Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải thiện sống còn cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng”

HT| 24/04/2016 09:55

(HNMO) - Ngày 23/4, Hội Ung thư Việt Nam, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM phối hợp với VPĐD Hoffmann ­ La Roche Ltd tại TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Liệu pháp kháng sinh mạch: Cải thiện sống còn cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng”.


Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 150 Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Dược sĩ trong lĩnh vực điều trị ung thư dưới sự chủ trì của GS. BS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam và sự điều phối của TS. BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Tp. Hồ Chí Minh. Các báo cáo viên tham dự hội thảo là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điều trị ung thư nói chung và ung thư phụ khoa nói riêng, bao gồm TS.BS. Vũ Văn Vũ ­ Trưởng Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh; TS. BS. Mary McCormack ­ Chủ nhiệm Trung tâm Ung thư phụ khoa, Bắc Luân Đôn, Anh Quốc và GS.TS.BS. Nicoletta Colombo – Giám đốc Trung tâm Ung thư chuyên sâu buồng trứng và thực hành, Viện Ung thư Châu Âu, Milan, Ý.


Hội thảo diễn ra sôi nổi với ba bài báo cáo chuyên môn từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, ghi nhận tổng quan về tình hình ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung tại Việt Nam, và nhấn mạnh vào bối cảnh hiện tại và quan điểm điều trị ứng hợp từng người bệnh. Đồng thời, các chuyên gia ung thư hàng đầu tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận cùng các chuyên gia quốc tế đã cùng thảo luận và cập nhật những thông tin mới nhất về phương pháp điều trị kháng sinh mạch Bevacizumab. Đây là một loại liệu pháp nhắm trúng đích tiên tiến hiện đang được áp dụng trong điều trị ung thư trên thế giới, và đã được FDA (Hoa Kỳ) và EMA phê chuẩn vào năm 2014 & 2015 trong chỉ định kết hợp với hóa chất điều trị ung thư cổ tử cung dai dẳng, tái phát hoặc di căn và ung thư buồng trứng giai đoạn tiến xa mới chẩn đoán hay tái phát.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, phương pháp này là một bước tiến mới của Y học hiện đại, với cơ chế tấn công sự tăng sinh máu nuôi dưỡng của tế bào ung thư, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn so với các phương pháp trước đây. Liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab cũng đã được Bộ Y tế Việt Nam phê chuẩn trong phác đồ điều trị ung thư buồng trứng vào tháng 4 và tháng 7 năm 2015, và ung thư cổ tử cung vào tháng 12 năm 2015, mang lại thêm nhiều cơ hội sống cho các bệnh nhân ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, chủ tọa PGS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết: “So với ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn có số ca mắc mới chỉ bằng khoảng 10%, nhưng các bệnh nhân ung thư buồng trứng có tỷ lệ tử vong cao, và các bệnh nhân ung thư cổ tử cung chẩn đoán ở giai đoạn muộn cũng có kết quả điều trị hạn chế. Hội thảo hôm nay giúp các Bác sĩ, các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị ung thư có một cái nhìn tổng quan về hai loại bệnh này, và tạo cơ hội trao đổi, thảo luận về liệu pháp kháng sinh mạch cho ứng hợp từng bệnh nhân để đạt hiệu quả tối ưu, khi kết hợp với hóa trị, giúp cải thiện kết quả sống còn và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.”


Ung thư buồng trứng – “sát thủ thầm lặng”


Hàng năm có khoảng 240.000 phụ nữ trên toàn thế giới được chẩn đoán ung thư buồng trứng, và khoảng 150.000 trường hợp tử vong. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 trường hợp phụ nữ được chẩn đoán ung thư buồng trứng1. Với tỷ lệ sống toàn bộ 5 năm chỉ khoảng 45%, ung thư buồng trứng là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư phụ khoa.

Triệu chứng của ung thư buồng trứng thường hay bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh về tiêu hoá, và phần lớn bệnh nhân chỉ được phát hiện ở các giai đoạn muộn. Điều này làm cho việc điều trị trở nên khó khăn, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tiên lượng sống của người bệnh. Ung thư buồng trứng vì vậy còn được xem là "sát thủ thầm lặng’’.

GS.TS.BS. Nicoletta Colombo trong phần trình bày của mình cho biết: “Điều trị ung thư buồng trứng khá phức tạp bởi mặc dù bệnh nhân đạt được tỷ lệ đáp ứng cao so với điều trị hóa chất ban đầu nhưng phần lớn bệnh nhân sẽ tái phát trong thời gian ngắn. Do vậy, việc điều trị đòi hỏi phải có một chiến lược phù hợp để đảm bảo hiệu quả.” Cũng theo GS.TS.BS. Colombo bên cạnh các liệu pháp điều trị ung thư buồng trứng hiện nay như phẫu thuật hay hóa trị, liệu pháp kháng sinh mạch trong chỉ định kết hợp hoá chất là vũ khí điều trị ung thư buồng trứng hiệu quả, và hiện đang được sử dụng phổ biến trên thế giới.

Ung thư cổ tử cung ­ phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị sớm


Ở Việt Nam, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ, với hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh mỗi năm. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do vius HPV (Human Papilloma Virus), loại virus lây truyền chủ yếu qua đường quan hệ tình dục. Mặc dù việc tầm soát và chủng ngừa HPV đã được tiến hành rộng rãi, ung thư cổ tử cung vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ, với hơn 2.400 ca mỗi năm. Nếu bệnh được phát hiện sớm, tỷ lệ sống toàn bộ 5 năm cho bệnh nhân là khoảng 90%.

