Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nâng cao năng lực truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố Hà Nội”

T.Hương| 22/05/2015 11:30

(HNMO) - Sáng 22/5, tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội thảo xây dựng đề án “Nâng cao năng lực công tác truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”.


Phát biểu khai mạc, PGS,TS Nguyễn Văn Yên-Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Đảng và Chính phủ đã đầu tư nhiều cho chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSK), trong đó có truyền thông về công tác này. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội và người dân về việc CSSK chưa cao.

Thời gian qua, công tác truyền thông CSSK của ngành y tế thành phố đạt nhiều thành tích nhưng còn không ít hạn chế như: Nguồn lực thấp, kỹ năng chưa cao, trang thiết bị còn thiếu, …Hy vọng đề án này sẽ làm thay đổi toàn diện sâu sắc công tác truyền thông, giúp người dân nhận biết tầm quan trọng của việc CSSK.

Tham gia thảo luận, các đại biểu đều có chung nhận định, việc xây dựng đề án là quan trọng và đúng thời điểm. Tuy nhiên, đề án có một số điểm cần được sửa chữa, bổ sung. GS.TS Đào Văn Dũng-Vụ trưởng các vấn đề xã hội- Ban tuyên giáo TW cho rằng, tên của đề án chưa rõ chủ thể, chưa rõ đối tượng.

Liên quan đến đối tượng của đề án, PGS,TS Nguyễn Văn Kính-Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW cho hay, đề án chưa đưa ra được nhóm đối tượng đích, bởi nhu cầu giáo dục CSSK cho phụ nữ mang thai khác, người cao tuổi khác, mà trẻ em khác. Vì vậy, phải xây dựng đối tượng cụ thể, từ đó đưa thông tin đúng đối tượng được truyền thông.

“Cần đưa ra chiến lược truyền thông liên tục để người dân luôn cập nhật, tránh trường hợp truyền thông xong 1 chiến dịch là bỏ bẵng đi, như thế, người dân sẽ khó tiếp nhận được thông tin”, PGS,TS Nguyễn Văn Kính bổ sung.

Theo ông, nên học cách làm truyền thông của nước ngoài. “Ở một số nước mà tôi đến, khi xuống sân bay, họ có các tờ rơi về du lịch giới thiệu chỗ nào ăn ngon, chỗ nào có cảnh đẹp, rồi có bản đồ để hướng dẫn du khách. Vì thế, nên chăng cũng ta cũng làm tờ rơi, hướng dẫn cho người dân và du khách biết, hiện có dịch bệnh gì đang nổi, phòng tránh như thế nào, cần đến những bệnh viện nào khi mắc…”,-Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW đề xuất. Theo ông, trong quá trình thực hiện, cần theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả của đề án.

Bà Mai Kim Thoa-Phó TBT báo Hànộimới cho rằng, nói về hạn chế  truyền thông về giáo dục sức khỏe, cần phải đánh giá sát thực tế. Chẳng hạn, hạn chế về cung cấp thông tin cho báo chí thì cần xem có phải do chưa xác định đầy đủ vị trí, vai trò của báo chí hay không, từ đó có giải pháp thúc đẩy tham gia của truyền thông đại chúng; phải là đơn vị phối hợp thường xuyên, tránh trường hợp khi cần mới cung cấp thông tin; cần hỗ trợ cơ quan báo xây dựng chuyên mục chuyên trang về y tế.

Thời gian qua, ngành y chưa chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, thường khi nào cần tuyên truyền mới cung cấp. Nhưng cũng phải nói thêm là cơ quan báo chí cũng chưa vào cuộc thường xuyên, chỉ đề cập vấn đề y tế khi có vụ việc.

Bà Thoa cũng cho rằng, tại Thủ đô, mạng lưới truyền thông CSSK còn nhiều khó khăn, vì thế cần bổ sung cán bộ, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở. Theo bà, với đề án này, việc tuyên truyền giáo dục CSSK nhân dân sẽ được thực hiện tốt.

TS Nguyễn Anh Tuấn-Phó Tổng biên tập Tạp chí y học dự phòng nhận thấy, đề án đưa ra nhiều tiêu chí nhưng cần cụ thể và có lộ trình hơn, chứ để như hiện nay khá mông lung; đề án cũng cần đưa mô hình truyền thông cụ thể, đưa cách tiếp cận mới cho nhóm đối tượng cụ thể.

Đặc biệt, cần có đánh giá, khảo sát nhận thức của người dân về những vấn đề cần truyền thông, sau 2-3 năm tuyên truyền lại khảo sát lại, trên cơ sở đó mới đánh giá được đề án có hiệu quả hay không.

Còn theo TS Nguyễn Công Dũng-Phó TBT thường trực báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đề án có số đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng nếu thực hiện hiệu quả tốt thì con số trên là không nhiều, bởi nếu để dịch bệnh xảy ra, người dân mắc bệnh thì số tiền phải bỏ còn lớn hơn con số trên nhiều.

Vì vậy, “vấn đề không phải là kinh phí bao nhiêu mà làm như thế nào, làm ra sao để hiệu quả”, TS Nguyễn Công Dũng nhấn mạnh.

Sau hội thảo này, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổng hợp các ý kiến để chính sửa đề án và trình UBND Thành phố.

Mục tiêu của đề án “Nâng cao năng lực công tác truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020” là giúp người dân được tiếp cận đầy đủ và sử dụng có hiệu quả các dịch vụ truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đề án được chia thành 5 dự án gồm: Nâng cao vai trò chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe (GDSK) của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp thông qua chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; tăng cường kiến thức, thực hành đúng của người dân trong phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động truyền thông GDKS và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng; nâng cao năng lực của hệ thống, nguồn lực truyền thông GDSK từ thành phố đến cơ sở; xây dựng quy chế phối hợp, tăng cường hợp tác với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương trong công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho Thủ đô.

Phạm vi thực hiện là tại 29/29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Dự kiến, tổng kinh phí của đề án là hơn 645 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nâng cao năng lực truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố Hà Nội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.