Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Nông thôn hóa thành thị?

LANHUONG| 31/03/2008 15:44

(HNMO) - Đây là một vấn đề tồn tại từ lâu mà các cấp chính quyền, các nhà quản lý cần thấy rõ để có biện pháp khắc phục những yếu kém trong quá trình quản lý Thủ đô từ nhiều năm qua và có thể còn yếu kém hơn nữa trong thời gian tới.

(HNMO) - Đây là một vấn đề tồn tại từ lâu mà các cấp chính quyền, các nhà quản lý cần thấy rõ để có biện pháp khắc phục những yếu kém trong quá trình quản lý Thủ đô từ nhiều năm qua và có thể còn yếu kém hơn nữa trong thời gian tới.

Ngày 27/3/2008, trong cuộc họp bất thường của HĐND TP Hà Nội thảo luận về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô bao trùm cả tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh - Vĩnh Yên và 4 xã thuộc Lương Sơn Hòa Bình, đại biểu Vũ Minh Tân đã phát biểu những ý kiến tỏ ra rất lo ngại diện mạo của Thủ đô ta sẽ biến thành một vùng nửa tỉnh nửa quê trong quá trình đô thị hóa sắp tới. Điều đó là hoàn toàn có lý, bởi vì hình ảnh đó đang lan tràn khắp thành phố Hà Nội hiện nay, hình ảnh đó đang xuất hiện ngày càng nhiều khắp tỉnh Hà Tây và sẽ trở thành hiện trạng hợp pháp, buộc chính quyền phải chấp nhận trong nay mai, khi đã làm xong thủ tục sát nhập cả tỉnh Hà Tây vào Hà Nội.

Xin phân tích vài sự kiện có thực xẩy ra trong một xóm nhỏ ở Làng Đại Yên, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, nội thành của Hà Nội cũ.

Đầu những năm 1980, khi mọi việc về nhà dân tự xây chưa được chấp nhận, Thuyền trưởng Nguyễn Hiếu, một “người hùng” lúc bấy giờ, đi đầu trong việc vào làng Đại Yên phường Ngọc Hà, quận Ba Đình mua đất làm nhà. Vì đã từng bôn ba hải ngoại và rất hiểu biết về cái đẹp trong kiến trúc, nên ông Hiếu đã nhờ một Kiến trúc sư có tên tuổi thiết kế giúp một ngôi nhà hai tầng khiêm tốn soi bóng bên hồ nước.

Ngôi nhà khá đẹp nhưng xuất hiện không đúng lúc đã bị kiểm tra gắt gao và đưa lên mặt báo với câu hỏi “Chủ nhân ngôi nhà này lấy tiền ở đâu ra để xa xỉ như thế?”. Ngôi nhà liền bị tịch thu dùng làm lớp mẫu giáo.

Câu chuyện trở thành giai thoại, nhiều người tò mò rủ nhau đi xem “nhà thuyền trưởng”.

Khoảng 5 năm sau, tình hình nhà tự xây đỡ gắt gao hơn. Một chuyên viên đối ngọai của Văn phòng Chính phủ mua một ngôi nhà cấp 4 trên 150m2 đất ở cách “nhà thuyền trưởng” chừng 50m. Ngôi nhà được mua của chính chủ, việc mua bán được chính quyền xác nhận là hợp pháp. Rút kinh nghiệm rủi ro của vụ “nhà thuyền trưởng”, người chủ mới của ngôi nhà cấp 4 này đã cho thiết kế rất cẩn thận và đi hỏi thủ tục xin giấy phép làm nhà.

Tại UBND quận Ba Đình, người thường trực Văn phòng Uỷ ban không nhận đơn và trả lời ông ta: “Anh quen lãnh đạo thành phố thì anh trực tiếp hỏi xem sao? Quy hoạch khu vực này chưa có, quận không được cấp phép đâu!”.

Lên đến thành phố, “khổ chủ” được ông Trương Tùng, Phó Chủ tịch UBND tiếp chuyện với thái độ rất thân tình: “Chỗ quen biết, tôi thành thật khuyên anh đừng làm nhà, khi nào Bảo tàng Hồ Chí Minh xây xong, khu làng xóm này sẽ phá hết để làm công viên, tôi là Trưởng ban giải tỏa khu vực này. Nhà của anh mua bán hợp pháp, anh sẽ được đền bù thỏa đáng. Nếu anh tự xây nhà mới lên, anh sẽ không được đền bù đâu”.

Khổ chủ trả lời: “Cám ơn anh, không được đền bù tôi cũng đành chịu, chật chội quá nên tôi phải xây liều để ở tạm vậy”.

“Tùy anh”.

Ông cán bộ đối ngoại xây ngôi nhà tầng rưỡi không phép, cao chưa đến 6m, tiêu mất 8 cây vàng (25 triệu lúc đó). Nhà nhỏ, vườn nhỏ nhưng có thảm cỏ nhung, có bể cảnh trồng hoa súng.