Tuy nhiên, nếu được phát hiện muộn khi bệnh đã tiến triển, tỷ lệ sống toàn bộ 5 năm chỉ khoảng 16%. Khi đó, mục đích điều trị là giảm triệu chứng bệnh và kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân.

Tại buổi hội thảo, TS.BS Vũ Văn Vũ chia sẻ: “Điều trị ung thư cổ tử cung vẫn còn là một gánh nặng y tế lớn, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư cổ tử cung tùy thuộc vào việc chẩn đoán sớm, điều trị sớm và đúng mức. Để phòng bệnh ung thư cổ tử cung, phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ có kèm xét nghiệm truy tìm sớm ung thư cổ tử cung, tiêm ngừa HPV, và gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi có các triệu chứng bất thường.” Hiện nay, tầm soát ung thư cổ tử cung có thể thực hiện bằng cách kiểm tra các tế bào được lấy từ cổ tử cung với kỹ thuật Pap và/hoặc bằng cách xét nghiệm DNA HPV ở cổ tử cung. Trong đó xét
nghiệm cobas HPV là bước đầu tiên giúp phát hiện các đối tượng có nguy cơ ung thư cổ tử cung cao”.

Đề cập đến các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung hiệu quả, TS.BS. Mary McCormack trong bài trình bày của mình cho biết phẫu thuật sẽ được áp dụng trong điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, hoá trị hoặc hoá trị kết hợp với xạ trị sẽ được áp dụng ở bước tiếp theo sau phẫu thuật. Đối với bệnh nhân di căn hoặc tiến triển khu trú, hoá xạ trị là điều trị chuẩn được khuyến nghị. Cũng theo TS.BS. Mary McCormack, liệu pháp kháng sinh mạch đang cho thấy hiệu quả điều trị trong chỉ định kết hợp hoá chất đối với bệnh nhân ung thư cổ tử cung dai dẳng, tái phát hoặc di căn.

Liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab – Thêm cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung

Liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab đã được FDA và EMA phê chuẩn trong chỉ định điều trị ung thư cổ tử cung năm 2014 và 2015 và được EMA phê chuẩn trong chỉ định điều trị ung thư buồng trứng năm 2011. Liệu pháp kháng sinh mạch hoạt động trên cơ chế tấn công sự tăng sinh máu nuôi dưỡng của tế bào ung thư, và mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Đây được xem là một bước tiến mới của Y học hiện đại. Trên quan điểm điều trị cá thể hóa ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung, TS.BS Vũ Văn Vũ cho biết thêm: “Trước khi được phê duyệt trong điều trị hai loại ung thư phụ khoa này, liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab đã là một liệu pháp hiệu quả trong điều trị ung thư phổi và ung thư đại trực tràng trên thế giới và tại Việt Nam trong suốt hơn một thập niện qua. Việc Bộ Y tế Việt Nam phê chuẩn Liệu pháp kháng sinh mạch trong điều trị ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung vào tháng 4, 7 và 12/2015 so với thế giới là rất nhanh chóng và cập nhật, và sẽ tạo thêm nhiều cơ hội sống còn cho các bệnh nhân Việt Nam.”

Các bài trình bày của các chuyên gia quốc tế tại Hội thảo cho thấy vai trò của sự sinh mạch trong quá trình hình thành, tăng trưởng, và phát triển di căn của khối u, từ đó nhấn mạnh vai trò của liệu pháp kháng sinh mạch trong điều trị ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung. Theo nhận định của hai chuyên gia quốc tế, liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab kết hợp hóa trị là liệu pháp điều trị tiêu chuẩn cho các bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn tiến xa mới chẩn đoán hay tái phát và bệnh nhân ung thư cổ tử cung dai dẳng, tái phát hoặc di căn.

Trong tương lai, với sự phát triển của các liệu pháp nhắm trúng đích mới, liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các phác đồ điều trị phối hợp mới hơn, hiệu quả hơn. Hiện tại, đã có 6 loại khối u được khuyến nghị điều trị với liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab và hơn hàng triệu bệnh nhân toàn cầu đang hưởng lợi từ liệu pháp này. Điều này cho thấy liệu pháp kháng sinh mạch Bevacizumab là một phát minh có tính cách mạng trong lĩnh vực điều trị ung thư, và đang mang lại nhiều lợi
ích điều trị cho bệnh nhân.

Ông Donald Niles, Giám đốc Ngành Thuốc Ung thư, VPĐD Hoffmann ­ La Roche Ltd Tp. Hồ Chí Minh cho biết: “Ung thư sản phụ khoa, đặc biệt là ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng là những căn bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và tính mạng của phụ nữ trên thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Trong suốt 3 năm qua, chúng tôi đã đồng hành cũng Bộ Y tế trong với chương trình ‘We care for her – Vì phụ nữ, vì ngày mai’’, trong cuộc chiến chống ung thư vú, giúp nâng cao nhận thức về căn bệnh này và giúp hơn 16.000 phụ nữ từ 40 tuổi trở lên tại Việt Nam được tầm soát sớm ung thư vú. Hôm nay, với buổi hội thảo này, chúng tôi lại tiếp tục giữ vững cam kết của Roche trong việc sát cánh cùng phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ ­ bao gồm ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động hôm nay vì bệnh nhân ngày mai, đúng theo tôn chỉ hoạt động của chúng tôi tại Roche “Doing now what patients need next”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện sống còn cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.