Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm

Tuấn Lương| 10/02/2012 07:13

(HNM) - Dự án xây dựng đường Vành đai I đoạn tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có vai trò quan trọng nhằm giải quyết ách tắc giao thông, tạo bộ mặt đô thị, cải thiện điều kiện KT-XH. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ GPMB dự án rất chậm.


Nguyên nhân vẫn chủ yếu là do người dân trong diện di dời không đồng thuận về giá đền bù, chính sách tái định cư (TĐC)... Trong khi đó, chính quyền địa phương tiếp tục loay hoay trong việc xác định nguồn gốc đất. Ngày 9-2, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, chủ đầu tư và chính quyền địa phương để bàn phương án tháo gỡ.

Một đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã được giải phóng mặt bằng. Ảnh: Thái Hà


Ách tắc trong công tác GPMB là nội dung UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền địa phương tập trung mổ xẻ. Ông Trương Đình Đức-Trưởng ban bồi thường GPMB quận Đống Đa cho biết: Toàn tuyến có 450 hộ dân và 5 cơ quan trong diện phải di dời. Đến nay, UBND quận Đống Đa đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho 155 hộ dân và 2 cơ quan. 70 hồ sơ khác dự kiến sẽ được quận thông qua trong tháng 2-2012. Tiến độ chậm chủ yếu là do khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất.

Cũng theo ông Trương Đình Đức, trong quá trình triển khai công tác GPMB đã bộc lộ một số vướng mắc. Cụ thể: việc tăng giá đất hằng năm không tỷ lệ thuận với việc tăng giá nhà TĐC khiến người dân so sánh về chính sách đền bù. Cùng là dự án đường Vành đai I nhưng tại tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa, 1m2 đất Nhà nước đền bù mua được 3m2 nhà TĐC. Trong khi tại đoạn tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, 1m2 đất đền bù không mua được 2m2 nhà TĐC. Bên cạnh đó, cơ cấu căn hộ TĐC phục vụ dự án (bố trí tại nhà B10A và A6C Khu đô thị Nam Trung Yên - quận Cầu Giấy) diện tích nhỏ nhất là 36,93m2 (gồm 1 phòng ngủ, phòng bếp hành lang và khu phụ), rất khó khăn cho sinh hoạt của một gia đình. Trong khi đó, cơ cấu căn hộ TĐC tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa có diện tích nhỏ nhất là 56m2. Do đó, quận đề nghị UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng xem xét bố trí nhà TĐC có diện tích lớn hơn để tạo sự đồng thuận của người dân...

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Việt Trung bức xúc: Quận đã bố trí lực lượng đầy đủ để phục vụ tuyến đường Vành đai I, trong khi đó, lực lượng của chủ đầu tư (Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội - MPMU) quá mỏng. Trong thời gian dài, MPMU chỉ bố trí 10 cán bộ tham gia công tác GPMB nên ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án. Mãi đến đầu năm 2012, MPMU mới cử 24 cán bộ tham gia. Bộ máy mới chưa thực sự bám sát cơ sở, không phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền. Như vậy sẽ rất khó đẩy nhanh tiến độ. MPMU phải nhìn nhận nghiêm túc và thay đổi cung cách làm việc.

Ở cấp phường, nơi sát dân nhất, ông Nguyễn Huy Hài - Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa băn khoăn: Xác định hồ sơ, nguồn gốc đất tại đây rất khó khăn. Phần lớn hộ dân trong phạm vi dự án không có bất cứ một loại giấy tờ nào phục vụ cho việc xác định nguồn gốc đất. Nếu không có hướng dẫn cụ thể, phường không thể triển khai. Vì vậy, phường kiến nghị nên để lại các hộ trong diện này vào đợt cuối cùng để báo cáo quận và TP phê duyệt. Ông Hài nhấn mạnh: Trong số 155 hồ sơ đã được quận phê duyệt phương án, mới có khoảng 40 hộ nhận tiền vì đây là các hộ diện cắt xén (sau mở đường sẽ ra mặt đường). 116 hộ khác không nhận tiền vì cho rằng giá đền bù thấp, trong khi diện tích nhà TĐC tại đô thị Nam Trung Yên quá nhỏ, chỉ phù hợp với một gia đình gồm 2 vợ chồng và 1 con. Trong khi đó, nhiều gia đình 7-8 người, gồm 3 thế hệ. Đây là một bất cập. Nhiều người dân bày tỏ nếu được đóng thêm tiền để mua căn hộ to hơn sẽ sẵn sàng nhận tiền và di chuyển, bàn giao mặt bằng. Phường kiến nghị thành phố có phương án thu hồi đất hợp lý, tránh trường hợp hình thành các nhà siêu mỏng, siêu méo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng khi làm đường mới, phải công bố "cốt" đường để cho người dân biết mà xây dựng nhà ở, tránh tình trạng sau này đường cao nhà thấp. Không có "cốt" đường chuẩn sẽ đẩy khó cho chính quyền địa phương sau này.

Nhằm giúp chính quyền địa phương và chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng ban bồi thường GPMB TP Hà Nội nêu ý kiến: Khi xác định nguồn gốc đất, chính quyền địa phương xem xét sử dụng mọi loại giấy tờ mà người dân có được. Thậm chí cả giấy phạt vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng cũng có thể được xem là căn cứ để phê duyệt hồ sơ. Trong trường hợp không có bất kỳ loại giấy tờ nào thì có thể vận dụng luật theo hướng có lợi nhất cho dân. Đó là tổ chức hội nghị tư vấn với sự tham gia của đại diện Mặt trận Tổ quốc phường, những người cao tuổi, hàng xóm trong khu dân cư nhằm xác định nguồn gốc đất, thời gian ăn ở ổn định. Từ đó làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường, GPMB. Về vấn đề căn hộ TĐC nhỏ, cơ cấu bất hợp lý, thành phố sẽ có phương án xử lý theo hướng có lợi cho dân.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo - Giám đốc MPMU cho biết: Đến thời điểm này, công tác thi công ngoài hiện trường mới hoàn thành được 80m trong số 480m đầu tuyến khu vực Hoàng Cầu. Chủ đầu tư cùng UBND quận Đống Đa đề nghị UBND TP Hà Nội và các sở, ngành sớm có các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là với các vướng mắc cụ thể về giá đền bù, quỹ nhà TĐC... Trong thời gian tới, MPMU sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của thành phố và các cấp chính quyền địa phương để cơ bản hoàn tất công tác GPMB trong tháng 6-2012 phục vụ thi công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.