Theo dõi Báo Hànộimới trên

Súp gà giúp chống cảm cúm

Tuấn Anh| 27/12/2012 10:21

Các nhà nghiên cứu phát hiện, hợp chất carnosine có trong súp gà giúp hệ miễn dịch của cơ thể chống lại được bệnh cảm cúm ở giai đoạn đầu.


Tuy nhiên, trong báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí American Journal of Therapeutics, các tác giả cảnh báo, tác dụng chống cảm cúm của súp gà sẽ chấm dứt ngay khi cơ thể bài tiết nó ra ngoài. Điều này có nghĩa là, bạn cần cung cấp hợp chất carnosine tương đối liên tục cho cơ thể.

Hợp chất carnosine có trong súp gà giúp hệ miễn dịch của cơ thể chống lại được bệnh cảm cúm ở giai đoạn đầu.



Theo trang Daily Mail, đây không phải là nghiên cứu đầu tiên nghiên cứu về tác dụng của súp gà. Cách đây hơn một thập niên, tiến sĩ Stephen Rennard đến từ Bệnh viện Đại học Nebraska (Omaha, Mỹ) từng muốn tìm hiểu tại sao công thức nấu súp gà của vợ ông, vốn được truyền từ đời này sang đời khác, lại có tác dụng chữa bệnh tốt đến như vậy.

Sử dụng mẫu máu của những người tình nguyện, ông Rennard đã khám phá ra rằng, món súp gà ức chế hoạt động của neutrophil - loại tế bào máu trắng phổ biến nhất, có khả năng chống lại việc nhiễm trùng.

Tiến sĩ Rennard giả thiết rằng, bằng cách ức chế sự di trú của các tế bào chống nhiễm trùng này trong cơ thể, súp gà giúp làm giảm các triệu chứng cảm lạnh ở đường hô hấp trên.

Món súp dùng trong các thí nghiệm bao gồm thịt gà, hành, khoai lang, củ cải, cà rốt, cần tây, rau mùi tây, muối và hạt tiêu. Điều mà tiến sĩ Rennard không thể làm được là nhận diện chính xác các thành phần tạo nên món súp gà có khả năng chống cảm cúm hiệu quả.

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Miami, Mỹ nhận thấy, súp gà còn có nhiều tác dụng hơn hiệu ứng giả dược. Nghiên cứu này đã tập trung tìm hiểu về tác động của việc tiêu dùng thực phẩm đối với luồng không khí và dịch nhầy trong mũi của những người tình nguyện uống nước lạnh, nước nóng và ăn súp gà.

Kết quả thu được đã chứng minh điều mà các bác sĩ từ lâu đã phỏng đoán: các chất lỏng nóng giúp tăng hoạt động của chất nhầy trong mũi. Điều này sẽ giúp làm sạch đường hô hấp trên, giảm tắc nghẹt mũi.

Dẫu vậy, súp còn công hiệu hơn nước nóng vì nó còn đồng thời cải thiện chức năng của các lông mao bảo vệ trong mũi, ngăn vật lạ xâm nhập vào cơ thể.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện, nhiều món súp thông dụng khác cũng có tác dụng tương tự. Họ nhận định, có thể, sự kết hợp của các chất dinh dưỡng đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp chống cảm cúm.

Chẳng hạn như, các chất sunfua hữu cơ (hóa chất tự nhiên được tìm thấy trong tỏi và hành), cùng với Vitamin D, có tác dụng kích thích sản sinh các tế bào miễn dịch có tên gọi đại thực bào, trong khi Vitamin C có ảnh hưởng đến cả lượng neutrophil và interferon - một loại hóa chất miễn dịch khác.

Vitamin A và caroten, vốn được tìm thấy trong cà rốt (một thành phần phổ biến của nước dùng, cơ sở của bất kỳ món súp ngon nào), giúp sản sinh kháng thể, trong khi Vitamin E và kẽm có thể tác động đến sự tập trung của các tế bào lympho - một loại tế bào máu trắng.

Một lý do khác để bạn nên dùng súp là, các chất dinh dưỡng trong súp sẽ được hấp thu dễ dàng hơn so với ở các dạng rắn. Hãy nhớ thêm một ít chất béo để đảm bảo sự hấp thu các vitamin hòa tan trong chất béo như D, A, K và E.

Bạn không nhất thiết chỉ dùng súp gà khi bị ốm, vì còn có các loại thực phẩm khác cũng chứa hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú như trên, bao gồm nhiều loại hoa quả, rau, hạt và protein.

Các chất lỏng nóng, trà thảo dược và rượu mạnh hòa vào nước đường nóng cũng rất hiệu quả trong việc chống cảm cúm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Súp gà giúp chống cảm cúm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.