Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp “cung” gặp “cầu”, tăng nguồn hiến tặng

Thu Trang| 20/09/2014 06:06

(HNM) - Ghép tạng ở nước ta đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, nhu cầu ghép lớn, nguồn cung hạn hẹp và nhiều kẻ đang lập đường dây buôn bán tạng để kiếm lợi.



Thực tế đang đặt ra yêu cầu về mặt quản lý, mục tiêu là khắc phục những "lỗ hổng pháp lý", giúp "cầu" gần "cung", đưa việc ghép tạng trở về với ý nghĩa nhân đạo cao cả, góp phần mang lại sự sống cho nhiều người.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân được ghép tim tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Ảnh: TTXVN


"Cầu" lớn, "cung" ít - mồi ngon cho kẻ trục lợi

Sau hơn 20 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên trên người được tiến hành tại Học viện Quân y (năm 1992), đến nay các chuyên gia trong nước đã thực hiện 1.000 ca ghép thận, 46 ca ghép gan, 11 ca ghép tim; 1.400 người đã được ghép giác mạc và 1 trường hợp được ghép cùng lúc cả thận và tụy. Theo đánh giá của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nay ghép tạng là giải pháp điều trị hiệu quả cho những trường hợp bị suy chức năng phủ tạng giai đoạn cuối. Nhiều trường hợp đã sống thêm nhiều năm sau khi được ghép tạng từ người hiến tình nguyện còn sống và người hiến chết não. Tuy vậy, số người được hưởng lợi từ việc ghép tạng không bao nhiêu so với số đang chờ đợi tạng để có thể được ghép. Hiện nay, riêng ghép thận đã có khoảng 6.000 người có chỉ định ghép; ngoài ra, có hàng trăm ca khác đã có chỉ định ghép gan, tim…

Việt Nam đã có Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác từ năm 2007 nhưng số người hiến ghép tạng chỉ đếm trên đầu ngón tay. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt - Đức, nơi đứng đầu cả nước về ghép tim với 7 trường hợp thành công do tiếp nhận được tạng hiến từ người cho chết não, cho biết: Mặc dù các chuyên gia ghép tạng của Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ về kỹ thuật, công tác tổ chức, điều kiện trang thiết bị và thuốc đã đáp ứng được yêu cầu đối với phẫu thuật ghép tạng, nhưng do nguồn tạng hiến rất ít ỏi nên số bệnh nhân được ghép còn rất thấp so với nhu cầu thực tế.

Theo các chuyên gia y tế, nếu có 4-5 trường hợp chết não mỗi ngày ở BV Việt - Đức hiến tặng tạng thì trong chưa đầy một năm sẽ giải quyết được hết số bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng đang điều trị tại BV này. Tuy nhiên, việc vận động người thân của người chết não hiến tạng là cực kỳ khó khăn bởi không ai muốn đề cập tới việc hiến tạng ngay vào thời điểm gia đình đang đau buồn. Trong khi đó, tạng của người chết não cần được lấy ngay, nếu để một thời gian sau thì không còn tác dụng. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang, ở nhiều quốc gia, việc lấy - ghép tạng từ người chết não chiếm đến 90%, chỉ có 10% nguồn tạng được lấy từ người nhà bệnh nhân. Ở Việt Nam thì ngược lại, có đến 90% ca ghép tạng thực hiện nhờ người thân của bệnh nhân.

Chính nguồn cung nội tạng khan hiếm đã tạo cơ hội cho những đường dây buôn bán tạng tìm được "đất diễn". Theo thông tin từ một số đơn vị ghép tạng, các trường hợp hiến, ghép thận trước khi làm thủ tục lấy, ghép đều phải chứng minh với BV là có quan hệ huyết thống với người bệnh hoặc việc cho thận là tự nguyện, nhân đạo, không vì tiền. Nhằm qua mặt Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người của các BV, những kẻ trục lợi đã tìm cách "phù phép" giấy tờ pháp lý khiến người bán - mua nội tạng… bỗng nhiên trở thành họ hàng thân thích. Có nơi từng phát hiện một số trường hợp làm giả xác nhận của chính quyền về mối quan hệ họ hàng để hợp thức hóa việc cho - nhận tạng hiến. Có trường hợp người chồng cam kết tự nguyện hiến thận cho vợ bị suy thận giai đoạn cuối, thế nhưng đến khi làm thủ tục thì người hiến biến mất, lúc đó BV mới biết đó chỉ là "chồng hờ"…

