Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đấu thầu - Thuốc chất lượng lên ngôi

Thanh Tùng| 18/12/2013 15:25

(HNMO) - Các quy định mới này được liên bộ xây dựng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc cạnh tranh, công bằng minh bạch và hiệu quả kinh tế của Luật đấu thầu.


Nước cất ống nhựa Sterilised Water Inj 5ml


Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết: “Đến nay, các bệnh viện và các sở Y tế trên toàn quốc đang triển khai áp dụng các quy định mới về đấu thầu. Qua đánh giá quá trình tổ chức thực hiện việc mua sắm thuốc năm 2013 của các bệnh viện cũng như kết quả đấu thầu đã cho thấy sự ưu việt cũng như hiệu quả của các quy định mới”.

Cụ thể, theo quy định cũ về đầu thầu thuốc, việc xây dựng hồ sơ mời thầu, các tiêu chí phân nhóm tiêu chuẩn chất lượng thuốc để đánh giá nhà thầu và sản phẩm dự thầu chưa được quy định rõ ràng. Do đó, việc thực hiện và kết quả đấu thầu không thống nhất và có nhiều bất cập. Đây là tồn tại lớn nhất đã được khắc phục tại Thông tư liên tịch 01, theo đó đã có quy định rõ ràng về việc phân nhóm thuốc căn cứ vào các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà máy sản xuất (tiêu chuẩn GMP) và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.

Đồng thời, theo Cục Quản lý Dược phẩm, Thông tư số 11 của Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể về hồ sơ mời thầu mua thuốc để các cơ sở y tế áp dụng thống nhất với các tiêu chí xét thầu, chấm điểm rõ ràng, công khai, minh bạch qua đó đảm bảo sự cạnh tranh công bằng của các nhà thầu để lựa chọn ra sản phẩm với chất lượng đảm bảo và chi phí hợp lý nhất.

Theo số liệu tổng hợp từ Cục Quản lý dược, nhờ 2 văn bản trên, hiệu quả kinh tế của các gói thầu đã được cải thiện một cách rõ ràng. Qua báo cáo nhanh của một số sở Y tế về trị giá trúng thầu theo quy định mới so với kế hoạch tương tự theo giá trúng thầu của năm trước thì kết quả đấu thầu của Sở Y tế Quảng Ngãi giảm/tiết kiệm được khoảng 28 tỉ đồng (~24%), Sở Y tế Quảng Ninh giảm/tiết kiệm được khoảng 40 tỉ đồng (~20%), Sở Y tế Hà Tĩnh giảm/tiết kiệm được khoảng 32 tỉ đồng (~25%), Sở Y tế Hậu Giang giảm/tiết kiệm được khoảng 57 tỉ đồng (~ 31%).

Qua phân tích kết quả trúng thầu của 7 sở Y tế đã thực hiện đấu thầu theo quy định mới và báo cáo về Bộ Y tế, cho thấy rằng, khi so sánh trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỉ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm khoảng 30% trị giá thuốc trúng thầu tại các bệnh viện) với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012, thì số tiền tiết kiệm được là 115,49 tỉ đồng, tương đương với 28% tổng trị giá trúng thầu của các mặt hàng này tại 7 sở Y tế.

Ngoài ra, một số nhóm thuốc cụ thể qua khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố như: Levofloxacin 500mg/100mg năm 2012, mua 8 mặt hàng với 5,249 tỉ đồng/36.563 viên, năm 2013 mua 9 mặt hàng với 5,613 tỉ đồng/52.530 viên (tiết kiệm được 34,43% chi phí sử dụng); Kháng sinh Imipenem + Cilastatin (500mg + 500mg) năm 2012 mua 8 mặt hàng với 4,948 tỉ/17.567 lọ, năm 2013 mua 7 mặt hàng với 11,984 tỉ đồng/57.500 lọ (tiết kiệm 35,15% chi phí sử dụng)…

Khi so sánh giá của các mặt hàng thuốc cụ thể cùng nhà sản xuất, cùng tên thương mại trúng thầu năm 2012 (theo quy định cũ) và năm 2013 (theo quy định mới) tại các bệnh viện, hầu hết các mặt hàng năm 2013 đều có giá giảm so với năm 2012, nhiều mặt hàng có giá giảm mạnh như: Fascort (Methyl prednisolon 4mg) giảm 42,86%; Quincef (Cefuroxim 125mg) giảm 34,64%; Teonam (Imipenem 500mg + Cilastatin 500mg) giảm 10,6%; Getzlox (Levofloxacin 750mg) giảm 6,88%...

