Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi tiểu thương là một chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy

Tiến Thành| 26/10/2018 06:07

(HNM) - “Mỗi người kinh doanh là một chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy” là điều chúng tôi cảm nhận được khi đến một số chợ truyền thống tại nội thành Hà Nội.

“Phải tự bảo vệ mình trước”

Chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) là một trong những chợ lớn ở nội thành Hà Nội. Mặt hàng kinh doanh tại chợ chủ yếu là đồ gia dụng, vải vóc, quần áo… rất dễ cháy. Tuy nhiên, qua trò chuyện với các hộ kinh doanh, chúng tôi nhận thấy sự tự tin khi nhắc đến vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Ban Quản lý chợ Hôm - Đức Viên hướng dẫn hộ kinh doanh sử dụng bình chữa cháy.


“Ki ốt nào cũng trang bị bình chữa cháy, bất cứ ai trong chợ cũng có thể sử dụng thành thạo” - ông Vũ Văn Thành (49 tuổi, chủ ki ốt kinh doanh đồ sứ, thủy tinh) khẳng định. Ông cho biết, mỗi năm các hộ kinh doanh được tập huấn về phòng cháy, chữa cháy ít nhất 2 lần, từ đó nâng cao kỹ năng xử lý tình huống. Ngoài ra, để bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, ông Thành sắp xếp hàng hóa ngăn nắp. Bình chữa cháy được để ở nơi thuận tiện, không bị hàng hóa che lấp. Đồng thời, chủ ki ốt còn thay thế toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn led, vừa tiết kiệm điện, vừa không tỏa nhiệt để bảo đảm an toàn. “Tài sản, sinh mạng của chúng tôi nằm ở đây nên chính chúng tôi phải tự bảo vệ mình trước” - ông Thành chia sẻ.

Tại tầng 2 chợ Hôm - Đức Viên, qua trò chuyện với bà Nguyễn Thị Bích Hạnh (46 tuổi, chủ ki ốt kinh doanh vải), chúng tôi được biết, tất cả đường dây điện trong chợ và ki ốt đã được nẹp cách điện, có máng che tia lửa. Việc thắp hương, “đốt vía”, hút thuốc trong chợ cũng đã chấm dứt. “Phòng cháy, nổ là không thể chủ quan nên chúng tôi thực hiện rất nghiêm các quy định của Nhà nước và Ban Quản lý chợ đề ra” - bà Hạnh nói.

Tiếp tục tham quan chợ cùng ông Nguyễn Anh Quân, Phó ban Quản lý chợ Hôm - Đức Viên, chúng tôi được chứng kiến những nỗ lực của Ban Quản lý chợ trong lĩnh vực này. Hệ thống cảm biến báo cháy và hệ thống chữa cháy tự động đang được lắp đặt đến từng ki ốt. Bể nước chữa cháy cũng đang được thi công. Cùng với việc thành lập đội phòng cháy, chữa cháy chuyên trách, mỗi ngày đều đặn 2 lần, Ban Quản lý chợ lại tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh phòng chống cháy, nổ. “Chúng tôi nhận thức, công tác phòng cháy, chữa cháy là vấn đề sống còn đối với chợ. Trong đó, nâng cao ý thức cho các tiểu thương và người dân là ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an toàn” - ông Quân nói.

Đến chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chúng tôi gặp ông Nguyễn Thành Vân (56 tuổi, chủ ki ốt kinh doanh đồ gia dụng) đang kiểm tra lại bình chữa cháy. Bình chữa cháy dù còn khá mới, nhưng do sơ suất bị mất kẹp chì nên ông quyết định thay bình mới. Ông Vân cho biết, vì tính mạng, tài sản của mình nên các hộ kinh doanh trong chợ Nghĩa Tân luôn tuân thủ nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Trao đổi với ông Đỗ Việt Phương, Phó ban Quản lý chợ quận Cầu Giấy được biết, trong thời gian qua, ý thức của người kinh doanh trong các chợ trên địa bàn quận đã có chuyển biến tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề đặt ra. Một số chợ truyền thống đã được xây dựng, đưa vào sử dụng từ lâu, trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực nên chưa bảo đảm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy. “Chúng tôi đã trình UBND quận xin phê duyệt dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại các chợ trên địa bàn để đáp ứng các quy định của pháp luật. Dự kiến, năm 2019 sẽ triển khai dự án này” - ông Phương cho hay.

Nỗ lực từ cơ quan chức năng

Ý thức của các hộ kinh doanh trong các chợ được nâng cao cùng với sự vào cuộc xử lý mạnh mẽ từ cơ quan chức năng sẽ có tác dụng giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, để khắc phục tình trạng cơ sở vật chất các chợ trên địa bàn thành phố chưa bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, đề xuất danh mục dự án cải tạo, nâng cấp các chợ đã xuống cấp. Với những chợ có nguy cơ cháy cao, Sở đã yêu cầu các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ gấp rút khắc phục tồn tại. Đồng thời, Sở Công Thương cũng phối hợp với UBND các cấp chỉ đạo ban quản lý tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về phòng cháy, chữa cháy cho bà con tiểu thương và người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, 9 tháng năm 2018, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 6 vụ cháy chợ. Trong đó, vụ cháy tại chợ Quang (huyện Thanh Trì) ngày 31-3 và vụ cháy chợ Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) ngày 21-6 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Nguyên nhân của các vụ cháy này đều xuất phát từ sự bất cẩn, chủ quan của các hộ kinh doanh, ban quản lý trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt. Do vậy, việc chủ động phòng cháy là rất quan trọng. Hơn ai hết, mỗi người kinh doanh phải là một “chiến sĩ” phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở. Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở khắc phục tồn tại, thiếu sót, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm, đình chỉ hoạt động các chợ có nguy cơ cháy, nổ cao để bảo đảm an toàn.

Với những giải pháp quyết liệt của các cơ quan chức năng, cùng với sự tự giác nâng cao kiến thức, kỹ năng của người kinh doanh, đương nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chợ trên địa bàn Hà Nội sẽ ngày càng được nâng cao. Từ đó, sự cố cháy, nổ tại các chợ được hạn chế tối đa, khi thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán đang đến gần.

Từ giữa năm 2017 đến nay, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) đã kiểm tra 388 lượt cơ sở, qua đó phát hiện 824 tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 71 lượt cơ sở với số tiền hơn 184 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 7 chợ, tạm đình chỉ 4 chợ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi tiểu thương là một chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.