Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng hứa nữa mà hãy tập trung làm!

Tuấn Lương| 04/07/2014 06:49

(HNM) -

Mô hình đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.


Thiếu vốn, thiếu mặt bằng

Tuyến ĐSĐT thí điểm số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài hơn 12,5km, gồm 9 gói thầu chính, trong đó có 5 gói thầu xây lắp và 4 gói thầu thiết bị. Theo báo cáo của Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội (đại diện chủ đầu tư), tại gói thầu số 1 (tuyến đoạn trên cao) xây dựng tuyến cầu cạn đi từ Nhổn về Kim Mã với 318 nhịp và 3 cầu gồm cầu vượt sông Nhuệ dài 142m, cầu vượt đường Vành đai 3 dài 105m, cầu vượt đường Vành đai 2 dài 174,8m. Ngày 11-4, Ban đã ký hợp đồng với nhà thầu Daelim (Hàn Quốc) với thời gian thi công gói thầu là 30 tháng. Dự kiến, gói thầu này sẽ được khởi công vào tháng 7-2014. Gói thầu số 2 xây dựng 8 ga trên cao với khoảng cách trung bình các ga 1km. Mỗi ga có quy mô gồm 2 tầng, 4 thang bộ lên xuống, 2 thang cuốn, 2 thang máy và một số công trình phụ trợ. Gói thầu này do nhà thầu Posco (Hàn Quốc) thi công, thời gian thực hiện 57 tháng và đã được phát lệnh khởi công cuối tháng 5-2014. Đến nay, nhà thầu đã rào các ga S1, S2, S3, S5; hoàn thành khoan thử 2 cọc tại ga S2 và thi công 28/80 cọc ga S2, đồng thời tập kết đủ thiết bị về ga S1, S3, S5 để khoan đại trà. Với gói thầu số 3 (hầm và các ga ngầm), ngày 9-6 Ban đã tổ chức mở thầu với 4 nhà thầu tham gia, dự kiến sẽ lựa chọn xong nhà thầu vào tháng 12-2014, thời gian thực hiện hợp đồng 49 tháng. Đáng lưu ý nhất là gói thầu số 5 (các công trình kiến trúc đề pô). Đây là gói thầu do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội thi công, thời gian thực hiện 61 tháng. Đến nay, công trình đã bị chậm 8 tháng…

Theo ông Nguyễn Quang Mạnh - Giám đốc Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội, hiện dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn và GPMB. Về vốn, Ban kiến nghị UBND thành phố sớm bổ sung nguồn vốn đối ứng cho dự án. Nhu cầu vốn đối ứng năm 2014 của dự án là 203 tỷ đồng (trong đó, chi phí GPMB là 107 tỷ đồng), tuy nhiên, Ban mới được giao 30 tỷ đồng. Ban cũng kiến nghị thành phố chỉ đạo các quận ưu tiên đẩy nhanh tiến độ GPMB theo tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ. Về GPMB, tại gói thầu số 1, UBND quận Bắc Từ Liêm đã phê duyệt 155 phương án và tổ chức chi trả 2 đợt nhưng nhiều hộ dân vẫn khiếu kiện, chưa nhận tiền. Gói thầu số 3, UBND thành phố đã chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu vào tháng 2-2015…

Năng lực nhà thầu có vấn đề

Báo cáo với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, đại diện Tập đoàn Systra (Pháp) - đơn vị tư vấn kỹ thuật dự án cho rằng khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai dự án ĐSĐT này là vấn đề thay đổi nhân sự của các nhà thầu. Việc một số gói thầu chậm tiến độ ngoài yếu tố vướng mắc GPMB còn có nguyên nhân là các nhà thầu chưa làm hết trách nhiệm, thiếu những kỹ sư có kinh nghiệm. Tư vấn Systra đề nghị các nhà thầu phải có những trang thiết bị kỹ thuật bảo đảm an toàn và đáp ứng yêu cầu về chất lượng thi công các hạng mục.

Tại hiện trường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo rất gay gắt phê bình các nhà thầu đã để tiến độ quá chậm. Đặc biệt, tại gói thầu số 5, theo thiết kế, gói thầu này đòi hỏi phải ép 15 vạn cọc mà đến ngày 17-6 mới bố trí được một máy ép cọc. Không chỉ Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, hai nhà thầu Hàn Quốc là Posco và Daelim cũng bị phê bình chưa nghiêm túc trong việc triển khai thi công, dẫn đến chậm tiến độ các gói thầu đã trúng thầu, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đây là dự án đặc biệt quan trọng, để bảo đảm tiến độ, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội và Tư vấn Systra phải ngày đêm phối hợp, tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà thầu thực hiện theo tiến độ hợp đồng. Nếu phát hiện nhà thầu chậm tiến độ mà không báo cáo chủ đầu tư thì phải chịu trách nhiệm; ngược lại, có báo cáo mà Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội không có biện pháp xử lý thì Ban phải chịu trách nhiệm trước thành phố. Dự án này sử dụng vốn vay nước ngoài làm càng chậm, thiệt hại càng lớn. Trước lãnh đạo thành phố, chủ đầu tư, nhà thầu và mỗi đơn vị liên quan không được hứa nữa mà phải tập trung làm ngay. Các nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công, bố trí lực lượng, máy móc, lên kế hoạch thi công khoa học ngay khi có mặt bằng. Các địa phương tập trung tối đa cho công tác GPMB để phục vụ dự án, bảo đảm lợi ích cao nhất cho người dân trong diện GPMB, song phải bảo đảm hợp lý, hợp pháp. Với kiến nghị về vốn, yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí đầy đủ, tuy nhiên sau khi được bố trí vốn, nếu dự án vẫn chậm thì Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng hứa nữa mà hãy tập trung làm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.