Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ẩm thực Tết bốn phương

Ngọc Linh| 11/02/2013 09:07

(HNNN) - Mỗi nước trên thế giới đều có món ăn truyền thống của riêng mình vào năm mới. Có thể là những món được chế biến công phu, hay chỉ là súp, bánh ngọt, mì…

Các gia đình Nhật Bản thường ăn mì soba vào đêm giao thừa để chào tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới. Truyền thống này có từ thế kỉ XVII. Người dân Nhật Bản tin rằng, sợi mỳ soba dài và dai còn biểu tượng cho sự trường thọ của con người, cho nên mỳ soba cũng được coi là biểu tượng cho sự may mắn.


Ngoài ra, còn một tục lệ nữa được gọi là mochitsuki - tục giã bánh dày. Các gia đình và bạn bè thường dành một ngày trước năm mới để làm bánh bột mì. Họ đem gạo nếp rửa sạch, ngâm, nghiền giã nhỏ thành khối mịn rồi hấp. Người dân Nhật Bản thường tâm niệm rằng, các sản phẩm được làm từ gạo là món ăn gốc để làm nên cội nguồn thành đạt ở mỗi con người.

Ở Nhật, Mochitsuki đã trở thành một nghi lễ, một nét văn hóa truyền thống được lưu giữ cho đến tận ngày nay và hàng năm đều có Mochitsuki trong các dịp lễ Tết hoặc lễ mừng mùa màng bội thu.

Lạp của Lào

Lạp trong tiếng Lào có nghĩa là lộc, có lẽ vì thế mà trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi, sau đó đem trộn với gia vị, đặc biệt là thính, thường được ăn chung với xôi nóng. Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào, thì lạp được xem như là “linh hồn” của người Lào trong năm mới. Người ta có thể tặng nhau món lạp thay lời chúc may mắn đầu năm. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều tài lộc...

Tok, Garettok và kim chi ở Hàn Quốc

Đối với người Hàn Quốc, càng dùng nhiều kim chi thì sẽ càng gặp nhiều may mắn và điềm lành trong năm mới, đặc biệt là đối với giới doanh nhân. Ngoài ra, tok và garettok cũng là hai món ăn bắt buộc trong ngày Tết ở Hàn Quốc. Đây là các món ăn từ các loại thịt gia súc và gia cầm, chế biến bằng cách đem chiên. Riêng loại rượu gui balki sool là thức uống bắt buộc trong ngày Tết, ai cũng phải uống dù ít hay nhiều để lấy may mắn.


Bánh bột nướng Tourtière, Canada

Người dân Canada thường ăn món bánh này vào dịp năm mới. Nhân bánh Tourtière làm từ thịt bò, thịt heo (hoặc cá hồi) và khoai tây băm nhỏ, bên ngoài là lớp bột thơm ngon. Sau 10 tiếng nướng bánh, bạn sẽ được thưởng thức món ăn với hương vị đặc biệt của hỗn hợp thịt ninh nhừ.

Món Tamles ở Mexico

Tamales là một loại bánh có bột ngô nhồi với pho mát và thịt gói trong lá chuối hoặc lá ngô. Món ăn này xuất hiện nhiều trong các dịp đặc biệt ở Mexico. Trong nhiều gia đình, chị em phụ nữ thường tụ tập với nhau để làm hàng trăm chiếc bánh Tamales, mỗi người phụ trách một khâu sau khi hoàn thành họ mang bánh cho bạn bè, gia đình và hàng xóm.

Bánh Panettone ở Ý

Vào dịp Giáng Sinh, người Milan thường ăn loại bánh cổ truyền gọi là Panettone, một loại bánh mì xốp, có trứng, mùi vị tinh tế của mứt vỏ cam, chanh và nho khô. Ngày nay, Panettone phổ biến trên toàn nước Ý và cả Mỹ. Vào dịp giáng sinh và Tết, Panettone là loại bánh mà bất kỳ gia đình người Ý nào cũng đều tự tay làm và gói trong hộp quà kiểu dáng không thay đổi từ thời Trung Cổ đến nay.

Món quả bóng bột chiên Oliebollen ở Hà Lan

Tại Hà Lan, quả bóng bột chiên được gọi là Oliebollen, là một phần của năm mới. Bánh bột chiên giống như bánh rán, được làm bằng cách thả bột trộn với quả phúc bồn hoặc nho khô vào chảo ngập dầu, sau đó rắc đường.

Bánh Vassilopitta ở Hy Lạp

Bánh Vassilopitta còn gọi là bánh của thánh Basil, là một món ăn không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Hy Lạp. Bên trong chiếc bánh được đặt một đồng tiền vàng hay bạc. Khi ăn, các miếng bánh được chia theo một trật tự nghiêm ngặt: miếng đầu tiên dành cho thánh Basil, miếng thứ hai cho ngôi nhà thân yêu, miếng thứ ba cho người lớn tuổi nhất trong gia đình và phần còn lại sẽ dành cho những thành viên khác theo thứ tự tuổi tác. Người vắng mặt cũng được phần một miếng và thậm chí cả vật nuôi cũng không bị lãng quên. Ai được miếng bánh có đồng tiền sẽ là người may mắn trong suốt năm.

Súp nấm Zaprashika, Nga

Ở Nga, bữa tiệc đêm Giáng sinh truyền thống thường có 12 món, tượng trưng cho 12 tông đồ của Chúa. Súp Zaprashka là một trong những món ăn truyền thống ấy. Nguyên liệu chính gồm có nấm, bột mì, hành tây và tỏi băm nhỏ. Các bà nội trợ Nga thường dùng sữa đặc để tăng độ sệt cho món súp nấm thơm ngon này.

Bánh Bibingka của Philipine

Bánh Bibingka quá đỗi quen thuộc với người Philipin mỗi dịp Noel về, đơn giản chỉ được làm từ nguyên liệu bột mỳ, nước cốt dừa, đường, trứng và bột nướng. Chuối sẽ được đặt trước trong cối nghiền, trước khi đổ bột mỳ và sữa vào. Trước khi bánh chín, một lớp chuối tươi được đặt tiếp trên mặt bánh.


Tây Ban Nha: ROSCA DE REYES

Rosca de Reyes là món bánh nướng truyền thống, xuất hiện trên bàn ăn của mọi gia đình Tây Ban Nha vào ngày 6-1 hằng năm để ăn mừng cho ngày Dia de ló Reyes (ngày của đức Vua). Chiếc bánh hình oval này tượng trưng ba 3 người đàn ông lanh lợi, được trang trí cùng một số loại mứt hoa quả.

Người Tây Ban Nha hay đặt một món đồ trang sức nhỏ hay đồng xu vào giữa một chiếc bánh Rosca de Reyes trong cả đĩa bánh. Hành động này tượng trưng cho chúa Jesus đang thoát khỏi bàn tay của nhà vua Herod, ông đang có kế hoạch giết hại tất cả những đứa trẻ được cho là vị cứu tinh của dân chúng. Nếu ai tìm thấy đồng tiền xu hay món trang sức này sẽ gặp rất nhiều may mắn trong năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ẩm thực Tết bốn phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.