Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp “sổ đỏ” tại các dự án nhà ở: “Mạnh tay” với chủ đầu tư phiền nhiễu

Hưng Thịnh| 25/07/2014 15:49

(HNMO)- cấp Giấy chứng nhận (GCN) cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố đang thật sự là vấn đề “nóng”, bởi còn quá nhiều sự nhiêu khê đối với người dân...

Trăm cái khó với người mua

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 370 dự án phát triển nhà ở (223 dự án đã được thành phố giao đất), với diện tích đất theo quy hoạch là 17.765ha. Trong đó, diện tích nhà ở là 121.433.750m2 (tương đương 520.695 căn hộ), bao gồm: 346.016 căn nhà chung cư (tương đương 35.000.000m2); 174.679 căn nhà ở thấp tầng.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết, trong 223 dự án đã được thành phố giao đất, với diện tích 5.561ha, có 216.580 căn chung cư và nhà ở thấp tầng. Trong đó, đến nay có 112.150 căn đã xây dựng xong và bàn giao cho người mua nhà (Sở TN&MT Hà Nội đã hướng dẫn thủ tục và triển khai cấp 36.110 giấy chứng nhận (GCN) cho người mua nhà; còn lại 76.040 căn chủ đầu tư chưa làm các thủ tục cấp GCN theo quy định); 104.430 căn đang trong quá trình xây dựng.

Riêng năm 2014, UBND thành phố Hà Nội giao chỉ tiêu cho các quận, huyện, thị xã cấp 40.000 GCN cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND các quận, huyện làm việc và hướng dẫn đối với 149 dự án nhà ở. Trong đó đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cấp GCN cho người mua nhà tại 32 dự án. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa, mặc dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng đến nay tỷ lệ cấp GCN cho người mua nhà vẫn còn rất thấp. Cụ thể, tính đến ngày 20-6-2014, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội đã tiếp nhận 12.188 hồ sơ và đã giải quyết, chuyển UBND các quận, huyện cấp GCN được 9.701 hồ sơ (mới đạt 24% kế hoạch thành phố giao).

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ cấp GCN cho người mua nhà ở thấp, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, trước hết là do các chủ đầu tư chưa có tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện cấp GCN cho người mua nhà thuộc dự án mình làm chủ đầu tư. Có những dự án, chủ đầu tư chậm, thậm chí gây khó khăn cho người mua nhà trong việc hoàn thiện hồ sơ, như: không thanh lý hợp đồng, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho người mua nhà. Nhiều dự án đã được giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng số lượng hồ sơ do chủ đầu tư nộp đến Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội còn rất hạn chế.

Tiến độ cấp GCN cho người mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội rất chậm


Trên thực tế, có quá nhiều khó khăn, phiền nhiễu đối với người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố để có trong tay GCN, như: tiến độ thực hiện dự án chậm, một số dự án dừng thi công, tiến độ bàn giao nhà không đúng thời gian dự kiến; thay đổi chủ đầu tư; điều chỉnh quy hoạch, thay đổi mật độ hệ số sử dụng đất, quy mô công trình;... Bên cạnh đó, có thể liệt kê ra đây hàng loạt vi phạm của các chủ đầu tư tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố khiến người mua nhà phải “đỏ mắt” chờ GCN: vi phạm về quy hoạch, thiết kế xây dựng đã được duyệt nên phải chờ xử lý xong vi phạm mới có đủ điều kiện cấp GCN; chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng và bán nhà ở nên không đủ căn cứ để cấp GCN; chủ đầu tư được thành phố giao đất xây dựng nhà chung cư được miễn nộp tiền sử dụng đất (trước Luật Đất đai năm 2003), nhưng khi bán căn hộ (sau năm 2004) trong giá bán vẫn bao gồm cả giá trị tiền sử dụng đất mà không nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước; chủ đầu tư thu tiền của người mua căn hộ khi làm thủ tục cấp GCN trái quy định của pháp luật. Một số trường hợp giấy tờ về quyền sử dụng đất (GCN hoặc quyết định giao đất) đứng tên công ty mẹ nhưng việc xây dựng và ký hợp đồng bán nhà lại do công ty con thực hiện.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã có lúc, có trường hợp còn chưa chặt chẽ, thống nhất, phát sinh những công việc gây khó khăn cho nhân dân.

Xử lý nghiêm chủ đầu tư sách nhiễu

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sở TN&MT Hà Nội đã tích cực tham mưu, đề xuất UBND thành phố báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp GCN cho người mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố. Sau khi có kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành (do Sở TN&MT Hà Nội là cơ quan thường trực) kiểm tra, rà soát, xây dựng kế hoạch, đề xuất và thực hiện cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở.

Thời gian qua, Sở TN&MT Hà Nội đã tập trung tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp hồ sơ cấp GCN, cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở cung cấp hồ sơ cho bên mua để tự đi đăng ký; phối hợp với Cục Thuế Hà Nội ban hành hướng dẫn và mẫu phiếu chuyển thông tin địa chính áp dụng riêng đối với trường hợp người mua nhà ở, công trình xây dựng của doanh nghiệp đầu tư xây dựng để bán để xác định nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp đề nghị cấp GCN thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội (không có hồ sơ chuyển kèm)...

Trong thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục đôn đốc UBND các quận, huyện nơi có dự án phát triển nhà ở chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội làm việc với các chủ đầu tư để lập kế hoạch cụ thể về công tác cấp GCN, báo cáo các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư nộp ngay hồ sơ pháp lý thực hiện dự án, bổ sung hồ sơ còn thiếu đối với những trường hợp đã có thông báo bổ sung hồ sơ; các dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chủ đầu tư khẩn trương tổng hợp toàn bộ hồ sơ của người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Trường hợp người mua nhà tự đi nộp hồ sơ thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm cung cấp hồ sơ pháp lý cho bên mua để đăng ký cấp GCN.

Lập danh sách các chủ đầu tư không hợp tác, gây phiền nhiễu trong công tác cấp GCN cho người mua nhà, báo cáo đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra, xử lý theo quy định (thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư; đề xuất phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đối với chủ đầu tư; thu hồi đất hoặc thu hồi đối với quỹ nhà chưa bán; không giao đất để thực hiện dự án khác trên địa bàn thành phố; thông báo trên phạm vi cả nước về vi phạm của chủ đầu tư)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp “sổ đỏ” tại các dự án nhà ở: “Mạnh tay” với chủ đầu tư phiền nhiễu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.