Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao thông tĩnh cho Hà Nội: Loay hoay bài toán quy hoạch

Tuấn Lương| 04/05/2010 06:41

(HNM) - Giao thông tĩnh từ lâu đã trở thành vấn đề trầm trọng trong quá trình đô thị hóa của các tỉnh, TP lớn, trong đó có Hà Nội. Đến thời điểm này, toàn thành phố có trên 300.000 ô tô các loại và trên 3,6 triệu xe máy, chưa kể xe của các đơn vị công an, quân đội và xe ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn.

Trong khi đó, quỹ đất dành cho các bãi, điểm đỗ xe công cộng chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu. Trước tình hình đó, các cơ quan liên quan đang tập trung hoàn thành bản "Đề án nghiên cứu sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020" để báo cáo Thường trực Thành ủy trong tháng 5-2010 này. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bản Đề án khá quy mô này vẫn còn nhiều điểm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đang rất "nóng" ngay trong vài năm tới.

Một bãi đỗ xe tại Khu đô thị Mỹ Đình. Ảnh: Bảo Lâm

Hệ thống giao thông thiếu và yếu

Đó là đánh giá của các chuyên gia Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), đơn vị được UBND TP Hà Nội mời tư vấn để xây dựng Đề án nghiên cứu, sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP đến năm 2010. Đại diện Viện này đưa ra những con số thống kê rất đáng lưu ý. Cụ thể, với tốc độ gia tăng phương tiện theo cấp số nhân như hiện nay, nội thành Hà Nội đang rơi vào tình trạng thiếu điểm đỗ xe trầm trọng. Thống kê tại 10 quận nội thành chỉ có 548 điểm, bãi đỗ ô tô được cấp phép, trong đó quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình có mật độ điểm đỗ cao nhất. Do quá thiếu điểm đỗ nên tình trạng xe ô tô đỗ dừng bừa bãi gây ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, khu vực 10 quận nội thành nhu cầu điểm đỗ xe rất cao nhưng khả năng đáp ứng rất thấp nên xuất hiện các điểm đỗ xe không phép bên cạnh những điểm có phép. Hiện hệ thống bãi đỗ xe công cộng của thành phố mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu điểm đỗ trên tổng số phương tiện hiện có. Số phương tiện còn lại đỗ ở bãi xe chung cư, khu đô thị, cơ quan, công sở, nhà riêng. Đặc biệt có tới 12% đỗ trên lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường.

Cần tiếp tục hoàn thiện đề án

Sau nhiều lần chỉnh sửa, bản đề án này đã được Viện Chiến lược và phát triển GTVT báo cáo lãnh đạo UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan ngày 28-4 vừa qua. Tại đề án, đơn vị tư vấn đưa ra dự báo lượt phương tiện sử dụng hệ thống giao thông tĩnh cũng như quỹ đất cần dành cho giao thông tĩnh của từng quận, huyện. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đưa ra nhiều giải pháp sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe như quỹ đất và các loại hình đỗ xe khu hạn chế phát triển, khu mở rộng phát triển, khu vực xây mới cũng như quỹ đất và loại hình đỗ xe cho các huyện ngoại thành. Trong đó tập trung phát triển hệ thống đỗ xe từ đường Vành đai 2 trở vào trung tâm thành phố cũng như cơ chế chính sách để phát triển bến bãi đỗ xe... Điểm nổi bật của đề án là xây dựng mạng lưới điểm đỗ xe công cộng thông minh, kết nối trực tiếp với các dự án giao thông, quy hoạch chung của TP. Đối với loại hình đỗ xe công cộng trong khu vực hạn chế phát triển sẽ áp dụng mô hình điểm đỗ xe nhiều tầng và sàn đỗ xe kiểu cơ giới hóa (dùng thang máy). Trong điều kiện quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn hạn hẹp, số lượng phương tiện lớn, Hà Nội có thể thí điểm áp dụng mô hình điểm đỗ xe thông minh nêu trên. Đây là mô hình đang được vận hành phổ biến ở nhiều quốc gia, vì vừa tiện lợi, tiết kiệm chi phí xây dựng, đất đai, vừa chứa được số lượng xe lớn hơn rất nhiều so với điểm đỗ truyền thống. Tại các khu vực mở rộng phát triển có thể xây dựng điểm đỗ xe trên tuyến, đường nội đô và điểm đỗ xe ngầm.

Đại diện Phòng CSGT-CA TP Hà Nội cho rằng, đề án này mới chỉ hướng tới các mục tiêu dài hơi, cho giai đoạn 2015-2020, trong khi đó, giai đoạn trước mắt lại chưa có giải pháp cụ thể. Do đó, cần phải tập trung đưa ra giải pháp sắp xếp các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trong nội thành ở giai đoạn trước mắt là đến năm 2012. Sau đó mới đề cập đến giai đoạn 2015, 2020. Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nhấn mạnh: Đề án cần khớp nối với Quy hoạch phát triển chung Hà Nội giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050 đang được xây dựng. Nhu cầu thiếu điểm đỗ xe, bãi đỗ xe hiện bức bối nhất ở khu vực phố cổ, phố cũ, đề án cần xác định rõ nhu cầu đỗ trong giờ cao điểm để có giải pháp phù hợp…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, trong tháng 5-2010, đề án sẽ được báo cáo Thường trực Thành ủy. Tuy nhiên, đề án này vẫn còn nhiều điểm bất cập, cần tiếp tục chỉnh sửa. Đề án phải tính toán giải pháp trước mắt có ngay các điểm đỗ xe trong 1 đến 2 năm tới để hạn chế ùn tắc giao thông. Với cách tính lưu lượng xe đỗ trong nội thành suốt 24 giờ trong ngày là chưa hợp lý, phải tính rõ vào giờ cao điểm nhu cầu đỗ xe là bao nhiêu, cần bao nhiêu diện tích đỗ. Đối với bến bãi hiện có thì sắp xếp như thế nào, có tăng sức chứa hay không và tăng thì áp dụng biện pháp nào, bãi xe ngầm hay trên cao. TP đồng ý cho đỗ xe tạm trên các tuyến phố, nhưng tuyến nào được đỗ, tuyến nào không, tư vấn chưa chỉ được ra. Đặc biệt, phải nêu được các dự án cần ưu tiên xây dựng để giải quyết nhu cầu đỗ xe. Chủ trương của TP là hạn chế đỗ xe từ đường Vành đai 2 trở vào trung tâm, do đó, tư vấn cần nghiên cứu thời gian đỗ, tránh tình trạng trong nội đô xe đỗ cả ngày đêm chiếm hết các bãi đỗ, trong khi xe có nhu cầu đỗ trong thời gian ngắn lại không có chỗ. Trong thời gian tới, TP sẽ cấm xe tải hoạt động ban ngày, chỉ được hoạt động vào ban đêm, do đó xe tải không được đỗ xe từ đường Vành đai 3 trở vào mà dành diện tích này cho các loại xe khác...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giao thông tĩnh cho Hà Nội: Loay hoay bài toán quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.