Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều bệnh nguy hiểm đang bủa vây

Thu Trang| 21/09/2014 06:41

(HNM) - Nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi như cúm A/H7N9, Ebola, Mers-CoV, bại liệt… đang tạo áp lực cho hệ thống y tế của các nước ASEAN, đe dọa an ninh y tế toàn cầu. Đó là lời cảnh báo được đông đảo chuyên gia y tế đưa ra tại hội thảo chuyên đề về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong khuôn khổ

Châu Á - Thái Bình Dương dễ xảy ra dịch bệnh

Hơn 10 năm qua, thế giới ghi nhận hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi với số ca mắc và tử vong cao, tập trung nhiều nhất ở khu vực Châu Á và Châu Phi. Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, có thể cảm nhận tần suất của sự xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm mới nổi tăng lên trong vài thập kỷ qua.

Diễn tập phòng chống dịch Ebola tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Ảnh: Nguyễn Thạnh


Các nước ASEAN có nền kinh tế năng động và vì thế dễ bị tổn thương bởi các bệnh truyền nhiễm. Nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nằm trong khu vực nhiệt đới, có điều kiện tự nhiên thích hợp cho các bệnh truyền nhiễm xâm nhập và phát triển. Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, hơn 70% số bệnh truyền nhiễm lây sang người là bệnh mới nổi. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra với tốc độ nhanh, sự biến đổi khí hậu, môi trường, mật độ dân cư đông đúc, sự gia tăng hiện tượng kháng thuốc… làm tăng cơ hội phát tán tác nhân lan truyền bệnh. Những nguyên nhân nói trên còn góp phần dẫn đến sự thay đổi đặc tính di truyền học của virus theo hướng thích nghi và dễ lây sang người. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, nếu như trước kia virus cúm gia cầm chỉ thích nghi trên gia cầm thì nay, chúng đã thay đổi và thích nghi trên người, có thể lây từ người này sang người khác một cách dễ dàng. "Sự biến đổi này không chỉ có ở chủng virus dễ thay đổi để thích nghi như virus cúm, chủng virus Ebola hay Mers-CoV cũng có khả năng truyền bệnh từ động vật sang người", GS.TS Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh.

Giám đốc quản lý các chương trình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng, những năm gần đây, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là nơi dễ xảy ra một số dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi đặc biệt nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H5N6, cúm A/H7N9, Ebola… Đến thời điểm này, dịch bệnh nguy hiểm Ebola không còn là nỗi ám ảnh của các quốc gia khu vực Châu Phi, mà đã trở thành mối đe dọa toàn cầu. Dịch Ebola tại một số nước Châu Phi đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Từ đầu vụ dịch đến ngày 16-9, châu lục này ghi nhận 5.047 ca mắc, trong đó có 2.496 tử vong. Việt Nam, cũng như các nước ASEAN khác, dù chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao. Cùng với Ebola, ASEAN cũng cần phải đặc biệt cảnh giác trước dịch cúm A/H7N9 vốn đã khiến Trung Quốc điêu đứng...

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam vẫn phải đặc biệt lưu ý đến những dịch bệnh mới nổi, nhất là trong mùa đông - xuân sắp tới. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ gửi văn bản tới Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc lưu ý thích đáng đối với những dịch bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt là dịch cúm A/H7N9 đang có diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai biện pháp phòng chống những bệnh hiện đang lưu hành trong nước như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng...

Những bài học hữu ích

Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN là dịp quan trọng để các quốc gia cùng xem xét, đánh giá thách thức mà ngành y tế khu vực đang phải đối mặt, từ đó tạo khung hành động và hợp tác để phát triển hệ thống y tế của mỗi quốc gia, tăng cường khả năng đối phó với các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Việt Nam có được những bài học hữu ích từ hội nghị. Đầu tiên là bài học từ Malaysia. Khi dịch Mers-CoV xâm nhập, ngay lập tức quốc gia này đã lập ra Ủy ban ứng phó, đề ra kế hoạch phòng chống dịch cụ thể. Trong kế hoạch đó, điểm nhấn quan trọng được gọi là "Truyền thông nguy cơ", tức tăng cường năng lực cung cấp thông tin về nguy cơ, diễn biến của dịch cũng như các biện pháp phòng chống cho người dân. Vấn đề quan trọng khác là bằng mọi giá bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, phòng xét nghiệm...

Chia sẻ biện pháp ứng phó với cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, bà Wang Lili, chuyên gia thuộc Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết: Qua phân tích dịch tễ, hơn 80% số ca bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hay môi trường tương tự trước khi khởi phát bệnh. Sự lây lan của virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc được ghi nhận chủ yếu từ chợ bán buôn gia cầm lan sang chợ bán lẻ gia cầm sống, sau đó lây truyền sang người. Để đối phó, ngay lập tức Trung Quốc đã huy động cùng lúc sự vào cuộc của ngành y tế, nông nghiệp, giao thông - vận tải, lương thực và dược phẩm. Cùng với việc tăng cường biện pháp giám sát trường hợp nghi nhiễm cúm, mắc cúm chưa rõ nguyên nhân, theo dõi thể trạng người tiếp xúc gần trong vòng 7 ngày, theo bà Wang Lili, vấn đề vệ sinh môi trường các khu chợ bán gia cầm sống ở khu vực bị ảnh hưởng được đặc biệt chú trọng. Ngoài việc vệ sinh, khử trùng, hạn chế và không lưu trữ qua đêm gia cầm sống, Trung Quốc đã đóng cửa chợ luân phiên, tăng cường quản lý chợ bán gia cầm... Nhờ các biện pháp quyết liệt nói trên, số ca mắc cúm A/H7N9 đã giảm đáng kể.

Việt Nam cũng có những giải pháp phòng chống dịch bệnh được chuyên gia y tế thế giới đánh giá cao. Chẳng hạn, với chiến dịch phòng chống Ebola là việc đề ra giải pháp kịp thời và khả năng chuyển sang hành động một cách nhanh chóng, có tổ chức. Trong thực tế, sau khi có cuộc họp của WHO tại Tây Phi, Việt Nam đã ngay lập tức kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, chỉ định yêu cầu phối hợp liên ngành và thông tin rất kịp thời về biện pháp phòng chống dịch đến người dân. Văn phòng đáp ứng khẩn cấp của Bộ Y tế là nơi chia sẻ thông tin giữa Bộ Y tế với Cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, WHO, Tổ chức nông lương của LHQ.

Kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN năm 2014 tại Hà Nội không chỉ là dịp để các quốc gia chia sẻ thông tin, kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm, mà còn tạo cơ sở thiết lập sự hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết những thách thức trong lĩnh vực y tế nói chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bệnh nguy hiểm đang bủa vây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.