Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ sở y tế cũng... kỳ thị!

Tuệ Diễm| 14/10/2015 06:49

(HNM) - Qua nhóm đồng đẳng viên, người bệnh nhiễm HIV đã phản ánh trực tiếp lên Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về tình trạng kỳ thị người bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo đó, họ không được mổ theo chỉ định ban đầu của bác sĩ; có người buộc phải chuyển viện điều trị khi bác sĩ



Chỉ định mổ, nhưng lại cho uống thuốc

Tại hội thảo "Vận động chống kỳ thị người bị nhiễm HIV" do Cục Phòng chống HIV/ AIDS phối hợp cùng Cục Hỗ trợ pháp lý và Ủy ban Phòng chống AIDS TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức, anh Giang Thanh Bình, trưởng nhóm Vượt Sóng, đơn vị hỗ trợ cho các bệnh nhân HIV tại TP Hồ Chí Minh bức xúc: "Tôi đã đi cùng một bệnh nhân có HIV đến cơ sở khám chữa bệnh. Người này mắc bệnh xoang, được bác sĩ chỉ định mổ. Sau khi làm xong các thủ tục xét nghiệm, bệnh nhân được cho về nhà để chờ đến ngày phẫu thuật theo lịch hẹn. Tuy nhiên, đến lịch hẹn, bệnh nhân được bác sĩ tư vấn bệnh xoang hiện tại không cần mổ, chỉ cần uống thuốc". Tuy nhiên, bệnh nhân trở về nhà điều trị theo đơn thuốc nhưng bệnh càng trở nặng. Gia đình quyết định không chờ khám bệnh theo kênh bảo hiểm y tế mà đi khám dịch vụ tại bệnh viện này. Một lần nữa, họ nhận được chỉ định mổ của bác sĩ, nhưng khi làm thủ tục xét nghiệm phát hiện bệnh nhân có HIV thì bác sĩ thông báo: Không phải mổ, chỉ nên tiếp tục uống thuốc điều trị.

Một thành viên trong nhóm Vượt Sóng thừa nhận, một nữ đồng đẳng viên bị bệnh phụ khoa, u xơ tử cung khi khám được bác sĩ chỉ định mổ. Nhưng khi xét nghiệm thì biết bệnh nhân bị HIV và bác sĩ chỉ định bệnh nhân không cần mổ, chỉ cần uống thuốc thì u xơ sẽ tự tan đi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh tình không thuyên giảm mà bệnh nhân đã chuyển qua ung thư tử cung.

Ngoài việc "phân biệt" không được bác sĩ cho mổ, thì tình trạng chuyển viện với lý do không đủ điều kiện để mổ cho bệnh nhân có HIV cũng diễn ra. Anh N.T. Thuận, một đồng đẳng viên cho nhóm Nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) cho biết: "Có thành viên thuộc cộng đồng MSM mắc bệnh đến điều trị tại cơ sở y tế tuyến quận tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây qua thăm khám, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định cho mổ. Tuy nhiên, sau khi phát hiện người bệnh có HIV, bệnh viện trả lời rằng không có đủ trang thiết bị để điều trị cho người nhiễm HIV và bệnh nhân phải chuyển đến Bệnh viện Bình Dân để phẫu thuật".

Tương tự, chị M - một đồng đẳng viên cũng tố giác sự kỳ thị phân biệt trong cơ sở y tế: "Chính em trai tôi bị nghiện ma túy, sau đó lây nhiễm HIV. Khi tôi đưa em đến một bệnh viện chuyên khoa để khám mắt. Khi nghe tôi nói em nhiễm HIV, y tá đã cầm sổ khám bỏ qua một bên và bảo phải chờ hết bệnh nhân khám xong mới tới... xem xét ".

Biện pháp nào xóa bỏ kỳ thị?

Tại hội thảo, Nguyễn Anh Phong, đại diện cho Mạng lưới người sống chung HIV Việt Nam (VNP+) cho biết, trong năm 2014, VNP+ đã tổ chức nghiên cứu về thực trạng kỳ thị với bệnh nhân có HIV. Ở môi trường tính kỳ thị cao, bảo mật thấp thì những người có nguy cơ nhiễm HIV không đi làm xét nghiệm kiểm tra bệnh. Trong đó, nam giới chiếm 38%, 18% ở nữ giới. Điều này đã làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị của người có HIV, khiến bệnh nhân có thể tử vong sớm. Đồng thời, để lại hậu quả làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, vì người có HIV không được uống thuốc điều trị sớm thì không thể làm suy giảm lượng vi rút lây bệnh.

Sự kỳ thị bệnh nhân HIV có lẽ bắt đầu từ chiến lược truyền thông phòng chống bệnh HIV/AIDS. Cụ thể là có một thời chúng ta truyền thông sử dụng hình ảnh gầy còm, lở loét của người nhiễm HIV... để tuyên truyền phòng chống về sự nguy hiểm của bệnh tật. Đây là cách truyền thông cũ, có "tác dụng phụ" khiến cho người bình thường lo sợ và kỳ thị, tránh xa bệnh nhân HIV. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, việc điều trị cho bệnh nhân HIV đã đạt nhiều tiến bộ vượt bậc. Thông tin từ Ủy ban Phòng chống AIDS TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phát hiện năm 1990 cho đến nay vẫn sống khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường nhờ kiên trì điều trị thuốc. Do đó, muốn thay đổi thái độ kỳ thị bệnh nhân HIV thì cần thiết phải thay đổi chiến lược truyền thông, xóa bỏ hình ảnh đáng sợ về người bệnh HIV trong cộng đồng.

Ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh: "Nếu phát hiện có trường hợp kỳ thị với người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế, bệnh nhân hoặc người nhà cần liên hệ trực tiếp với đường dây nóng của ngành Y tế để báo cáo vụ việc. Ngoài ra, bệnh nhân cần liên hệ với các đơn vị trực tiếp làm công tác phòng chống HIV/AIDS địa phương và trung ương để được giúp đỡ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở y tế cũng... kỳ thị!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.