Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ma túy đá biến con người thành 'quỷ dữ' như thế nào?

Theo Hà Quyên/Zing| 25/11/2015 09:48

Ở trạng thái loạn thần, ảo giác, người sử dụng ma túy đá có thể nhìn thấy những điều kinh khủng mà người thường không thấy. Họ sẽ tiêu diệt những điều đó bằng cách sát thương.


PGS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 cho hay hiện nay, ma túy đá là dạng ma túy tổng hợp (ATS), cực độc, tác động trực tiếp tới hệ thần kinh trung ương.


Theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2012, trong số 200 triệu người sử dụng ma túy trên toàn thế giới, có 35 triệu người sử dụng ATS, nhiều hơn so với những người sử dụng cocaine và thuốc phiện cộng lại.

“13% người sử dụng ATS có triệu chứng loạn thần, 23% từng bị loạn thần trong năm qua và tỷ lệ loạn thần trong số những người sử dụng ATS ở thời điểm nghiên cứu cao hơn gấp 11 lần so với dân số nói chung.

Nghiêm trọng hơn, đó chính là thủ phạm dẫn các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác) gây nên tâm trạng hoảng loạn, sợ bị truy hại và sợ bị giết, rất dễ dẫn đến hành vi bạo lực giết người hàng loạt rồi tự sát”, PGS Đức cho hay.

Quá trình tác động như thế nào?

Theo PGS Đức, ngay sau khi hút hoặc tiêm chích ATS, người sử dụng trải qua những biểu hiện tăng nhịp tim, tăng quá trình trao đổi chất và tăng huyết áp, cơn hưng phấn có thể kéo dài tới 30 phút.

ATS thường làm cho người sử dụng cảm thấy thông minh và tự tin hơn, có thể có thái độ hung dữ và dễ gây sự, thường nói ngắt lời người khác. Các hiệu ứng ảo giác có thể dẫn đến tập trung cao độ vào một hành vi vô nghĩa, chẳng hạn làm sạch nhiều lần cùng một cửa sổ trong vài giờ. Khoái cảm có thể kéo dài 4-16 giờ.

Sau đó, người sử dụng trải nghiệm tâm trạng buồn bã và trống rỗng được gọi là "sự chuyển tiếp". Trong giai đoạn chuyển tiếp này, họ có thể dùng rượu hay heroin, để làm giảm trạng thái u uất. Đây là thời điểm dễ xuất hiện hành rất khó lường như bạo lực, ảo giác và hoang tưởng (paranoia). Người bệnh có thể mất ngủ liên tục tới 3-15 ngày, hoàn toàn sống trong thế giới riêng của mình, nhìn thấy và nghe những điều mà những người khác không cảm nhận được. Họ bỗng có thái độ thù địch, dễ gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

Ở diễn biến tiếp theo, người sử dụng kết cục bằng sự suy sụp khi nguồn cung cấp epinephrine của cơ thể bị cạn kiệt. Những trường hợp hung dữ nhất cũng trở nên vô cảm vào thời điểm này. Bệnh nhân có nhu cầu thúc bách phải ngủ từ 1 cho đến hơn 3 ngày liên tục để lấy lại sức.

Sau giai đoạn suy sụp, họ lâm vào tình trạng mất nước, đói và hoàn toàn suy kiệt về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Giai đoạn này thường kéo dài 2-14 ngày. Đây là con đường cưỡng bức dẫn tới nghiện, vì "giải pháp" cho những cảm giác trống rỗng là sử dụng nhiều ATS hơn.

Ảo giác biến con người thành thú dữ

Vẫn theo PGS Cao Tiến Đức, ở trạng thái ngộ độc, người dùng ATS có thể có ảo thị, ảo thanh và ảo giác xúc giác, thường được gọi là “ngáo đá”. Ảo thị thường là nhìn thấy các hình ảnh không có thật như thấy ma quỷ, các động vật nhỏ hoặc có thể là các hình ảnh đẹp, hấp dẫn khiến người bệnh thích thú, say mê.

Ảo thanh có thể là ảo thanh giả hoặc ảo thanh thật, bệnh nhân nghe thấy các giọng nói từ ngoài môi trường vọng vào đầu, tiếng nói nghe được rất rõ ràng, có thể phân biệt được giọng nam hay nữ, người quen hay lạ. Nội dung ảo thanh có thể là những lời nói khen ngợi hoặc chê bai về hành vi của người bệnh, đôi khi là giọng nói ra lệnh cho người bệnh phải làm một việc gì đó (nhảy múa, đập phá, đánh, giết người).

Ảo giác xúc giác ít gặp hơn, người bệnh có cảm giác như có côn trùng bò trên da, ngứa ngáy. Ảo giác xúc giác thường là ảo giác thật, do đó người bệnh gãi rất nhiều gây trầy xước hoặc dùng vật dụng để rạch da gây thương tích chảy máu, thường để lại nhiều vết sẹo, vết thâm rải rác toàn thân.

“Đây là tình trạng rất nguy hiểm bởi nó chi phối hành vi, khiến người bị ‘ngáo đá’ có thể giết người hoặc tự sát. Chẳng hạn trường hợp một ca sĩ ở Hưng Yên đã lên cơn ngáo đá và giết người yêu chỉ vì nghĩ cô này là quỷ có lưỡi dài và đang bơm chất độc vào cơ thể mình.

Hay một bệnh nhân tại Mỹ Đức (Hà Nội) đã dùng dao đâm trọng thương bố mẹ và em trai sau đó tự rạch bụng mình cắt gần hết ruột non và nhảy xuống ao ngâm mình tự tử. Đặc biệt, ‘ngáo đá’ có thể xảy ra ngay lần đầu tiên sử dụng”, bác sĩ Đức cho hay.

Ngoài ra, theo PGS Đức, người dùng ma túy đá sẽ phải đối mặt với các triệu chứng trầm cảm (thu rút quan hệ, suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc giảm, bi quan, mặc cảm tội lỗi, thay đổi ham muốn tình dục, chán ăn, giảm năng lượng) có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng thậm chí trong một số trường hợp tới vài năm sau khi đã ngưng sử dụng ATS.

Người bệnh có nguy cơ cao tự sát thực sự nếu trước đó đã từng có ý tưởng tự sát, hoặc đã có kế hoạch cụ thể và tìm được phương tiện để thực hiện ý tưởng đó, có nhiều căng thẳng bế tắc, tuyệt vọng, có triệu chứng loạn thần, tiếp tục sử dụng rượu hoặc ma túy khác hoặc ít được gia đình, xã hội quan tâm.

PGS Đức khuyến cáo ma túy đá rất nguy hại, cần ngăn chặn sớm. Gia đình phải chịu trách nhiệm trong việc giáo dục, bảo vệ con trẻ khỏi tác động của chất gây nghiện này. Sự hiểu biết còn mơ hồ, hạn chế của gia đình và bản thân giới trẻ là một phần nguyên nhân khiến loại ma túy độc hại này đang xâm nhập và tàn phá một bộ phận thanh niên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ma túy đá biến con người thành 'quỷ dữ' như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.