Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình mục tiêu y tế: Bao nhiêu là đủ?

Thu Trang| 26/10/2014 06:00

(HNM) - Có ý kiến quan ngại về việc có chương trình đặt ra mục tiêu lớn song hiệu quả chưa cao, có chương trình nguồn kinh phí không đủ mà vẫn phải cố gắng làm...



Thậm chí, có ý kiến quan ngại về việc có chương trình đặt ra mục tiêu lớn song hiệu quả chưa cao, có chương trình nguồn kinh phí không đủ mà vẫn phải cố gắng làm...

Tiêm phòng cho trẻ tại Trạm y tế xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Ảnh: Văn Chiến


Thành tựu chưa vững chắc

Đánh giá về việc Hà Nội triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình y tế cấp thành phố trong giai đoạn 2011-2015, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, ngành y tế Thủ đô đã triển khai, thực hiện tốt 4 chương trình mục tiêu quốc gia và 19 chương trình y tế cấp thành phố, đưa Hà Nội trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe người dân.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Y tế Hà Nội) dẫn chứng những chương trình mà Thủ đô đã đạt và vượt mục tiêu đề ra như: Dự án phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng; chương trình tiêm chủng mở rộng; chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em… Riêng với công tác phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, tích cực, xử lý và dập tắt dịch kịp thời, không để dịch lớn xảy ra, hạn chế thấp nhất số người tử vong do dịch. Cũng trong 5 năm, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS được quản lý và điều trị đều tăng. Thêm vào đó, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em giảm đáng kể. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được bảo đảm, góp phần cải thiện sức khỏe và tăng tuổi thọ cho người dân.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, bên cạnh kết quả đã đạt được, thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn do địa giới hành chính rộng, dân số đông tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Việc xuất hiện một số bệnh dịch nguy hiểm trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang đặt ra vấn đề cần phải tăng cường hơn nữa cho phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, với các bệnh xã hội như: Tâm thần, lao và nhiễm HIV/AIDS có xu hướng tăng do ảnh hưởng của lối sống công nghiệp và đô thị hóa. Chỉ tính riêng chỉ tiêu điều trị Methadone năm 2015 tăng lên là 8.500 ca, gây khó khăn về nhân lực, kinh phí cũng như cơ sở hạ tầng. Thêm vào đó, một số chương trình đã triển khai hoạt động điểm nhưng kết quả đánh giá chưa sâu, do vậy chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể và thiết thực.

Một khó khăn nữa mà các chương trình mục tiêu y tế đang phải đối mặt, đó là ngân sách chi cho các chương trình hàng năm có tăng lên nhưng chưa đáp ứng đủ các nhu cầu chi phí thiết yếu để hoạt động hiệu quả. Chính nguồn kinh phí trung ương cấp cho hoạt động các mục tiêu quốc gia hàng năm hạn chế đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ, chất lượng chương trình. Một đại biểu đưa ra dẫn chứng, tại nhiều địa phương có hệ thống các khu công nghiệp với lượng công nhân nữ lớn nhưng kinh phí cho chương trình dân số - chăm sóc sức khỏe sinh sản lại "bỏ sót" lực lượng dân số đông đảo này. Chính vì vậy, trong khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của thành phố cao thì nhận thức về sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới lại hạn chế khiến cho công tác dân số tiếp tục gặp phải những thách thức về tỷ lệ nạo phá thai, mất cân bằng giới tính khi sinh... tăng cao.

Tập trung vào y tế cơ sở và dự phòng

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu trước mắt cần khẩn trương rà soát, đánh giá lại một cách khách quan những mặt đã làm được cũng như những mặt còn tồn tại để lấy đó làm cơ sở xây dựng chương trình y tế cho giai đoạn mới (từ năm 2016-2020). Bên cạnh đó, tập trung vào những chương trình quan trọng của năm 2015 để bảo đảm kết thúc, hoàn thành giai đoạn (2011-2015) theo đúng tiến độ.

Trên cơ sở phân tích những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện chương trình y tế những năm qua, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, với những chương trình thực hiện chưa hiệu quả thì cần phải thay đổi. Ví như có những chương trình cứ đưa ra mục tiêu nhưng kinh phí không đủ vẫn phải cố gắng làm. Mặt khác, các chương trình cũng cần phải đi vào thực chất chứ không phải chỉ là hình thức. Đơn cử như có những cơ sở y tế mua sắm vật tư, thiết bị để bảo đảm tiêu chuẩn theo chương trình mục tiêu đề ra nhưng sau đó lại không sử dụng đến gây ra sự lãng phí không cần thiết... "Các chương trình mục tiêu cũng phải dựa vào tình hình kinh tế - xã hội hiện tại để có những thay đổi phù hợp hơn, đạt hiệu quả cao hơn", ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Để tránh dàn trải, trọng tâm trong chương trình mục tiêu y tế Hà Nội thời gian tới sẽ tập trung vào hai vấn đề chính, đó là công tác khám, chữa bệnh và y tế dự phòng. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Hà Nội sẽ phấn đấu làm sao để y tế cơ sở phát triển, chia sẻ gánh nặng bệnh tật với bệnh nhân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu để người bệnh được hưởng lợi. Mặt khác là phải làm tốt công tác y tế cộng đồng, để tăng phòng bệnh, giảm tỷ lệ bệnh truyền nhiễm. Để làm được điều đó, Hà Nội đang tập trung vào 2 đề án mũi nhọn, một là nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh việc dự phòng một số bệnh dịch nguy hiểm, trong đó có dịch bệnh Ebola đang đe dọa an ninh toàn cầu và đề án ghép tạng.

Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020 của ngành y tế Thủ đô là phấn đấu để mọi người dân đều được cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, có điều kiện để tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Để giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được, các chương trình y tế cần tiếp tục tăng cường xã hội hóa công tác y tế, huy động mọi nguồn lực tập trung cho hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Mặt khác, tập trung chỉ đạo và đầu tư ưu tiên cho những huyện vùng sâu, vùng xa nhằm giảm sự chênh lệch các chỉ số chăm sóc sức khỏe ban đầu giữa quận và huyện.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình mục tiêu y tế: Bao nhiêu là đủ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.