền núi theo học tại Trường Đại học Y tỉnh Thái Bình; mời giáo viên từ Anh, Đan Mạch... sang dạy tiếng Anh miễn phí cho cán bộ của 10 tỉnh miền núi...

Thầy giáo Trịnh Ngọc Trình chia sẻ, kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ông là được gặp Bác Hồ. "Đó là vào năm 1957, trong một lần về Hà Nội tham gia hội nghị giáo viên cốt cán miền Bắc, tôi cùng nhiều đồng nghiệp vinh dự được đón Bác tới thăm và nói chuyện. Chúng tôi đứng trong hội trường, ai cũng muốn được nhìn thấy Bác rõ nhất. Trong đám đông ấy, Bác nhận ra tôi bị mất một cánh tay và tiến lại gần, hỏi thăm. Sau đó, tôi được Bác vinh danh trước toàn thể hội trường vì ý chí và tinh thần vượt khó. Cả hội trường vỗ tay vang dội. Phút giây ngắn ngủi ấy, cảm xúc vinh dự, tự hào ấy là kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Sau này, khi đảm nhận bất kỳ nhiệm vụ nào, tôi luôn cảm thấy mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa, sao cho xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ và sự tin tưởng, yêu mến của đồng nghiệp, bạn bè”.

Cũng có lẽ bởi điều ấy mà đến bây giờ, khi đã 85 tuổi, mang bệnh trọng song tinh thần "Ba sẵn sàng" của thầy giáo Trịnh Ngọc Trình vẫn luôn tỏa sáng với mong ước mang đến cho đồng bào vùng núi những kiến thức, kỹ năng để họ sớm thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người thầy “Ba sẵn sàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.