Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thiết và đúng quy hoạch

Tuấn Lương| 15/02/2014 06:37

(HNM) - Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý khi đề cập việc TP Hà Nội có chủ trương xây hầm đường bộ từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ.


Xây hầm đường bộ từ phố Trần Nguyên Hãn sang Chương Dương Độ sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng quá tải giao thông.Ảnh: Như Ý


Đáp ứng nhiều yêu cầu

Tuyến đường từ cầu Chương Dương đến Bến xe Lương Yên có hàng loạt cửa khẩu phục vụ việc đi lại của người dân như cửa khẩu Yên Phụ, Hàm Tử Quan, Chương Dương Độ, Vạn Kiếp… nhưng tất cả đều
là giao cắt đồng mức. Hằng ngày, lượng người từ khu vực ngoài đê vào trung tâm thành phố rất cao (khoảng 25 vạn người) nên tại các cửa khẩu thường xảy ra ùn tắc giao thông. Các điểm giao cắt cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, người dân Thủ đô nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng rất mong có một cầu vượt qua đường Trần Nhật Duật và đường Trần Quang Khải để thuận lợi cho việc đi lại. Gần đây nhất (tháng 12-2012), trong lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, nguyện vọng này lại một lần nữa được các cử tri đề đạt. Lắng nghe ý kiến và tâm tư của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội, và các sở, ngành liên quan phải nghiên cứu triển khai sớm. Từ chỉ đạo này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu lập dự án trong năm 2013 để UBND thành phố phê duyệt và triển khai trong năm 2014.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương này, Sở GTVT đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức khảo sát, từ đó đi đến thống nhất trình UBND thành phố xin chấp thuận chủ trương cho phép lập và thực hiện dự án cầu vượt nhẹ kết cấu thép có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (bắc qua đường Trần Quang Khải) và dự án xây dựng cầu vượt cho người đi bộ qua đường Trần Nhật Duật (trước cửa Trường Tiểu học Trần Nhật Duật). Trong 2 dự án này, dự án cầu đi bộ qua đường Trần Nhật Duật đã được thành phố phê duyệt và đang chuẩn bị khởi công. Dự án cầu vượt nhẹ kết cấu thép qua đường Trần Quang Khải do không khả thi nên Sở GTVT và các đơn vị tư vấn đã chuyển sang nghiên cứu phương án làm hầm đường bộ.

Tại sao hầm đường bộ khả thi hơn?

Ngay khi UBND TP Hà Nội đưa ra phương án hầm đường bộ, đã có nhiều ý kiến thắc mắc sao không lựa chọn xây cầu vượt để tiết kiệm chi phí; việc làm hầm đường bộ liệu có ảnh hưởng đến đê sông Hồng… Trao đổi với phóng viên của Báo Hànộimới, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định các phương án đều đã được Sở và đơn vị tư vấn nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Trong nhiều vị trí được khảo sát, địa điểm từ phố Trần Nguyên Hãn sang Chương Dương Độ là phù hợp nhất để triển khai dự án. Riêng cầu vượt cũng đã có 3 phương án khác nhau nhưng đều không khả thi bởi lẽ cầu vượt nếu bảo đảm các yêu cầu về tĩnh không, độ dốc dọc theo quy định thì phải dài trên 300m, cao trên 4,75m. Như vậy, mố cầu và đường dẫn đầu cầu sẽ che toàn bộ nút giao phố Tông Đản - Ngô Quyền. Giao thông tại khu vực này sẽ bị đảo lộn.

Liên quan việc tại sao không làm cầu vượt, từ tháng 8-2013, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có ý kiến, nhấn mạnh: Tại phía đường Trần Nguyên Hãn, cầu vượt qua các phố Tông Đản, Ngô Quyền và kết thúc trước ngã tư Lý Thái Tổ - Trần Nguyên Hãn khoảng 20m. Nếu thiết kế theo phương án này sẽ có nhiều phức tạp trong tổ chức giao thông tại các vị trí nút giao với phố Tông Đản, Ngô Quyền, không bảo đảm an toàn tại ngã tư Lý Thái Tổ - Trần Nguyên Hãn. Đồng thời, khu vực dự kiến xây cầu thuộc khu vực phố cổ, Hồ Gươm và vùng phụ cận (khu vực kiểm soát đặc biệt về xây dựng, kiến trúc), việc thiết kế cầu vượt với khẩu độ dài sẽ ảnh hưởng lớn đến không gian và kiến trúc cảnh quan của khu vực.

Từ ý kiến góp ý của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các chuyên gia, Sở GTVT cùng tư vấn đã chuyển sang nghiên cứu phương án hầm đường bộ. Tuy nhiên, mặt đường Chương Dương Độ hiện tại chỉ rộng khoảng 10m. Do đó, việc làm hầm chui chỉ có thể triển khai khi đủ các điều kiện: Mặt đường Chương Dương Độ phải được mở rộng lên đến 19-21,5m để đủ bố trí hầm chui rộng 7,5m, tĩnh không 3,2m và 2 đường nội bộ mỗi bên chứ không sâu như hầm Kim Liên; cốt (cos) của đáy hầm phải bằng cốt của đường Trần Nhật Duật. Việc mở đường sẽ về bên phía cơ quan để bớt khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Phương án này được nhiều ý kiến đồng thuận.

Về lo ngại dự án sẽ ảnh hưởng đến đê điều, từ cuối năm 2013, UBND TP đã phê duyệt phương án thoát lũ cho sông Hồng. Trong quy hoạch GTVT Thủ đô, ven sông Hồng sẽ được kè và làm đường ven sông nên về cơ bản không ảnh hưởng. Hiện dự án chỉ đang được khảo sát, đo đạc, điều tra phục vụ lập dự án đầu tư. Người lập dự án sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu phương án tối ưu. Khi lập dự án, công việc đầu tiên mà đơn vị tư vấn sẽ phải xem xét, tính toán đó là chống nước chảy vào nội thành khi nước sông Hồng lên cao. Ngoài ra, trong quá trình lập dự án, Sở GTVT sẽ phải lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ NN&PTNT vì liên quan đến đê điều. Nếu thuận lợi, trong quý I-2014, Sở GTVT sẽ trình dự án lên UBND TP Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết và đúng quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.