Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đội vốn hàng trăm tỷ đồng vì dự án chậm tiến độ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Gia Bảo| 21/08/2013 06:56

(HNM) - TP Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án (DA) giao thông trọng điểm sớm đưa vào vận hành, khai thác, tạo sự đồng bộ cho hệ thống hạ tầng. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều DA vẫn đang bị chậm khiến cho mức đầu tư đội lên.

Dự án tỉnh lộ 10 bị đội vốn hàng trăm tỷ đồng do chậm tiến độ.



Điển hình là dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội (XLHN) được khởi công đầu năm 2010, dự kiến hoàn thành trong 2 năm thế nhưng đến giờ vẫn "tắc" bởi một khúc đường 3km nằm trên địa phận quận Thủ Đức, quận 9 và tỉnh Bình Dương. Ông Dương Quang Châu, Giám đốc đầu tư Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII, đơn vị thi công) khẳng định, CII sẽ thực hiện đúng tiến độ nếu có mặt bằng "sạch", nhưng 3km đường trên hiện vẫn chưa có mặt bằng. Lý giải nguyên nhân, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2 - Sở GTVT) Vũ Kiến Thiết cho biết, Khu 2 là chủ đầu tư giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc đoạn nói trên. Do số tiền đền bù GPMB đoạn 3km nêu trên lên tới 1.000 tỷ đồng, vượt quá khả năng chi trả của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương nên hai địa phương này đang chủ trương xin Chính phủ hỗ trợ vốn để trả tiền đền bù, đồng nghĩa với việc nhà thầu thi công vẫn cứ "dài cổ" chờ ngày thi công.

Tương tự, DA nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch có chiều dài gần 6km (đi qua quận Gò Vấp và Tân Bình) đáng lẽ phải xong từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. DA mới chỉ làm xong 3 trong tổng số 5 gói thầu. Hai gói thầu còn lại thuộc đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Huỳnh Văn Nghệ dài 2km chưa thi công do vướng mặt bằng. Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1 - chủ đầu tư) cho biết, hai gói thầu bị trục trặc về mặt pháp lý dẫn tới khó khăn trong giải tỏa đền bù cho 695 hộ dân. Điều đáng nói, DA đã chậm thời gian quá dài nên đội vốn lên gấp hơn 2 lần. Cụ thể, thành phố vừa điều chỉnh tăng vốn đầu tư DA từ hơn 270 tỷ (ban đầu) lên hơn 680 tỷ đồng. Trong đó, tiền đền bù giải tỏa tăng chóng mặt, từ hơn 195 tỷ lên hơn 460 tỷ đồng. "Ban bồi thường GPMB quận hứa cuối năm nay sẽ bàn giao mặt bằng "sạch", tuy nhiên không biết có đúng hẹn hay không", ông Thắng trăn trở.

DA đội vốn gây thất thoát ngân sách điển hình nữa là tỉnh lộ 10, một công trình giao thông trọng điểm nối TP Hồ Chí Minh với Long An. DA do hai chủ đầu tư gồm: DA 10A dài hơn 8km do Khu 4 làm chủ đầu tư và DA 10B dài 6km do Khu 1 làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, DA 10A sẽ hoàn thành cuối năm 2009, còn DA 10B phải xong đầu năm 2010. Tuy nhiên, đến giờ này DA 10B chỉ có 4 trong tổng số 8 gói thầu làm xong, còn lại dở dang do vướng mặt bằng. Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu 1 cho biết, vừa qua thành phố đã phải điều chỉnh vốn đầu tư DA 10B từ hơn 346 tỷ lên gần 552 tỷ đồng, tức đội lên hơn 200 tỷ đồng. Cùng chung tình cảnh, DA 10A cũng đang ngổn ngang và theo Ban quản lý Khu 4 phải đến quý III-2014 mới có thể hoàn thành, bởi chính quyền địa phương bàn giao mặt bằng chậm gần 2 tháng. Cũng bởi nguyên nhân này dẫn tới tổng mức đầu tư DA 10A từ hơn 770 tỷ ban đầu nay đã đội lên gần 1.000 tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra, các dự án chậm tiến độ gây thất thoát ngân sách không nhỏ, nhưng khi đề cập đến trách nhiệm người liên quan thì chưa thấy công bố. Được biết thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ có nhiều cuộc họp đưa ra những giải pháp quyết liệt về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đội vốn hàng trăm tỷ đồng vì dự án chậm tiến độ: Trách nhiệm thuộc về ai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.