Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết

Gia Phong| 03/09/2015 16:59

(HNMO) - Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 1-9, toàn thành phố đã ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc SXH (tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014).

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại cuộc họp.


Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 1-9, toàn thành phố đã ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc SXH (tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014). Dịch bệnh SXH cũng đã phân bố ở 29/30 quận, huyện, thị xã (trừ huyện Phúc Thọ), trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Thanh Trì (248 ca), Hoàng Mai (241 ca), Hai Bà Trưng (182 ca), Hà Đông (149 ca)... Đặc biệt, số ca mắc SXH liên tục gia tăng trong tháng 7 và tháng 8. Cụ thể, riêng tháng 8 có 633 ca mắc (chiếm 49,4% tổng số ca mắc). Bên cạnh đó, tích luỹ từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 682 ca mắc tay chân miệng, 253 ca sốt phát ban, 14 trường hợp viêm não Nhật Bản, 148 trường hợp ho gà, 12 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn…

Nhận định về tình hình dịch bệnh SXH, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, dự báo trong 4 tháng cuối năm, tình hình dịch SXH sẽ diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tăng cao, đặc biệt thời tiết diễn biến bất thường, nóng bức mưa nhiều thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Do đó, trong khi dịch bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu thì hoạt động chính trong công tác phòng chống chính là vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hoá chất diện rộng. Tuy nhiên, dù toàn thành phố đã thực hiện được 490 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, tổ chức 39 chiến dịch phun hoá chất diện rộng tại 10 quận, huyện trọng điểm SXH nhưng tỷ lệ gia đình được phun hoá chất chưa cao. Hiện mới chỉ có hơn 61 nghìn hộ gia đình đã được phun xử lý (đạt tỷ lệ 64,6%), vẫn còn hơn 35% số hộ từ chối phun hoá chất, không hợp tác với cán bộ y tế hoặc đi vắng.

Không chỉ riêng Hà Nội, số mắc SXH trên cả nước cũng đang gia tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có hơn 25 nghìn trường hợp mắc SXH (tăng gấp 50% so với năm 2014), trong đó có 16 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khen ngợi Hà Nội đã quyết liệt trong việc phòng chống dịch bệnh SXH nhưng cũng tỏ ra lo ngại khi quận, huyện nào cũng có ổ bệnh. PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, xu thế dịch bệnh SXH sẽ còn tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu việc phun hoá chất phòng dịch không được triển khai quyết liệt và đồng bộ, chỗ phun, chỗ không thì muỗi gây bệnh sẽ không được tiêu diệt hết. Như vậy, dịch bệnh vẫn còn nguy cơ lây lan và bùng phát. Do đó, các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô cần có kế hoạch phòng và dập dịch SXH cụ thể, trong đó các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hoá chất dập dịch phải được triển khai quyết liệt, triệt để.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của các quận/huyện, xã/phường, đồng thời nhấn mạnh, với diễn biến tình hình dịch SXH như hiện nay không còn ở cấp độ phòng mà phải ở cấp độ dập dịch, vì vậy, các địa phương không thể chủ quan, lơ là.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cũng đã nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm để phòng chống dịch SXH nói riêng và các dịch bệnh nói chung, đó là thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; tăng cường tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, chủ động trong công tác dự báo để ứng phó có hiệu quả; thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc bệnh dịch, xây dựng và triển khai phương án phân tuyến điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong; đảm bảo đủ cơ số thuốc, hoá chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch; ngành y tế tiếp tục triển khai các nội dung của đề án “nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh với một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Hà Nội đến năm 2020” và tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch của các quận, huyện, xã phường và các đơn vị trong ngành. Phó Chủ tịch yêu cầu các quận/huyện, xã/phường phải thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trên với phương châm nhanh, gọn và hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.