Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để trẻ hụt hơi vì thể thao!

Theo BS Lễ Hoàng/Pháp luật TPHCM| 28/07/2015 14:16

Ăn chơi là tiếng đi đôi. Già trẻ cũng thế mà thôi. Muốn trẻ chơi cho hay mà trẻ thiếu đường, thiếu đạm, thiếu sinh tố, thiếu khoáng tố thì đừng lấy làm lạ nếu trẻ càng chơi càng học kém.

Nhiều fan nhí của thể dục thể thao lại mất ngủ vào những đêm có vận động! Trẻ tất nhiên không thể tươi tỉnh vào sáng hôm sau. Lý do là vì trẻ bị đánh thức giữa đêm bởi cơn đau tá hỏa do vọp bẻ cơ bắp chuối rồi sau đó khó trở vào giấc ngủ.

Cớ sao trẻ ngủ không yên?

Chuyện gì cũng có nguyên nhân. Cho dù có ăn no bụng vào buổi chiều trẻ vẫn dễ thiếu manhê (Mg), vì cơ thể tiêu dùng lượng rất lớn khoáng tố này trong khi vận động. Manhê lại là nhân tố can thiệp vào thao tác co thắt của bắp thịt vì manhê cần thiết cho dẫn truyền thần kinh và lực cơ.

Thiếu manhê khiến bắp thịt co thật nhanh, co thật mạnh nhưng sau đó không duỗi trở lại trạng thái trước đó. Chuột rút khi đó thừa nước đục thả câu!

Tại sao trẻ dễ u đầu?

Có nhiều môn thể dục thể thao đòi hỏi phải đụng chạm, chẳng hạn bóng đá, võ thuật… Chấn thương trong lúc thao tác vì thế là chuyện khó tránh. Nhưng nếu nghĩ đó là do xui xẻo thì sai

Theo kết quả nghiên cứu của ĐH Thể dục Thể thao Cologne, CHLB Đức, không dưới 40% chấn thương trong thể dục thể thao là vì thao tác thiếu chính xác khiến nạn nhân hoặc phản ứng hoặc quá nhanh hoặc quá chậm trong tình huống phải cọ xát với đối thủ. Thủ phạm cũng như nạn nhân đã không gặp chuyện vừa đau lòng vừa đau đớn nếu phản ứng đúng.

Thống kê cho thấy 80% trường hợp chấn thương là do trẻ không no bụng khi vào giờ vận động. Hậu quả là phản ứng sai lệch vì vừa thiếu năng lượng, vừa thiếu ba khoáng tố cần thiết cho dẫn truyền thần kinh và phản xạ của bắp thịt: canxi, manhê và phốtpho.

Cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ khoáng chất để trẻ khỏe mạnh.


Vì sao càng chơi càng… học dở?!

Ai cũng hiểu thể thao là đòn bẩy cho chức năng tư duy. Tuy vậy, không thiếu trẻ bị rầy vì học hành sa sút thiếu tập trung vào những ngày có thể dục thể thao. Sai bét nếu vì “chạy theo thành tích” nên phụ huynh cấm trẻ vận động để mong trẻ học hành khá hơn. Theo chuyên gia ở ĐH Thể dục Thể thao Cologne, nhiều trẻ càng chơi nhiều càng lúc càng mất điểm trong lớp là vì người lớn quên cho trẻ ăn đúng cách nên trẻ học không đến nơi, chơi không tới bến!

“Vận động viên nhí” tất nhiên cần một chế độ dinh dưỡng ít nhiều khác người mới mong khỏe nhờ chơi. Khẩu phần của trẻ sau giờ thể dục thể thao vì thế phải:

- Cung ứng đầy đủ chất đạm cho tiến trình hồi phục sau mỗi lần tập luyện.

- Bổ sung các chất điện giải dễ thất thoát do đổ mồ hôi nhằm duy trì dẫn truyền thần kinh đúng nghĩa nhạy bén cho phản ứng tinh tế.

- Tiếp tế chất sinh năng lượng cho cơ thể nhưng không gây béo phì.

Chuyện gì cũng có nguyên nhân

Số trẻ “càng chơi càng học dở” thường do vướng một số sai lầm như:

Uống nước không đủ trước, trong lúc và sau khi ra sân: Nếu tối thiểu 70% tổng lượng cơ thể là nước thì hiểu ngay tại sao trẻ vừa mau mệt, vừa thiếu thao tác hài hòa khi dẫn truyền thần kinh rối loạn vì thiếu nước và chất điện giải?! Trẻ cần được tiếp tế bằng nước khoáng thiên nhiên loại có nhiều Na, K, Mg, Ca, P... càng tốt, khoảng nửa giờ trước khi ra sân.

Quan trọng hơn nữa là bổ sung nước trong lúc đang đổ mồ hôi, không cần nhiều hơn 100 ml nhưng đều đặn mỗi nửa giờ. Tuyệt đối đừng đợi khát mới uống! Quan trọng không kém là bổ sung lượng nước đã thất thoát qua mồ hôi nhễ nhại, qua hơi thở dồn dập trong vòng một giờ sau khi tập luyện.

Không bổ sung sinh tố, khoáng tố và men cần thiết cho khả năng phối hợp của hệ vận động: Chơi nhiều hay ít thì cơ thể vẫn phải tiêu hao năng lượng, nghĩa là trẻ phải dùng nguồn dự trữ sinh tố, khoáng tố, cũng như phải huy động nhiều loại men cần thiết cho phản ứng sinh năng trong lúc chơi và trong giai đoạn phục hồi sau khi tập. Thức uống đa sinh tố, bữa ăn không thiếu cam, chanh, đu đủ, thơm là các món không nên thiếu trên bàn ăn của trẻ sau giờ lên công về thủ.

Thiếu chất béo trước giờ tập luyện: Nếu tưởng càng ăn ngọt càng dễ sinh năng lượng để ứng phó nhanh trong lúc thi đấu thì đúng nhưng không hay. Muốn trẻ đủ năng lượng để cầm cự đến phút cuối thì cơ thể phải được chuẩn bị trước đó với khẩu phần có đủ chất béo vì đó là nguồn dự trữ năng lượng theo kiểu bền lâu.

Thiếu chất đạm sau buổi tập luyện: Khẩu phần nhiều thịt tuy đúng là cung ứng chất đạm nhất nhưng rất thường khi là một trong các lý do khiến “vận động viên” mỏi mệt vào sáng hôm sau! Thay vào đó nên chọn chất đạm dễ dung nạp hơn như acid amin trong gạo nguyên cám, đậu nành để trẻ khỏe và hệ tiêu hóa không mệt.

Thiếu chất đường cho tiến trình phục hồi: Cơ thể trẻ phải hết pin sau buổi thể dục thể thao. Nếu “nạn nhân” sau đó phải ngồi vào bàn học đến khuya thì chẳng khác nào hành hạ trẻ! Đừng quên trong vòng một giờ sau khi rời sân là lúc trẻ rất cần chất đường nhưng không phải loại đường cát như lửa rơm bạo phát bạo tàn. Khẩu phần nhiều tinh bột, sữa và chất xanh là bữa ăn thích hợp sau giờ đổ mồ hôi trên thao trường để trẻ không thiếu canxi và manhê, hai khoáng tố cần thiết cho hệ thần kinh và vận động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để trẻ hụt hơi vì thể thao!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.