Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án nhà ở giãn dân phố cổ: Lưu ý yếu tố hấp dẫn

Khánh Khoa| 08/01/2015 07:34

(HNM) - Dự án nhà ở giãn dân phố cổ được phép đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách và áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư.

Những khu nhà ở chật chội trên phố cổ Hàng Ngang (Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền


Khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên) có 4 dự án thành phần, gồm: Dự án xây dựng hệ thống giao thông - hạ tầng kỹ thuật và dự án hạ tầng xã hội đều do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư. Nguồn vốn triển khai hai dự án được lấy từ đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần khác là công trình hỗn hợp trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở, dịch vụ với diện tích đất 13.335m2. Dự án thành phần cuối cùng chính là khu nhà ở giãn dân gồm 16 đơn nguyên cao 8-9 tầng, được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách. Thành phố cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và UBND quận Hoàn Kiếm giám sát việc đầu tư. Nhà đầu tư trực tiếp ký hợp đồng bán nhà giãn dân theo danh sách hộ gia đình do UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt, giá bán xác định trên nguyên tắc giá thành xây dựng (không được vượt tổng mức đầu tư) và lợi nhuận định mức 10% so với chi phí xây dựng. Ngoài ra, 15% diện tích sàn xây dựng nhà ở, nhà đầu tư được phép kinh doanh.

Việc giãn dân phố cổ nhằm giảm mật độ dân cư khu vực này từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha tương ứng với việc phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân, với hơn 26.200 nhân khẩu. Cùng với việc giảm mật độ dân cư là việc cải thiện môi trường đô thị, cải thiện đời sống người dân, đồng thời tôn tạo lại các công trình kiến trúc, di tích có giá trị trong khu vực này. Riêng khu nhà ở giãn dân phố cổ Việt Hưng có diện tích 11,12ha, để bố trí khoảng 1.530 hộ dân di dời. Giai đoạn tiếp theo, UBND quận Hoàn Kiếm đang đề nghị UBND thành phố bố trí quỹ đất khoảng 30ha để di chuyển số hộ dân còn lại.

Đối với các hộ dân trong diện di dời, giãn dân ra ngoài khu phố cổ, nếu không đủ điều kiện để mua nhà theo tiêu chuẩn sẽ được xem xét thuê hoặc thuê mua. Từng trường hợp cụ thể sẽ do UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt, trình UBND thành phố xem xét, quyết định. Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra, báo cáo thành phố mua lại quỹ nhà ở tương ứng để cho các hộ gia đình thuê. Sau 1 năm kể từ khi hoàn thành công trình, hộ gia đình được mua nhà giãn dân không ký hợp đồng mua bán với nhà đầu tư thì nhà đầu tư được bán nhà cho đối tượng mua nhà ở xã hội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trường hợp không có đối tượng mua nhà ở xã hội thuộc quận Hoàn Kiếm hoặc bán không hết thì được bán cho đối tượng mua nhà xã hội khác trên địa bàn thành phố.

Được biết, những hộ dân di dời sang Khu đô thị mới Việt Hưng là những trường hợp đang sinh sống trong các di tích, công sở, trường học, các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm, hộ dân sống trong phạm vi cần giải phóng mặt bằng theo các dự án của thành phố. Những hộ dân không thuộc diện trên nhưng có nguyện vọng di chuyển cũng được xem xét. Hiện nay, khu đất xây dựng nhà ở giãn dân đã có mặt bằng "sạch", đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, nằm trong một khu đô thị mới đồng bộ hạ tầng như Việt Hưng, hơn nữa thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục thì việc đấu giá quyền sử dụng đất hay tìm kiếm lựa chọn nhà đầu tư không phải là việc quá khó lúc này. Vấn đề đặt ra là việc thu hồi, hỗ trợ, đền bù các hộ dân trong diện di dời như thế nào? Việc quản lý, sử dụng, sắp xếp diện tích sau thu hồi đúng mục đích ra sao để không làm tăng thêm mật độ dân số nhưng bảo đảm được công bằng?

Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, phố cổ Hà Nội có giá trị đặc biệt. Câu chuyện giãn dân phố cổ được đề cập từ năm 1999, song mãi đến năm 2009 mới khởi động lại bởi nhiều lý do như chính sách, vốn và quan trọng là cơ chế tạo ra sự hấp dẫn với người dân. Đơn cử như việc sang nơi ở mới người dân vốn đang quen kinh doanh buôn bán sẽ sống bằng gì? Rõ ràng, nơi ở mới tốt hơn, rộng hơn nhưng còn những mối quan hệ, ràng buộc, thói quen sinh hoạt… khác nữa cũng cần phải tính đến. Phố cổ hiện nay mật độ dân số cực lớn, tác động tiêu cực đến môi trường sống nên việc giãn dân là cần thiết nhưng lưu ý đến yếu tố hấp dẫn. Không chỉ bố trí nhà ở mà phải tạo điều kiện cho người dân buôn bán. Sống trong phố cổ thiếu trường học, nơi sinh hoạt cộng đồng thì ở đây trường học phải khang trang và có không gian cộng đồng. Ngoài ra, nếu tái lập được phường nghề, nơi giới thiệu sản phẩm phố cổ thì càng tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án nhà ở giãn dân phố cổ: Lưu ý yếu tố hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.