Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm tiêm đủ vắc xin phòng sởi cho khoảng 200 nghìn trẻ dưới 2 tuổi

Trang Thu| 21/02/2014 06:43

(HNM) - Ngày 20-2, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, hiện nay, không riêng ở Việt Nam mà dịch sởi đã xuất hiện ở Lào, Trung Quốc, Campuchia…


Tại Hà Nội, nhờ việc tiêm chủng đạt tỷ lệ cao nên dịch sởi không bùng phát, chỉ ở mức độ rải rác. Cũng theo ông Trần Đắc Phu, khác với các bệnh khác, sởi có mức độ lây lan rất nhanh. Trẻ chưa tiêm phòng sởi sẽ có biểu hiện bệnh nhanh chóng khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

Từ năm 2006 đến nay, Bộ Y tế triển khai tiêm 2 mũi vắc xin phòng sởi. Vào ngày 23-2, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến phát động chiến dịch tiêm vắc xin sởi tại 63 tỉnh, thành phố. Dự kiến trong tháng 3 và tháng 4, các địa phương trên cả nước sẽ đồng loạt tiến hành tiêm đủ vắc xin phòng sởi cho khoảng 200 nghìn trẻ dưới 2 tuổi. Để hướng tới loại trừ bệnh sởi, tất cả các trạm y tế xã, phường cần rà soát danh sách trẻ trong độ tuổi này chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ các mũi vắc xin sởi.

*Cùng ngày, theo tin từ Cục Y tế dự phòng, hiện nay, bệnh thủy đậu bắt đầu xuất hiện ở nhiều địa phương, có tốc độ lây lan nhanh. Điều đáng chú ý là vắc xin phòng bệnh thủy đậu không nằm trong danh sách 11 loại vắc xin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và vì vậy, các cơ sở tiêm chủng chưa có dự trù kịp thời. Để bảo đảm cung ứng đủ vắc xin, Cục Quản lý dược đã xét duyệt khẩn cấp và có Công văn số 2108/QLD-KD ngày 18-2-2014 để Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu 77.600 liều Varicella Vaccine - GCC inj nhằm đáp ứng nhu cầu và sẽ tiếp tục cho phép nhập khẩu nếu có nhu cầu.

*Chiều 20-2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông báo về diễn biến tình hình dịch cúm A/H7N9. Theo đó, từ đầu năm 2014 đến ngày 19-2 đã có 197 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 tại 14 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, trong đó có 32 trường hợp tử vong. Riêng tại tỉnh Quảng Tây (giáp biên giới Việt Nam) hiện đã có 3 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Đáng lo ngại, virus cúm A/H7N9 gây nhiễm trên gia cầm nhưng gia cầm lại không có biểu hiện triệu chứng. Chính vì vậy rất khó phát hiện gia cầm bị ốm, nhiễm virus cúm A/H7N9. Trước tình hình đó, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã cảnh báo nguy cơ lây lan virus cúm A/H7N9 qua biên giới giữa Quảng Tây và Việt Nam cũng như các tỉnh biên giới của các nước khác (Myanmar, Lào) là rất cao. Hiện Bộ Y tế đã áp dụng đối phó với 4 tình huống có thể xảy ra.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện mức độ chống dịch đang được áp dụng ở tình huống 1 (khi dịch chưa xuất hiện) nhưng với nguy cơ bùng phát dịch cao như thời điểm này thì công việc phải chuẩn bị ở tình huống 2, tức khi dịch xuất hiện. Đặc biệt, việc giám sát cần đẩy mạnh hơn để phát hiện sớm đối tượng nhiễm cúm, nhất là không để xảy ra tử vong. Theo ông Trần Đắc Phu, phía Trung Quốc khẳng định chưa có bệnh nhân kháng thuốc Tamiflu. Hiện nay, ngoài cơ số thuốc dự trữ đầy đủ, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương phải dự trù số thuốc Tamiflu đủ đề phòng khi dịch xuất hiện. Bộ Y tế cũng giao cho các sở y tế chủ động được quyền mua thuốc để đủ thuốc điều trị khi có bệnh nhân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tiêm đủ vắc xin phòng sởi cho khoảng 200 nghìn trẻ dưới 2 tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.