Bịt "lỗ hổng"

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định, tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên đều có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người; nghiêm cấm hành vi mua - bán mô, bộ phận cơ thể người dưới mọi hình thức. "Luật đặt tính chất nhân văn, nhân đạo lên hàng đầu và coi hành vi hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người là hành vi cao cả, nhân đạo, vì tình thương đồng loại", ông Nguyễn Huy Quang nói.

Tuy đã có luật nhưng ở lĩnh vực ghép tạng, Việt Nam đi sau thế giới nên không tránh khỏi vấp váp. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, việc ghép tạng đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, nhất là trong vấn đề cho - nhận tạng. Nhưng đó là việc không đơn giản bởi bác sĩ không có chuyên môn, nghiệp vụ để kiểm tra, xác minh xem giấy tờ thật - giả thế nào. Mặt khác, do có quá ít người hiến tạng nên mỗi khi có một ca hiến tạng thì không chỉ người bệnh mà BV cũng lấy làm mừng. Tâm lý dễ thấy của phía BV là hạn chế "hành tỏi" về thủ tục, giấy tờ bởi nếu làm gắt quá thì sợ không có ai hiến tặng nữa. Đó chính là "lỗ hổng" mà những kẻ buôn bán tạng lợi dụng.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, sự dễ dãi trong việc xác nhận mối quan hệ thân thuộc giữa người hiến - nhận tạng thường xảy ra ở khu vực nông thôn, nơi chính quyền địa phương thể hiện sự "nể nang". Do đó, thời gian tới, khâu xét duyệt hồ sơ cần phải được thắt chặt, người đặt bút ký duyệt phải thận trọng hơn. Nhằm hạn chế tối đa trường hợp vi phạm pháp luật trong vấn đề hiến ghép tạng, trong đó có việc mua bán thận, cách đây 1 tuần, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các đơn vị ghép tạng trên toàn quốc, yêu cầu khẩn trương rà soát các hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Ngoài những giải pháp tức thời, Bộ Y tế đã có kế hoạch thúc đẩy nguồn tạng hợp pháp bằng cách thành lập Hội tình nguyện hiến tặng tạng sau khi họ qua đời, hoặc từ người thân bị tai nạn chết não. Mục tiêu của việc này là tạo ra trào lưu hiến tạng mang tính chất nhân văn, tựa như phong trào hiến máu nhân đạo. Đó là việc tốt bởi khi nguồn tạng hiến tăng lên, "cung" - "cầu" cân bằng thì những đường dây buôn bán nội tạng sẽ không còn đất sống.

Dành cho người liên quan đến hiến tạng

- Người Châu Âu quan niệm, họ và người thân cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi quả thận hay tim của mình vẫn còn đập trong cơ thể của người khác sau khi họ qua đời. Người Á Đông cũng có thể thay đổi tư duy trong việc hiến tạng.

- Các chuyên gia y học ví hai quả thận như cặp vợ chồng. Nếu cặp vợ chồng ấy hạnh phúc sẽ giữ gìn được tổ ấm và nuôi dạy con cái tốt hơn. Cũng như việc mất một quả thận thì quả thận còn lại phải gánh vác thay quả thận kia, ảnh hưởng xấu đến việc điều tiết trong cơ thể, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Chính vì vậy, những người vì hoàn cảnh nào đó mà phải rao bán thận nên suy nghĩ lại, vì không gì bằng sức khỏe.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp “cung” gặp “cầu”, tăng nguồn hiến tặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.