Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dị ứng - xin chớ coi thường!

Thùy Dương| 16/12/2013 06:34

(HNM) - Cuộc sống hiện đại, môi trường ngày một ô nhiễm, khí hậu thay đổi thường xuyên và đột ngột, làm việc nhiều trong phòng có điều hòa nhiệt độ… khiến cho các tác nhân gây dị ứng xuất hiện nhiều hơn, số người mắc bệnh dị ứng có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.


Dùng thuốc thế nào, giáo dục bệnh nhân ra sao để việc điều trị đạt hiệu quả cao là những điều mà các chuyên gia Singapore chia sẻ với bác sĩ chuyên khoa Việt Nam tại hội thảo "Cập nhật điều trị bệnh lý viêm mũi dị ứng và mề đay" - diễn ra vào cuối tuần qua, tại Hà Nội với sự tài trợ của Tập đoàn Sanofi.

Khám và điều trị viêm mũi dị ứng cho người bệnh.



Ảnh hưởng tới 20% dân số

"Viêm mũi dị ứng và mề đay, thoạt nghe có vẻ không liên quan đến nhau, nhưng chúng đều là dị ứng của cơ thể, thể hiện ở các cơ quan khác nhau, gây nên những bệnh khác nhau. Tìm hiểu rõ hơn nữa về căn bệnh, cập nhật các thông tin mới về điều trị là một "vũ khí" rất tốt để chống lại căn bệnh khá phổ biến này", PGS.TS Bác sĩ Võ Thanh Quang, Giám đốc Viện Tai - Mũi - Họng TƯ mở đầu cuộc hội thảo có sự tham gia của gần 200 bác sĩ chuyên ngành tai mũi họng và da liễu đang công tác tại các bệnh viện ở Hà Nội và khu vực phía Bắc.

Các chuyên gia y tế cho biết, tại Việt Nam, dị ứng ảnh hưởng đến 20% dân số. Bệnh thường bắt đầu trước 20 tuổi (80% số trường hợp mắc), tuổi khởi phát trung bình từ 8 đến 11 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở độ tuổi 12-15. Ở người lớn, tỷ lệ mắc đều giữa nam và nữ, còn với trẻ em thì nam mắc bệnh nhiều hơn so với nữ. Tần suất bệnh xuất hiện ở thành thị cao hơn nông thôn.

Dị ứng là một trong bốn hình thức biểu hiện của chứng quá mẫn cảm, là phản ứng không thích hợp của hệ thống miễn dịch với những chất bình thường. Dị ứng nhẹ rất phổ biến, gây ra các triệu chứng như viêm kết mạc dị ứng, ngứa và chảy nước mũi. Ở mức độ trung bình, dị ứng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm mũi dị ứng như nghẹt mũi, sung huyết mũi, nhức đầu, giảm độ nhạy khứu giác, khó thở… khiến giấc ngủ người bệnh lâm cảnh bất thường, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, hạn chế khả năng học tập, làm việc. Ở một số người, khả năng mắc dị ứng nặng đối với các chất gây dị ứng trong môi trường, thức ăn hoặc một số loại thuốc y dược có thể gây sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng.

Theo các chuyên gia y tế, có đến 10% dân số mắc viêm mũi dị ứng. Tuy hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi... không nguy hiểm nhưng các triệu chứng này khiến cho cuộc sống của những người có cơ địa mẫn cảm gặp nhiều phiền toái. Tâm lý chủ quan khiến người bệnh lầm tưởng mình bị cảm và dùng các loại thuốc cảm giúp giảm đau, hạ sốt. Họ chỉ tìm đến bác sĩ khi bệnh đã ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và cuộc sống. Thông tin của bệnh nhân về những biểu hiện, vốn có sự tương đồng giữa hai căn bệnh nói trên, đôi khi khiến các bác sĩ và dược sĩ không thể cho thuốc điều trị đúng. Việc sử dụng thuốc không đúng kéo dài có thể làm nặng thêm triệu chứng, ảnh hưởng lớn đối với tinh thần và chất lượng sống của người bệnh.

Dễ chẩn đoán,khó điều trị?

Mặc dù cách phòng tránh tốt cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, lông thú, côn trùng và một số loại thực phẩm, nhưng rất khó để tránh tiếp xúc với dị nguyên một cách hoàn toàn. Do đó, kiến thức về xử lý và điều trị viêm mũi dị ứng là vô cùng cần thiết.

Trao đổi với các bác sĩ tại hội thảo, TS. BS Kenneth Oo (Cố vấn phẫu thuật tai - mũi - họng, BV Mount Elizabeth, giảng dạy tại BV Đa khoa Singapore và Changi, BV Đại học Quốc gia Singapore) chia sẻ, việc điều trị viêm mũi dị ứng chỉ bằng thuốc kháng histamine và steroid nhỏ mũi là chưa đầy đủ. Ông khuyên các đồng nghiệp không được quên truyền kiến thức về bệnh cho bệnh nhân, từ việc tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng bằng cách cho đi những vật nuôi mà họ yêu quý như chó, mèo; hạn chế tiếp xúc với bụi, tự bảo vệ mình khỏi côn trùng, bụi ẩm, nấm mốc, phấn hoa, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc với môi trường lạ, bẩn; giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ thay đổi hoặc khi chuyển mùa... cho đến việc thị phạm xem họ xỉ mũi ra sao, trong trường hợp phải dùng thuốc thì dùng thế nào cho hiệu quả. Theo các chuyên gia Singapore, chỉ có thuốc kháng-histamin thế hệ thứ hai mới được khuyên dùng để điều trị viêm mũi dị ứng bởi ưu điểm của nó là hiệu quả tác động nhanh (ngay trong giờ đầu tiên), hiệu quả kéo dài suốt 24 giờ (chỉ dùng liều 1 lần trong ngày), ít gây ra tương tác thuốc so với thuốc thế hệ thứ nhất.

Thông điệp chung mà các chuyên gia, bác sĩ chuyển tải trong hội thảo là nâng cao ý thức phòng tránh bệnh, chủ động kiểm soát môi trường, tránh xa các tác nhân gây dị ứng, đồng thời có hướng xử lý kịp thời khi người dân mắc phải viêm mũi dị ứng và các bệnh dị ứng về da. Việc tưởng nhỏ nhưng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho ít nhất 10% dân số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dị ứng - xin chớ coi thường!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.