Ngôi nhà xây xong, gây xôn xao trong giới làm đối ngoại, một nhóm cán bộ ngọai giao trẻ ở Bộ ngoại giao thấy “đại ca” xây nhà, họ liền bắt chước. Họ rủ nhau mua mấy sào vườn Hồng trong một ngõ hẻm gần đó, thuê Kiến trúc sư đến thiết kế một quần thể 7, 8 ngôi biệt thự vây quanh một vườn hoa chung ở giữa làm sân chơi cho trẻ nhỏ. Họ đã được đi nhiều nước trên thế giới, họ có ít tiền giành dụm được, nên cùng xin nhập cư vào làng cổ danh tiếng của Thủ đô, để tạo cho gia đình mình một chỗ ở thỏa đáng, ấm cúng, đồng thời muốn mang đến cho làng hoa cổ truyền này một chút hương vị lối sống văn minh Châu Âu.

Hai mươi năm trôi qua, điều gì đã xẩy ra?

Dự án xây công viên không hề được nhắc tới sau khi ông Trương Tùng đi làm Đại sứ rồi về hưu, nhưng những người kế nhiệm ông cũng quên hẳn vùng đất này. Ba làng cổ Đại Yên, Hữu Tiệp, Ngọc Hà, trở thành vùng đất bỏ ngỏ trong xây dựng.

Danh nghĩa làng hoa hoàn toàn bị xóa sổ. Vì là vùng đất gần khu trung tâm Ba Đình, dân trí tương đối cao so với mọi làng quê, nên rất nhiều người đến đây mua đất làm nhà. Dân chính gốc người làng cũng bán đất có tiền rồi đua nhau tự thiết kế tự xây nhà. Hình như người ta nghĩ ở trong ngôi nhà thấp tầng, có khoảng sân nho nhỏ phía trước là tầm thường, là hèn kém hay sao mà người ta cố tình xây hết đất, xây thật cao thật to cho thỏa chí?

Câu thơ “Hoa Ngọc Hà nở rộ hương bay xa” của Tố Hữu khi xưa không còn ai biết đến nữa. Bây giờ là một rừng bê tông nham nhở mất trật tự. Hệ thống đường xá cống rãnh hoàn toàn không được đầu tư. Ao hồ bị lấp hết nên chưa mưa nước đã ngập. Đây không phải là nông thôn hóa thành thị, mà là đầm lầy hóa nông thôn.

Ngôi “nhà thuyền trưởng” hai tầng soi bóng hồ nước khi xưa đã bị đập đi, hồ trồng súng cũng bị lấp đi, thay vào đó là một ngôi nhà cao vật vưỡng, không biết do ai xây và dùng để làm gì?

Ngôi nhà tầng rưỡi xinh xắn của anh chuyên viên đối ngọai Văn phòng Chính phủ hồi xưa vẫn còn đó, nhưng chủ nó về hưu rồi nên nó cũng về hưu luôn. Bây giờ trông nó nhỏ nhoi đứng khép nép bên cạnh bao nhiêu ngôi nhà cao to đang biểu dương khí thế, thật tội nghiệp!

Xóm nhà của mấy anh cán bộ ngọai giao còn tội nghiệp hơn: Lối đi vào nhóm nhà này khi xưa tuy chật hẹp, nhưng men theo các vườn cây, nên vẫn rất thoáng đãng và lúc đó người ta còn hy vọng sẽ đến lúc được mở đường. Hôm nay đã khác hẳn, người ta đã làm nhà kín hết hai bên lối đi, người ta còn tranh thủ lấn ra lối đi vài chục phân đất để cho nhà mình rộng thêm, thành ra lúc này 2 chiếc xe máy không tránh nhau được nữa. Bảy tám gia đình khi xưa rủ nhau vào ở trong đó, nhiều người nay đã là Đại sứ của nước này nước khác. Ai đủ điều kiện thì bỏ đi, ai bí quá thì đành ở lại.

Đó là bức tranh toàn cảnh ở một xóm nhỏ thuộc phường Ngọc Hà. Nhưng không cá biệt chút nào, bức tranh đó còn được vẽ lại nhức mắt hơn nhiều ở tất cả các làng nội đô và ven đô,như làng Bưởi, Liễu Giai, Tương Mai, Hoàng Mai cho đến Mỹ Đình, Trung Hòa, Nhân Chính, Trung Kính… Nếu lúc xưa ở phường Ngọc Hà bị buông lỏng hoàn toàn, hôm nay còn tệ hại hơn là nơi đẹp nhất hoặc những thửa ruộng vuông vắn nhất đều được dùng cho khu đô thị mới hoặc khu giãn dân. Riêng những mẩu đất đầu thừa đuôi thẹo, người ta để cho dân tự xây dựng những cái chuồng chim cu hoặc những cái hộp diêm cho mình.

Phần trên đây mới chỉ nói đến bộ mặt kiến trúc và hạ tầng đô thị, giao thông, cống rãnh… nhưng cũng đáng để cho các nhà quy hoạch, quản lý suy ngẫm…

Trần Thanh Vân(KTS cảnh quan)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nông thôn hóa thành thị?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.