Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào trong dịp Tết

Trang Thu| 04/02/2014 07:19

(HNM) - Từ 30 Tết cho đến chiều mùng 4 Tết, trên toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.



Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Trung, vào dịp Tết, các gia đình thường chế biến sẵn thức ăn dự trữ và dùng trong vài ngày. Thức ăn dù đã nấu chín nhưng nếu để lâu lại là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì vậy, ngộ độc thức ăn và tiêu chảy cấp là những bệnh rất thường gặp trong mùa Tết. Nếu bị ngộ độc, người bệnh hãy tìm cách nôn ra hết số thực phẩm đó, sau đó uống oresol để bù lại lượng nước và muối đã mất. Nếu thấy tình trạng nặng thì phải đi cấp cứu ngay, tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập. Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp với các viện khu vực, các chi cục an toàn thực phẩm tại địa phương để theo dõi và xử lý kịp thời nếu có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

* Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2014 cả nước có khoảng trên 12 nghìn đoàn thanh tra, kiểm tra ATVSTP được thành lập. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, đã có hơn 69 nghìn cơ sở được thanh tra, kiểm tra, trong đó phát hiện hơn 16 nghìn cơ sở vi phạm ATVSTP (chiếm 23,5%). Cơ quan chức năng đã xử lý hơn 2,4 nghìn cơ sở, trong đó phạt tiền hơn 1,2 nghìn cơ sở với tổng số tiền là hơn 3,8 tỷ đồng. Qua kiểm nghiệm, hơn 11,2 nghìn mẫu về ATVSTP, đã phát hiện 43/786 mẫu (chiếm 5,8%) không đạt về chỉ tiêu lý, hóa, như: Độ ẩm vượt quá mức công bố; chất bảo quản, chất tạo ngọt vượt quá giới hạn cho phép và một số mẫu phát hiện sử dụng chất phụ gia ngoài danh mục cho phép, gồm có hàn the, RodaminB, rượu chứa methanol; 28/408 mẫu (chiếm 6,8%) không đạt về chỉ tiêu vi sinh, tổng số vi khuẩn hiếu khí vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Kết quả xét nghiệm nhanh với hơn 10 nghìn mẫu cũng cho thấy có hơn 1,9 nghìn mẫu không đạt, chiếm 18,8%. Một số mặt hàng được phát hiện vi phạm quy định về ATVSTP có tính chất điển hình như: Sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATVSTP (lòng, nầm heo, nầm bò đã bị hỏng, hôi thối, bốc mùi...); bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, rượu chứa hàm lượng methanol cao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào trong dịp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.