Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải bài toán giám sát quy trình tiêm chủng mở rộng

Hải Hà| 26/05/2013 06:05

(HNM) - Liên tiếp trong 4 tháng đầu năm 2013, đã có 5 trường hợp tử vong và 9 trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin



Cũng trong khoảng thời gian này, tại Hà Nội, có 2 trường hợp khiếu nại sau khi trẻ bị tiêm vắc xin không đủ liều, sử dụng vắc xin pha sẵn - sai quy chế; và mới đây, tại tỉnh Phú Yên, 1 thiếu niên bị tiêm vắc xin hết hạn… Nhiều sự cố dồn dập khiến rất nhiều người lo ngại về khả năng mất an toàn do tiêm chủng mở rộng.

Tiêm phòng cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Như Ý


Tiêm phòng cho trẻ - việc cần thiết

Sau trường hợp cháu Dương Kiều Phong, 4 tháng tuổi, bị tiêm thiếu vắc xin hôm 19-4 tại điểm tiêm chủng số 70, Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) và trường hợp y tá ở tỉnh Phú Yên tiêm vắc xin hết hạn cho trẻ, mặc dù ngành y tế địa phương đã tích cực chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng, nhưng để giải quyết được những vụ việc tiêm thiếu liều, tiêm sai quy trình là không hề dễ. Về hành vi, những cá nhân sai phạm đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhưng về chuyên môn, hiệu quả phòng bệnh của trẻ khi bị tiêm thiếu liều, tiêm vắc xin pha sẵn không đúng quy trình, tiêm vắc xin hết hạn thì chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Trong những ngày gần đây, trên một số diễn đàn, cha mẹ trẻ nhỏ tỏ rõ sự băn khoăn, phần lớn quan tâm đến việc tiêm vắc xin thế nào cho an toàn. Thậm chí, đã có người tỏ ý không muốn cho con đi tiêm phòng - một quan điểm tiêu cực, không tốt cho trẻ dù mối lo của các bậc cha mẹ là có cơ sở. Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, cha mẹ nên tuân thủ lịch tiêm chủng của trẻ. Vắc xin là chế phẩm được sản xuất từ vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút), một hay nhiều thành phần của chúng đã được làm biến đổi để trở thành vô hại, không gây bệnh cho người khi được đưa vào cơ thể nhưng lại kích thích cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại bệnh. Đây chính là phương pháp phòng bệnh chủ động, có hiệu quả tốt, giảm được tử vong và bớt tốn kém nhất trong các hoạt động y tế so với phí tổn điều trị.

Thực tế, trong suốt gần 30 năm qua, với sự xuất hiện của chương trình tiêm chủng mở rộng, hơn 90% trẻ dưới 5 tuổi đã được tiêm phòng, kết quả là tỷ lệ mắc nhiều bệnh nhiễm khuẩn đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Việt Nam đã hoàn thành cam kết quốc tế là thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2005. Tỷ lệ mắc các bệnh có trong chương trình tiêm chủng như ho gà, bạch hầu, sởi đã giảm rõ rệt. So sánh với năm 1985, thời điểm bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng thì vào năm 2009, tỷ lệ mắc ho gà đã giảm 543 lần, bạch hầu giảm 433 lần, uốn ván sơ sinh giảm 69 lần… Đó là một trong những thành tựu lớn nhất của ngành y tế Việt Nam những năm qua, đã được Liên minh Vắc xin và tiêm chủng toàn cầu ghi nhận.

Vấn đề nằm ở quy trình

Ngay sau sự cố tiêm ngừa vắc xin hết hạn tại Phú Yên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công văn yêu cầu các sở y tế địa phương, đơn vị trực thuộc, Chánh thanh tra Bộ Y tế nhanh chóng rà soát, giám sát công tác tiêm chủng, đình chỉ ngay các cơ sở tiêm chủng dịch vụ nếu phát hiện có vi phạm quy định chuyên môn, để xảy ra sai sót trong quá trình tiêm chủng... Bộ Y tế cũng giao cho thanh tra ngành chủ trì, phối hợp với Cục Y tế dự phòng tổ chức đợt thanh tra chuyên đề về công tác tiêm chủng.

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã có đánh giá ban đầu, theo đó vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem ở Việt Nam là an toàn. Theo Cục Y tế dự phòng, kể từ năm 2010 đến nay, đã có 16,2 triệu liều Quinvaxem được nhập khẩu vào Việt Nam; 15,2 triệu liều trong số đó đã được sử dụng, còn 1 triệu liều đang được bảo quản trong khi chờ quyết định của Bộ Y tế. Mới đây, ông Nguyễn Trần Hiển đã có thông báo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, cho biết đến cuối tháng 6 sẽ có quyết định về Quinvaxem. Trong trường hợp vắc xin này được chứng minh là an toàn thì sẽ tiếp tục sử dụng lại, nếu không, Bộ Y tế sẽ cho tái sử dụng vắc xin "3 trong 1" ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, vắc xin đơn liều viêm gan B mà không có vắc xin viêm màng não mủ như Quinvaxem do vắc xin ngừa viêm màng não mủ hiện có giá khá đắt.

Để hoạt động tiêm chủng được an toàn, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tiêm chủng phải bảo đảm quy trình. Đây chính là yếu tố mấu chốt bảo đảm hiệu quả của việc tiêm phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán giám sát quy trình tiêm chủng mở rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.