Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự ý dùng thuốc phòng, chống nhiễm xạ: Mất tiền mua lo

BS Hoàng Xuân Đại| 14/04/2011 06:58

(HNM) - Nhiều người ở Mỹ, Nga, Hàn Quốc… và cả Việt Nam đang tìm mua thuốc Potassium iodide trên mạng trực tuyến để phòng ngừa nhiễm phóng xạ, đến mức mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã phải ra cảnh báo. Có cần lo lắng thái quá và Potassium iodide có giúp giải tỏa được nỗi lo này?

Bệnh do phóng xạ

Các chất phóng xạ khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây nguy cơ ung thư và ảnh hưởng đến xương (66%), thận (8%), gan (16%). Nếu nhiễm liều cao sẽ bị rối loạn chức năng sinh sản, vô tinh trùng và gây tổn thương tinh hoàn… Còn nếu sự phơi nhiễm ở liều thấp thì không ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản. Phụ nữ bị phơi nhiễm với các chất phóng xạ có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, thai nhi cũng có thể bị ảnh hưởng do gene đã chịu sự tác động của các chất phóng xạ và có thể các thế hệ sau cũng bị ảnh hưởng.

Theo WHO, thuốc Potassium iodide không bảo vệ được các cơ quan khác trong cơ thể, cũng như không thể bảo đảm 100% cho tuyến giáp trạng thoát khỏi khả năng bị nhiễm Iodine.

Trường hợp cấp tính, khi lượng phóng xạ quá cao, có thể làm suy sụp hoạt động của tim, mạch máu và người bị nhiễm sẽ tử vong rất nhanh. Những trường hợp này thường chỉ xảy ra trong những vụ nổ hạt nhân. Con người bị phơi nhiễm chất phóng xạ dưới hai hình thức. Một là, phần bên ngoài thân thể bị nhiễm. Hai là, chất phóng xạ ngấm vào bên trong cơ thể khi tiếp xúc với lượng lớn chất phóng xạ, nhưng điều này cũng ít xảy ra.

Hậu quả lâu dài của việc tiếp xúc với các chất phóng xạ đã được nghiên cứu rất kỹ với những người ở vùng có nguy cơ nhiễm xạ và thường thấy là tỉ lệ ung thư tuyến giáp trạng (Thyroid gland) rất cao, kế đó là ung thư vú và máu (leukemia).

Không tự ý dùng Potassium iodide

Trẻ em và thai nhi dễ bị tổn thương bởi iốt phóng xạ vì các tế bào phát triển rất nhanh so với người lớn.

Ở Nhật Bản, trẻ em và phụ nữ mang thai có tiếp xúc với phóng xạ được ưu tiên nhận thuốc. Thuốc Potassium Iodine được bào chế dưới dạng thuốc viên (130mg và 65mg) và thuốc nước, có tác dụng bảo vệ tuyến giáp trạng trong vòng 24 giờ sau khi uống. Các bác sĩ hy vọng Potassium Iodine làm cơ thể ngập tràn iốt dạng ổn định để đẩy các iốt phóng xạ ra ngoài và tuyến giáp ít có cơ hội lấy được iốt phóng xạ.

Nhiều người dân nghe nói chất phóng xạ Iodine có thể xâm nhập cơ thể qua thức ăn, nước uống và tuyến giáp trạng sẽ nhanh chóng hấp thụ chất độc hóa học này rồi bị tổn thương nhanh chóng nên đã tự ý mua thuốc Potassium Iodine để uống. Họ cho rằng, khi uống thuốc, tuyến giáp trạng sẽ hấp thụ Iodine trong viên thuốc nên "đủ no" và không hấp thụ thêm Iodine phóng xạ trong vòng 24 giờ sau đó. Với cách hiểu lơ mơ về tác dụng của Potassium iodide, cho đó là thuốc phòng ngừa nhiễm xạ, hay thuốc giải độc, đào thải phóng xạ, thậm chí tưởng thuốc đó như muối iốt nên không ít người tìm mua thuốc trên mạng, gửi hàng xách tay để dự trữ, phòng phóng xạ tới Việt Nam.

Trước tình hình này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã phải ra cảnh báo về việc người dân tự ý mua thuốc Potassium iodide cả ngoài thị trường và trên mạng. WHO cho rằng, Potassium iodide không phải thuốc giải độc phóng xạ như mọi người lầm tưởng. Nhiều khả năng thuốc đó còn chưa được cấp phép. FDA còn lo lắng vì "cầu" cao nên có thể chế phẩm Potassium iodide giả sẽ xuất hiện.

Theo WHO, Potassium iodide không thể phòng ngừa phóng xạ bên ngoài cũng như nguy hại của các iốt phóng xạ. Phát ngôn viên của WHO - Gregory Hartl nói rằng, chỉ nên dùng Potassium iodide khi có lời khuyên rõ ràng của cơ quan y tế. Nếu dùng tùy tiện có thể gặp tác dụng phụ như sưng hạch nước miếng, buồn nôn, ngứa ngáy, đau ruột, đau khớp, sưng khớp và các dạng dị ứng nghiêm trọng khác; rối loạn nhịp tim và chất điện giải. Nếu dùng quá nhiều và thường xuyên có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Theo WHO, thuốc Potassium iodide cũng không bảo vệ được các cơ quan khác trong cơ thể, không thể bảo đảm 100% cho tuyến giáp trạng thoát khỏi khả năng bị nhiễm Iodine, vì điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian bị nhiễm, thời điểm bắt đầu uống thuốc, thuốc hấp thụ vào máu nhanh hay chậm. lượng chất phóng xạ Iodine đã xâm nhập cơ thể là bao nhiêu…

Đổ xô mua Potassium iodide vừa lãng phí, vừa làm người khác lo sợ. Nếu có ô nhiễm phóng xạ xảy ra, cơ quan y tế sẽ thông báo cách dùng thuốc Potassium Iodine cũng như cách bảo vệ cơ thể. Ngoài thuốc Potassium Iodine, còn một số loại thuốc có công hiệu đào thải độc xạ khi cơ thể bị nhiễm phóng xạ và đã được dùng tại các khoa hồi sức - chống độc trong bệnh viện.

Bình thường chúng ta vẫn tiếp xúc với một ít chất phóng xạ do thiên nhiên tạo ra, vì thế không nên hoang mang, sợ hãi về nhiễm phóng xạ mà tự ý dùng thuốc. Nếu có "hàng xách tay" Potassium iodide cũng không nên tự tiện uống mà phải hỏi bác sĩ, dược sĩ, đặc biệt là đối với người dễ bị dị ứng. Phụ nữ có thai và cho con bú càng phải có sự giám sát chặt chẽ của thầy thuốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự ý dùng thuốc phòng, chống nhiễm xạ: Mất tiền mua lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.