Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng mới rút ngắn thời gian phát hiện vi rút gây bệnh có trong máu

Gia Phong| 26/04/2016 15:16

(HNMO) - Ngày 26-4, Viện Huyết học-truyền máu Trung ương tổ chức công bố ứng dụng thành công kỹ thuật xét nghiệm máu NAT (Kỹ thuật sinh hoc phân tử) tiên tiến nhất hiện nay, giúp rút ngắn thời gian phát hiện vi rút gây bệnh có trong máu.


GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-truyền máu trung ương cho biết, kỹ thuật NAT hiện là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tiên tiến nhất. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn, cho phép áp dụng tại các trung tâm truyền máu, cơ sở sàng lọc máu của các bệnh viện trên toàn quốc theo lộ trình cụ thể.

Kỹ thuật NAT được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc vi rút viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV), HIV cho độ chính xác, độ nhạy cao, đem hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các vi rút. Kỹ thuật này góp phần mở ra kỷ nguyên mới bảo đảm an toàn truyền máu, cung cấp nguồn máu an toàn, kịp thời.

Nhân viên y tế Viện Huyết học-truyền máu trung ương triển khai lập dữ liệu trong phòng xét nghiệm NAT.


Được biết, năm 1999, kỹ thuật NAT lần đầu được áp dụng trong xét nghiệm sàng lọc vi rút HCV. Năm 2002, Cơ quan FDA Hoa kỳ công nhận kỹ thuật NAT xét nghiệm vi rút HBV, HCV và HIV được sử dụng trong sàng lọc đơn vị máu. Kết quả xét nghiệm sàng lọc vi rút HBV, HCV và HIV trong 10 năm triển khai xét nghiệm NAT (1998-2008) tại 37 quốc gia ở các châu lục đã phát hiện khoảng 3.000 trường hợp nhiễm tác nhân gây bệnh, mà xét nghiệm huyết thanh học không phát hiện được (chiếm khoảng 0,003%).

Ở nước ta, năm 2007, Viện Huyết học-truyền máu trung ương đã thử nghiệm kỹ thuật sinh học phân tử trong xét nghiệm đơn vị máu nhằm nghiên cứu tính khả thi và lợi ích của xét nghiệm này. Viện và các chuyên gia trong ngành đã tham mưu, đề xuất các chủ trương, quy định về bảo đảm an toàn truyền máu cho Bộ Y tế, trong đó có đề xuất chủ trương triển khai xét nghiệm NAT. Từ cuối năm 2014, Viện Huyết học-truyền máu trung ương là đơn vị đầu tiên của cả nước đã triển khai thành công kỹ thuật NAT trong xét nghiệm sàng lọc máu.

Năm 2015, Viện Huyết học-truyền máu trung ương là đơn vị đầu tiên trong cả nước chính thức cung cấp tất cả các đơn vị máu, chế phẩm máu đều được sàng lọc bằng xét nghiệm NAT. Tiếp đến, xét nghiệm này đã được triển khai ở các trung tâm truyền máu của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Tp Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ. Mục tiêu là đến năm 2018, kỹ thuật NAT sẽ được xét nghiệm cho tất cả các đơn vị máu hiến trên toàn quốc, nhằm đảm bảo việc cung ứng nguồn máu an toàn cho toàn dân.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, kỹ thuật xét nghiệm NAT phát hiện trực tiếp các DNA hoặc RNA của vi rút thông qua nhân bản đoạn gen đặc hiệu của vi rút (dù khá thấp trong máu ngay từ lúc mới nhiễm) tăng lên nhiều lần và sau đó xác định chính xác vi rút đã nhiễm, rút ngắn thời gian cửa sổ của phát hiện vi rút lây nhiễm và cho kết quả có độ nhạy cao. Thí dụ thời điểm xét nghiệm NAT có thể phát hiện vi rút HIV rút ngắn 10 ngày, với HBV sớm hơn 25 ngày, với HCV sớm hơn 60 ngày so với kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh học.

Năm 2015, cả nước tiếp nhận được 1.160.726 đơn vị máu toàn phần và khối tiểu cầu gạn tách từ một người hiến. Trong đó, ngoài việc xét nghiệm sàng lọc cho 100% đơn vị máu bằng kỹ thuật huyết thanh học phát hiện nhiễm vi rút HBV, HCV, HIV, giang mai, sốt rét… Trong đó, bước đầu thực hiện xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật NAT cho 417.893 mẫu máu (đạt 36% tổng số máu tiếp nhận và sử dụng (417.893/1.160.726), phát hiện được 442 mẫu máu nhiễm bệnh. Ước tính xét nghiệm NAT có thể phát hiện được mẫu nhiễm HBV là 1/1.184 mẫu, HCV là 1/37.990 mẫu, với HIV là 1/83.579 mẫu đã có xét nghiệm huyết thanh học âm tính trước đó.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), truyền máu là một trong ba yếu tố đánh giá sự phát triển y tế của mỗi quốc gia. Cả nước dự kiến tiếp nhận khoảng 1,3 triệu vào năm 2016 và đạt 1,8 triệu đơn vị máu năm 2020. Do vậy, việc đảm bảo an toàn truyền máu luôn được đặt lên hàng đầu, trong đó xét nghiệm sàng lọc máu, bảo đảm an toàn truyền máu là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất góp phần đạt được mục tiêu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng mới rút ngắn thời gian phát hiện vi rút gây bệnh có trong máu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.