Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch lại hệ thống đê điều Hà Nội: Bảo đảm phục vụ đa mục tiêu

Chí Kiên| 03/06/2013 06:30

(HNM) - Theo đánh giá của cơ quan quản lý về đê điều, các tuyến đê của Hà Nội hiện đủ cao trình để chống lũ nhưng trong nhiều năm qua, hầu hết các tuyến đê chưa có cơ hội để

Đáng lo ngại hơn là nền của các tuyến đê hiện rất phức tạp, nhiều đoạn địa chất xấu, đầm, hồ ao ven đê nhiều, trong mùa lũ thường xuất hiện mạch sủi, giếng sủi, gây ra ẩn họa rất khó lường. Trong nhiệm vụ quy hoạch lại hệ thống đê điều của Hà Nội, UBND thành phố đã chỉ đạo cần khắc phục được những yếu kém này, đồng thời bảo đảm phục vụ đa mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Nhiều năm chưa được "thử thách"


Hà Nội hiện có 20 tuyến đê chính dài khoảng 470km, trong đó có hơn 37km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt, 211,5km đê cấp I; 67,4km đê cấp II, còn lại là đê cấp III và cấp IV. Ngoài ra, Hà Nội còn có 25 tuyến đê bối dài 82,5km. Theo Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, cả hệ thống đê chống lũ thường xuyên và hệ thống đê phân lũ đều đáp ứng đủ khả năng chống lũ theo thiết kế hoặc vượt mức thiết kế. Tuy nhiên, do nhiều năm chưa chống chịu với bão lũ lớn nên ở nhiều đoạn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sự cố khi có báo động lũ. Theo số liệu theo dõi của cơ quan quản lý đê điều, khoảng 5 năm trở lại đây, tại các tuyến đê chống lũ thường xuyên của Hà Nội như tả - hữu Hồng, tả - hữu Đuống, hữu Đà, hữu Cầu… mực nước đều dưới báo động I; những tuyến khác, đặc biệt là hệ thống đê phân lũ như đê sông Đáy đã 41 năm (từ năm 1971 đến nay) chưa có lũ.

Dự án nâng cấp, cải tạo mặt đê kết hợp với giao thông hữu Hồng qua huyện Phúc Thọ.
 Ảnh: Đỗ Chí



Về hiện trạng, đối với đê chống lũ thường xuyên (từ cấp đặc biệt đến cấp III), gồm 9 tuyến đê là hữu Đà, tả - hữu Hồng, tả - hữu Đuống, tả - hữu Cà Lồ, hữu Cầu, đê Vân Cốc với tổng chiều dài hơn 272km, tuy bảo đảm chống chọi được với mực nước lũ thiết kế nhưng nhiều đoạn nằm trên vùng đất có địa chất xấu, chỉ cần báo động số II trở lên là đã xảy ra sự cố mạch đùn, mạch sủi, có nhiều điểm xung yếu rất có thể gây ra sự cố lở, sạt, trượt. Với 5 tuyến đê phân lũ là tả - hữu Đáy, Ngọc Tảo, La Thạch, Tiên Tân tổng chiều dài trên 126km, mặt đê rộng trung bình từ 5m đến 7m, đã gia cố được hơn 100km, song đều là đê khô, thân đê có nhiều ẩn họa như hang cầy, tổ mối, tổ chuột. Đáng lo ngại là đã xuất hiện hiện tượng thẩm lậu, thấm mái đê làm cho đê yếu khó chống đỡ khi lũ lớn. Thêm nữa, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt dù đã cơ bản được cứng hóa nhưng do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, mặt đê trở thành huyết mạch giao thông, số lượng xe vận tải lớn chở vật liệu xây dựng, gạch ngói, cát, làm hư hỏng mặt đê, gây nứt thân đê rất dễ xảy ra sự cố nguy hiểm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội Đỗ Đức Thịnh, địa chất nền của các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội rất phức tạp, nhiều đoạn đê có địa chất xấu như khu vực Ba Vì, Phú Xuyên, Mê Linh, Gia Lâm... Cá biệt, một số nơi xuất hiện cả "tập đoàn" mạch sủi như khu vực Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ. Bên cạnh đó, hiện tượng sạt lở đê cũng thường xuyên xảy ra, ngay cả trong mùa khô. Tính riêng năm 2012, tuy không có báo động lũ lớn nhưng đã xảy ra 28 sự cố sạt lở bờ, mái đê, bờ sông.

Quy hoạch đê điều phải bảo đảm đa mục tiêu

Để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, trong những năm qua, Hà Nội đã tập trung đầu tư tu bổ đê, kè chống sạt lở, cứng hóa mặt đê, làm đường hành lang chân đê, trồng tre chắn sóng... Hiện các tuyến đê từ cấp IV đến cấp đặc biệt cơ bản đã được cứng hóa. Đặc biệt, thành phố đang chỉ đạo triển khai dự án cải tạo, nâng cấp mặt đê hữu Hồng đoạn từ K0+000 (cầu Trung Hà, huyện Ba Vì) đến K117+850 (huyện Phú Xuyên) kết hợp làm đường đi, dài hơn 60km, tổng kinh phí khoảng 16.000 tỷ đồng; đã xây dựng khoảng 260km đường hành lang chân đê; lắp đặt gần 300 giếng giảm áp; xây dựng hơn 120 kè hộ bờ dài khoảng 150km.

Về lâu dài, UBND thành phố đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống lụt bão là ưu tiên các nguồn lực để quy hoạch lại hệ thống đê điều, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trước lũ bão ngày càng phức tạp và khó lường. UBND TP Hà Nội đã giao Sở NN&PTNT lập quy hoạch đê điều trên địa bàn TP Hà Nội (khi được thông qua sẽ chính thức thay thế dự án Quy hoạch hệ thống đê điều các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Tích, sông Bùi, sông Mỹ Hà tại Quyết định 136/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội). Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt, vấn đề quan trọng nhất là quy hoạch phải hướng đến bảo đảm an toàn phòng, chống lũ thiết kế cho từng tuyến sông theo quy hoạch phòng chống lũ đã được phê duyệt; phục vụ đa mục tiêu bao gồm phòng chống lũ kết hợp làm giao thông và chỉnh trang cảnh quan đô thị; phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của thành phố... bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống đê và tính kế thừa của quy hoạch đê điều cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch lại hệ thống đê điều Hà Nội: Bảo đảm phục vụ đa mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.