Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn sức chống sởi

Châu Duyên| 25/04/2014 07:03

(HNM) - Quá hoang mang lo lắng trước diễn biến của bệnh sởi, người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã ùn ùn đi tiêm ngừa vắc xin và… nhập viện, khiến Viện Pasteur và các bệnh viện lớn của thành phố quá tải.

Trẻ chờ tiêm vắc xin sởi ở Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh sáng 23-4.


Ồ ạt tiêm ngừa và… nhập viện!

Liên tục trong cả tuần qua, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng đông nghẹt người đến tiêm ngừa. Có mặt tại nơi này vào buổi sáng 24-4, bên ngoài người ngồi chờ tiêm ngừa la liệt ở hành lang, bên trong các bác sĩ tất bật làm việc. Chị Xuân Lan, nhà ở quận 6, đưa con gái 30 tháng tuổi đến tiêm ngừa cho biết, bé đã được tiêm ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi, đến mũi tiêm thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì có thông tin các cháu bé bị biến chứng do vắc xin nên chị không dám đưa con đi tiêm nhắc. Bây giờ dịch sởi bùng phát chị lại sợ hãi mang bé đi tiêm. Chị Minh Hoa (nhà quận 2) đưa hai con, một bé 24 tháng và một bé 4 tuổi đến Viện Pasteur từ lúc 8h sáng chờ mãi đến 10h30 mới đến lượt tiêm. Lý do tiêm trễ cũng vì sợ phản ứng sau tiêm nên ngần ngại không cho con đi tiêm nhắc. Theo quan sát, rất nhiều bé chích ngừa mũi tiêm nhắc thứ hai lớn hơn 24 tháng tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng phòng Khám - tiêm ngừa, Viện Pasteur thành phố cho biết, lượng người đến tiêm ngừa ở Viện đang quá đông, hiện mỗi ngày có đến gần 2.000 người đến khám và tiêm sởi. Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng ồ ạt đi tiêm ngừa sởi. Dỗ dành đứa con trai 5 tuổi ăn trưa trong cái nắng nóng hầm hập ở hành lang, chị Nguyễn Thị Liên (ở tỉnh Long An) cho biết, chị đi từ 6h sáng và đến Viện Pasteur lúc gần 10h, chỉ kịp lấy số thứ tự tiêm cho con, nhưng phải chờ sau 300 người mới đến lượt. Riêng chị không kịp lấy số thứ tự trong buổi sáng, phải chuyển sang buổi chiều nên hai mẹ con ngồi hành lang chờ đợi.

Tình hình quá tải cũng diễn ra tại các Bệnh viện Nhiệt đới, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2. Theo Phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Nhiệt đới), mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng 50 ca sởi mắc mới cả trẻ em và người lớn, trong đó số ca bệnh từ các tỉnh khoảng 30%. Các bác sĩ đã phải dành toàn bộ khoa nội A để điều trị bệnh sởi. Tương tự tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2, lượng trẻ em nhập viện vì bệnh sởi cũng tăng vì phụ huynh lo lắng đưa con đến khám và nhập viện.

Dồn sức ngay từ cơ sở

Bệnh sởi bùng phát cùng với thời tiết nắng nóng làm lượng trẻ em mắc bệnh tăng cao khiến ngành chức năng TP Hồ Chí Minh chịu rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, cách phòng chống phân loại bệnh và chăm sóc của thành phố khiến nhiều bậc phụ huynh phần nào an tâm.

Anh Hà Văn Minh hoảng hốt khi thấy con trai 14 tháng tuổi của mình có biểu hiện sốt. Đưa con đến Trạm xá Bình Trưng Tây (quận 2), anh được bác sĩ khuyến cáo tận tình rằng, chứng sởi là khá nguy hiểm nhưng không phải bệnh nhi nào cũng cần nhập viện khi trẻ mới chỉ có biểu hiện nóng, sốt bình thường. Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi nên đưa đến các cơ sở y tế ban đầu gần nhất để được khám, điều trị và hướng dẫn chăm sóc kịp thời, hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Khi trẻ bị sởi, nếu có biểu hiện khó thở, bị ói mửa, tiêu chảy thì nên nhập viện. Sau khi thăm khám bé, các bác sĩ ở trạm xá ngay lập tức liên lạc với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố. Anh Minh đã rất ngạc nhiên khi ngay sau đó liên tục được các cán bộ của trung tâm này gọi điện thoại hỏi han, khuyến cáo và hướng dẫn cách chăm sóc bé. Hiện bé vẫn còn sốt phải theo dõi thường xuyên nhưng chính cách chăm sóc của các bác sĩ như trên nên anh Minh an tâm, bình tĩnh làm theo lời dặn.

Bà Cao Thị Minh, Trưởng trạm y tế phường Bình Trưng Tây, người trực tiếp tiếp nhận và hỗ trợ cháu bé cho biết, nhiệm vụ đầu tiên của các trạm y tế là phòng bệnh nên khi có thông tin trẻ em bị bệnh như sởi, thủy đậu… thì các cán bộ lập tức đề nghị mang đến bệnh xá hoặc trực tiếp đến nhà xem tình hình bé để tư vấn các bước chăm sóc và điều trị phù hợp. Đặc biệt trong dịch sởi hiện nay thì công tác này ở các trung tâm y tế phường, xã càng được tăng cường.

Theo các bác sĩ, để phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ, ngoài việc tiêm vắc xin thì các bậc phụ huynh nên tăng cường công tác chăm sóc trẻ. Người lớn đi ra ngoài về cần rửa tay, thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ; không nên đưa trẻ em dưới 18 tháng tuổi, đặc biệt là dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm phòng) đến nơi tập trung đông người, nguy cơ lây bệnh cao; trẻ dưới 9 tháng tuổi phải được cách ly tuyệt đối với người mắc bệnh ít nhất 10 ngày. Các bác sĩ cũng cho biết, ở các tỉnh, thành phố đều có vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và vắc xin sởi dịch vụ, do vậy người dân nên đưa con đến các nơi này để tiêm ngừa, không cần thiết phải đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để tiêm ngừa như hiện nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn sức chống sởi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.