Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển đô thị thông minh: Sự lựa chọn tất yếu

Linh Nhi| 29/08/2015 08:21

(HNM) - Ngày 28-8, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan tổ chức hội thảo


Xu thế toàn cầu

Mặc dù còn nhiều bất cập, song hiện nay các đô thị Việt Nam đang phát triển theo hướng tiếp cận với nhiều mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều tiền đề về ứng dụng và phát triển CNTT, truyền thông để phát triển đô thị thông minh và quản lý thông minh, đó là: Tỷ lệ người sử dụng internet/tổng dân số năm 2014 đạt 43,8%, cao hơn tỷ lệ của thế giới là 42,2% và Châu Á là 34,8%, gần 14 nghìn doanh nghiệp CNTT với 500 nghìn lao động. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước và các lĩnh vực đời sống xã hội…

Bảo đảm sự hài hòa về môi trường với cây xanh, mặt nước là một yếu tố cấu thành đô thị thông minh. Ảnh: bá hoạt


Đô thị thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, lối sống thông minh, cộng đồng thông minh, ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến nhất.

Đô thị thông minh có CNTT và truyền thông được ứng dụng một cách hiệu quả, chính quyền cung cấp các dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời sử dụng dữ liệu thu thập được từ chính cộng đồng để liên tục hoàn thiện các chính sách, dịch vụ công của thành phố, đáp ứng tối đa các yêu cầu của đại bộ phận người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng, phát triển các đô thị thông minh. Điều này cho thấy, sự phát triển đô thị thông minh là xu thế toàn cầu, là vấn đề tất yếu cho sự phát triển.

Kinh nghiệm và giải pháp

Các đại biểu dự hội thảo tập trung góp ý cho Đề án khung "Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam 2016-2030" và tìm hiểu khả năng các nước hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển đô thị thông minh.
TS Jae Yong Lee, Ủy viên Hội đồng Dự án thành phố thông minh - Gyeongsangbuk-do, Thư ký Ủy ban hỗ trợ lập kế hoạch thành phố thông minh Hàn Quốc chia sẻ: Thành phố thông minh kiểu mẫu của Hàn Quốc có cơ sở hạ tầng được xây dựng khắp nơi bằng cách kết hợp các CNTT truyền thông tiên tiến vào cơ sở hạ tầng đô thị như: Đường giao thông, cầu đường, trường học và một số lĩnh vực khác để cung cấp các dịch vụ phổ biến như giao thông vận tải, môi trường và phúc lợi xã hội ở bất cứ thời gian và địa điểm nào.

Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố thông minh được trả bởi lợi nhuận phát triển đô thị. Tại Singapore, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cơ quan hợp tác doanh nghiệp Singapore (SCE) Kevin Chong cho biết, một trong những điều kiện quan trọng biến quốc đảo này thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới chính là sự kết nối mạng khắp nơi trên quốc đảo. Hiện nay, mọi gia đình người dân Singapore đều có truy cập internet cáp quang FTTH. Bên cạnh đó, chính quyền cấp dưới cũng hoạt động theo mô hình "chính quyền thông minh".

Đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Sáng kiến Việt Nam khẳng định, thành phố thông minh chính là thành phố dùng công nghệ điện toán đám mây và CNTT thế hệ mới trong việc quy hoạch và vận hành đô thị, với mục tiêu giúp cho nền kinh tế đô thị tăng trưởng, duy trì tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Do vậy, một thành phố thông minh cần có mạng lưới gồm người sử dụng thiết bị thông minh, với những công dân của thành phố cần và sáng tạo các dịch vụ họ thấy giá trị. Nhóm này cũng lưu ý, cho dù vai trò của Nhà nước trong xây dựng thành phố thông minh là quan trọng, nhưng cần phát huy tối đa giải pháp thị trường, điều này cần được chú trọng ở một điểm, đó là giảm tối đa tư tưởng hay quan điểm đặc thù hay ngoại lệ Việt Nam, để ngăn cản hay trì hoãn việc triển khai các nhân tố mới...

Còn theo Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc, đề xuất hai giải pháp xây dựng thành phố thông minh: Chính phủ lựa chọn một địa điểm tỉnh, quận có điều kiện kinh tế - xã hội phù hợp để làm mẫu và nhân rộng. Chính phủ giao cho doanh nghiệp triển khai, tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn, kết hợp trí tuệ và chất xám của toàn xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Các đại biểu đều tán thành sự cần thiết xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam nhưng để xây dựng đô thị thông minh, cần giải quyết tốt các hạn chế, tồn tại như: Số lượng, trình độ, năng lực của cán bộ chuyên trách về CNTT còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu về triển khai và thực hiện các dự án có quy mô lớn; thiếu kinh phí để ứng dụng CNTT; chưa có cơ chế khuyến khích và thu hút nhân lực CNTT có chất lượng cao, nhất là cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin; việc thuê dịch vụ CNTT là hình thức sản phẩm mới, còn đơn chiếc nên doanh nghiệp lúng túng trong định giá và thu hồi vốn...

Đối với Hà Nội, Đô thị thông minh chính là các thành phần quan trọng của chính quyền điện tử thành phố đã được hình thành và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, góp phần làm thay đổi phương thức điều hành, quản lý của các đơn vị, xử lý công việc của cán bộ, công chức, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, TP Hà Nội cũng kiến nghị một số vấn đề nhằm tăng hiệu quả công tác này, đó là: Cần sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai ứng dụng CNTT trong giai đoạn tới; cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc triển khai thuê dịch vụ để các đơn vị căn cứ thực hiện...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đô thị thông minh: Sự lựa chọn tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.