“Như vậy, với việc sửa đổi và ban hành các quy định mới về đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, công tác đấu thầu đã được chấn chỉnh một cách cơ bản và đồng bộ trong việc tổ chức và triển khai thực hiện từ cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở y tế và các doanh nghiệp. Triển khai thực hiện tốt các quy định này sẽ đảm bảo công tác đấu thầu mua thuốc tuân thủ đúng các nguyên tắc, quy định của Luật đấu thầu và góp phần vào việc lựa chọn các thuốc đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý, tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế, người bệnh và ngân sách nhà nước cũng như quỹ bảo hiểm y tế”, ông Cường khẳng định.

Theo bác sỹ Đỗ Ngọc Thể làm việc tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội, các quy định mới này đã giúp giảm giá đấu thầu thuốc một cách đáng kể cho các bệnh viện như 108, 354, Việt Đức, Bạch Mai, Saint Paul... Qua đó, nhiều loại thuốc chất lượng cao nhưng đắt tiền đã có giá thấp hơn, tạo điều kiện cho nhiều người bệnh tiếp cận hơn.

“Trước đây, các bệnh viện tự do đấu thầu thuốc nên giá thuốc tăng tự do nên người bệnh luôn chịu thiệt thòi”, bác sỹ Thể cho biết.

“Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng thuốc chất lượng cao thì không bao giờ có giá rẻ, bởi vì chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào, công nghệ sản xuất, và chi phí xử lý rác thải sau sử dụng đều cao”, bác sỹ này phân tích.

Xin đơn cử, sản phẩm nước cất pha tiêm ống nhựa Sterilised Water Inj 5ml của Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm trung ương 1 phân phối được sản xuất theo công nghệ BFS (Blow/Fill/Seal) - Đây là công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, chuyên sản xuất các sản phẩm thuốc dạng lỏng đựng trong chai/ống nhựa. Là một quy trình sản xuất hoàn toàn tự động và liên tục, BFS đã được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ công nhận là một công nghệ vô trùng cao cấp, được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Tất cả các quy trình sản xuất được thực hiện trong một khuôn máy khép kín, bảo đảm an toàn vô trùng tuyệt đối.

Tại Việt Nam, sản phẩm này đáp ứng yêu cầu của chương trình Chăm sóc người bệnh an toàn của Bộ Y tế, và hiện đang được sử dụng rộng rãi trên thị trường và các bệnh viện.

Mặc dù có giá thành đắt hơn sản phẩm cùng loại làm bằng ống thủy tinh, nhưng sản phẩm này có nhiều ưu thế vượt trội. Cụ thể, bao bì của loại ống tiêm này được làm từ nhựa polypropylen đặc biệt, đảm bảo không có hóa chất gây độc hòa tan vào nước cất pha tiêm, tuân theo tiêu chuẩn Dược điển Anh 2010.

Chị Nguyễn Thu Hà, y tá tại Trạm Y tế Phường Quán Thánh (thuộc Trung tâm Y tế Quận Ba Đình – Hà Nội) cho biết sản phẩm nước cất pha tiêm ống nhựa 5ml này tuyệt đối an toàn, tránh nguy hiểm do vật sắc nhọn cho bệnh nhân.

“Có mặt trên thị trường từ khá lâu, loại ống nước cất này rất tiện dụng vì đầu ống làm bằng nhựa, dễ bẻ hơn ống thủy tinh, tránh thủy tinh vỡ làm đứt tay và bụi thủy tinh rơi vào bên trong ống nước cất. Ngoài ra, việc vận chuyển và bảo quản sản phẩm này cũng dễ dàng và không hay bị vỡ như các sản phẩm bằng thủy tinh”, chị Hà cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu thầu - Thuốc chất lượng lên ngôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.