Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xung lực mới để phát triển hạ tầng hàng không

Tuấn Lương| 23/11/2015 07:32

(HNM) - Ngày 10-12-2015, Tổng công ty Cảng hàng không (CHK) Việt Nam (ACV) sẽ lần đầu bán đấu giá cổ phần công khai ra công chúng (IPO). Đây là một trong những đợt IPO được trông đợi nhất trong năm 2015, bởi ACV là doanh nghiệp nòng cốt của hàng không quốc gia, với quy mô khai thác vận chuyển,

Nhà ga hành khách T2 - CHK quốc tế Nội Bài. Ảnh: Nhật Nam



Tổng công ty ACV là doanh nghiệp có quy mô lớn của ngành Hàng không Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. ACV đang quản lý 22 CHK trên cả nước (gồm 7 CHK quốc tế và 15 CHK quốc nội). Từ khi thành lập (tháng 2-2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty CHK Bắc - Trung - Nam) đến nay, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, ACV đã tập trung mọi nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tích lũy từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn vốn Quỹ Đầu tư phát triển của tổng công ty) để mở rộng, nâng cấp, hoàn chỉnh và đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo thành hệ thống CHK hiện đại theo tiêu chuẩn Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đáng chú ý, các dự án trọng điểm như Nhà ga hành khách T2 - CHK quốc tế Nội Bài có quy mô lớn, hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, công suất phục vụ 10 triệu hành khách/năm (có khả năng mở rộng lên 15 triệu hành khách/năm). Tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, ACV đã triển khai nhiều dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng kết cấu hạ tầng CHK như: Dự án cải tạo và mở rộng Nhà ga quốc nội; dự án mở rộng Nhà ga quốc tế nhằm tăng công suất của Nhà ga quốc tế từ 10 triệu hành khách/năm lên 13 triệu hành khách/năm; dự án sửa chữa, cải tạo và mở rộng sân đỗ máy bay, nâng tổng số vị trí đỗ máy bay từ 40 chỗ hiện nay lên 46 vị trí… Dự án CHK quốc tế Phú Quốc công suất 2,65 triệu hành khách/năm, được khánh thành và đưa vào khai thác từ cuối năm 2012, với cơ sở hạ tầng hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, bảo đảm tiếp nhận các loại máy bay hiện đại như Boeing 777, Boeing 747 - 400 và tương đương. Ngoài ra, ACV đã, đang triển khai nhiều dự án đầu tư lớn như: Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách - CHK Vinh (Nghệ An); Nhà ga hành khách - CHK Cát Bi (Hải Phòng), công suất 4 triệu hành khách/năm (dự kiến hoàn thành trong quý II-2016); Khu hàng không dân dụng - CHK Thọ Xuân (Thanh Hóa), trong đó Nhà ga hành khách công suất 1,2 triệu hành khách/năm, có thể mở rộng lên 2 triệu hành khách/năm (dự kiến hoàn thành tháng 1-2016); Khu hàng không dân dụng - CHK Phù Cát (Bình Định), trong đó Nhà ga hành khách công suất 1,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng lên 2,4 triệu hành khách/năm (dự kiến hoàn thành trước tết Nguyên đán Bính Thân 2016)...

Việc IPO Công ty mẹ - Tổng công ty ACV được thực hiện theo phương thức bán đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh vào ngày 10-12-2015. Mức giá khởi điểm được Bộ GT-VT phê duyệt là 11.800 đồng/cổ phần. Mức giá này được nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định là hấp dẫn.

Ông Phạm Xuân Anh (Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) nhận định, mệnh giá khởi điểm 11.800 đồng/cổ phần, cao hơn 700 đồng/cổ phần so với phương án cổ phần hóa trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4-2015 là do đánh giá xu hướng vận động của thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không để đưa ra được kết quả kinh doanh thực tế của ACV ít nhất trong 3 năm tới có điểm rơi ở đâu. 11.800 đồng/cổ phiếu là mức hợp lý, bảo đảm cho nhà đầu tư yên tâm khi tham gia và được xây dựng ở mức thận trọng nhất.

Về nhà đầu tư chiến lược, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc ACV cho biết tới đây, Bộ GT-VT sẽ thẩm định và phê duyệt tiêu chí cổ đông chiến lược. Cụ thể, sẽ tập trung ở một số nhà đầu tư có năng lực khai thác kinh doanh một số CHK, dịch vụ hàng không; có năng lực tài chính để đồng hành với ACV; có khả năng mở rộng nâng cao năng lực khai thác các CHK, trong đó trọng tâm là CHK quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật khẳng định, chiến lược phát triển của ACV là rất lớn, mang tầm quốc gia. Thời gian qua, ngành Hàng không đã có nhiều chuyển biến tích cực khi đầu tư, nâng cấp nhiều CHK, sân bay mới, bảo đảm cân đối hài hòa nguồn lực đầu tư sân bay trung tâm và sân bay lẻ. Tuy nhiên, với việc chỉ có một đơn vị thực hiện công việc này sẽ tạo thành độc quyền, dẫn đến năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh không cao. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Chính phủ mời gọi thêm cổ đông, thay đổi giá trị doanh nghiệp, giảm giá trị độc quyền...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung lực mới để phát triển hạ tầng hàng không

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.